November 02, 2018 | 09:17 GMT+7

Kinh doanh lúa gạo nhìn từ kinh nghiệm thành công của Tân Long

Lan Anh

Vượt qua các doanh nghiệp nổi tiếng về xuất khẩu gạo trên thế giới, trong năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã trúng nhiều gói thầu tại Hàn Quốc

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group.

Vượt qua các doanh nghiệp nổi tiếng về xuất khẩu gạo trên thế giới, trong năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã trúng nhiều gói thầu tại Hàn Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu "khó tính" với hơn 125.000 tấn, trong đó 110.000 tấn gạo lứt Japonica (giống gạo ngắn của Nhật).

Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group, đây được cho là "kỳ tích" của một doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Thưa ông, Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo, tuy nhiên ở thị trường Châu Âu, châu Mỹ và cả một số nước châu Á, sản phẩm của chúng ta vẫn đứng sau Thái Lan và Ấn Độ. Vậy đâu là nguyên nhân và chúng ta cần làm gì để có thể cạnh tranh với sản phẩm của hai quốc gia này?

Về vấn đề này chúng tôi nhận định có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa gạo của Việt Nam yếu hơn so với Thái Lan và Ấn Độ. Một thời gian dài chúng ta thiếu sự liên kết này để tạo ra các cánh đồng lớn phục vụ nhu cầu của trị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam còn thụ động phát triển thị trường, không mạnh dạn đầu tư liên kết bao tiêu cho nông dân sản xuất lúa đúng tiêu chí chất lượng và chủng loại mà nhà nhập khẩu cần. Nông dân chưa canh tác lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn thâm nhập thị trường quốc tế, phát triển thị trường mới, cũng như chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất theo hướng bao tiêu, thu mua, sấy trữ để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng phù hợp thị trường mục tiêu.

Đa số doanh nghiệp phụ thuộc đầu ra là các công ty thương mại đa quốc gia như Olam, Luis Dreyfus, Phoenix, Sunrice hay ADM. Trong khi các công ty này có nhiều nguồn cung ngoài Việt Nam, nếu gạo Thái và Ấn Độ có chất lượng phù hợp và giá cạnh tranh hơn thì các công ty xuất khẩu của Việt Nam không bán được hàng.

Thứ ba, trong điều kiện Việt Nam, công tác sau thu hoạch gồm sấy và tạm trữ còn manh múm, không đảm bảo chất lượng, công nghệ và trình độ quản lý còn lạc hậu, do đó làm giảm chất lượng sản phẩm, không đồng đều, số lượng tồn kho ít... làm giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu gạo.

Thứ tư, đặc điểm của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung khi tham gia thị trường xuất khẩu là chia làm hai khối: Các doanh nghiệp nhà nước có nhiều vốn, chiếm trên 50% xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp tư nhân có vốn quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu do thiếu kinh nghiệm xuất nhập khẩu và thiếu vốn. Trong khi khối doanh nhiệp tư nhân mới là động lực và đủ năng động để đột phá về thị trường.

Mới đây, thương vụ Tân Long vượt qua các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng trọn gói 60.000 tấn gạo Japonica cung cấp cho Hàn Quốc dưới dạng đấu thầu chính phủ được coi là cơ hội để nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, ông nói gì về nhận định này?

Đó là kết quả tất yếu của sự năng động và mạnh dạn khai thác thị trường, cũng là kết quả tất yếu của quá trình liên kết theo nguyên tắc doanh nghiệp đặt hàng và nông dân sản xuất lúa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thế giới về mặt kinh tế là một thế giới phẳng, các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế cạnh tranh và có các cơ hội như nhau. Tập đoàn Tân Long thắng thầu quốc tế xuất khẩu gạo Việt Nam cũng là kết quả tất yếu của quá trình dám nghĩ, dám làm.

Phải bỏ vốn đầu tư và ký kết hợp đồng bao tiêu lúa trực tiếp với người nông dân. Chúng tôi theo đuổi triết lý kinh doanh tập trung vào nhu cầu thị trường, từ tích cực đầu tư vào mô hình liên kết sản xuất lúa gạo với nông dân, đến xây dựng nhà máy phục vụ sấy trữ và sản xuất chế biến hiện đại.

Tân Long đã và đang nỗ lực cạnh tranh, phát triển thị trường xuất khẩu, phối hợp với nông dân sản xuất lúa, và mang sản phẩm gạo Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bằng chứng là chúng tôi đã vượt qua các công ty của Trung Quốc, Thái Lan và Úc tại thắng thầu hơn 125.000 tấn gạo tại Hàn Quốc từ đầu năm 2018 đến nay.

Như vậy có thể khẳng định rằng các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hoàn toàn có năng lực trực tiếp tham gia xuất khẩu gạo vào các thị trường lớn và khó tính của thế giới, đặc biệt trước xu hướng thương mại hóa hoàn toàn?

Đúng như vậy, chúng tôi đã làm được điều này.

Từ những thắng lợi của Tân Long, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam?

Đây là câu hỏi rất hay và khó. Bản chất thị trường là quan hệ cung cầu. Nhu cầu của thị trường quốc tế thì rất lớn và đa dạng. Trong khi nguồn cung cũng rất đa dạng, ngoài Việt Nam còn có Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia, Mỹ... Vậy đối với gạo Việt Nam chúng ta nên xem xét lựa chọn loại gạo có thế mạnh hơn các quốc gia trên để sản xuất.

Theo kinh nghiệm của Tân Long, chúng tôi lựa chọn gạo ngắn Japonica, Jasmine, một số loại gạo thơm,... và mạnh dạn liên kết với nông dân sản xuất trên các cánh đồng lớn. Tân Long tự tin vì chắc chắn có thị trường đầu ra. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đầu tư xây dựng hạ tầng thiết bị phục vụ sấy trữ và chế biến hiện đại.

Chúng tôi khuyên các doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực, sức mạnh tài chính thì nên hợp tác làm vệ tinh trong sản xuất và cung ứng cho các doanh nghiệp lớn.

Đầu tư công nghệ là một giải pháp ai cũng có thể đề cập đến, song cái khó của các Doanh nghiệp đang gặp phải là gì? Giải pháp như thế nào?

Đầu tiên phải nói là rủi ro về vốn và thị trường. Đầu tư công nghệ sản xuất mới cần vốn đầu tư và rủi ro lớn, sau khi đầu tư nếu khai thác thị trường không hiệu quả thì sẽ đọng vốn, chậm hoàn vốn. Giải pháp của chúng ta là tìm thị trường đầu ra chắc chắn, sau đó đầu tư vào hạ tầng thiết bị tốt, vốn đầu tư cao. Không nên đầu tư lớn quá vội vã khi chưa có thị trường.

Tập đoàn Tân Long không gặp vấn đề này. Tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều có khó khăn chung về vốn và thị trường đầu ra. Nhưng quan trọng nữa là thiếu người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm với các quyết định về thị trường.

Những đánh giá nhận định của ông về những cơ hội và thách thức cho ngành lúa gạo trong thời gian tới? Kế hoạch của Tân Long là gì?

Theo tôi, nhu cầu của thế giới về lúa gạo ngày càng tăng, trong khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp dần do công nghiệp hóa, dân số tăng và biến đổi khí hậu. Đó chính là cơ hội rất lớn cho lúa gạo Việt Nam đến gần hơn với thị trường thế giới.

Mặt khác, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu ngày càng cao, người tiêu dùng ngày càng khó tính, đòi hỏi sản phẩm gạo phải ngon và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Vì vậy gạo Việt Nam phải đạt chất lượng cao, không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất điều hòa sinh trưởng. Muốn tăng năng suất và giảm giá thành đòi hỏi máy móc trang thiết bị sấy - trữ, chế biến gạo phải đầu tư rất lớn, và doanh nghiệp cũng cần có trình quản lý và kinh nghiệm thị trường.

Thói quen canh tác manh múm, nhỏ lẻ và kém tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng là thách thức để doanh nghiệp gia tăng được chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và hạ giá thành cạnh tranh quốc tế.

Kế hoạch của Tập đoàn Tân Long là trong 5 năm tiếp theo, phấn đấu trở thành doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lúa gạo quy mô lớn, có năng lực cung cấp từ 500 nghìn đến 1 triệu tấn gạo mỗi năm. Chúng tôi có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 nhà máy đủ công năng sấy và dự trữ chế biến với quy mô 240.000 tấn/nhà máy/năm.

Ông có đề xuất gì với Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tại Việt Nam?

Về phía Chính phủ và Bộ Công Thương, chúng tôi mong muốn có cơ chế chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi môi trường đầu tư sản xuất lúa gạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa vào các hợp đồng tập trung, xuất khẩu gạo cho các trị trường chính phủ như Philippines, Indonesia, Cuba, Iraq, Bangladesh...

Chính phủ Việt Nam nên có một Quỹ khuyến khích xuất khẩu lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp dựa trên thực tế doanh thu xuất khẩu. Theo chúng tôi tìm hiểu, các doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan được hưởng nhiều hỗ trợ và ưu đãi của chính phủ căn cứ trên kết quả xuất khẩu thực tế, qua số liệu Hải quan và doanh thu ngoại tệ xuất khẩu về các ngân hàng.

Quan trọng nhất, chúng tôi mong muốn Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát thật khoa học về vấn đề nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cho nhập khẩu và lưu hành những sản phẩm không để lại dư lượng hóa chất và kim loại nặng trên sản phẩm.

Vì hiện nay, vấn đề này đang rất nhức nhối, gây ảnh hưởng đến uy tín chất lượng gạo của Việt Nam. Nhiều lô hàng bị trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định cho phép của nước nhập khẩu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate