Chỉ sau 45 ngày tại vị, bà Truss trở thành Thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ thứ ba liên tiếp từ chức và là nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.
“Tôi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ mà nhờ đó tôi được Đảng Bảo thủ bầu chọn. Do đó, tôi đã nói chuyện với Đức vua và thông báo sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ", bà Truss, 47 tuổi, phát biểu bên ngoài văn phòng Thủ tướng ở số 10 Phố Downing ngày 20/10.
MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG TRẦM TRỌNG HƠN CÓ THỂ XẢY RA
Thông báo của Thủ tướng Anh giúp thị trường tài chính thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, giờ đây đảng cầm quyền đang bị chia rẽ sẽ phải tìm một nhà lãnh đạo có thể thống nhất các phe đang đối đầu của mình.
Theo AP, việc bà từ chức làm gia tăng tình trạng bất ổn đang làm lung lay nền kinh tế Anh kể từ khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Việc này cũng đẩy vị trí lãnh đạo đất nước vào tình thế bấp bênh khi Anh đang đối mặt với cuộc khủng khoảng giá sinh hoạt và suy thoái kinh tế.
Kế hoạch kinh tế bao gồm một loạt chính sách giảm thuế của bà Truss đã khiến giá trị đồng bảng Anh xuống thấp kỷ lục và làm tăng chi phí vay thế chấp mua nhà, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp vốn đang chật vật khi nền kinh tế vẫn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Sóng gió với nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Truss bắt đầu sau khi bà và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch kinh tế với các biện pháp giảm thuế trị giá tổng cộng 45 tỷ Bảng Anh (khoảng 50 tỷ USD).
Dự báo về việc Chính phủ sẽ phải vay các khoản nợ khổng lồ để thực hiện kế hoạch này đã đẩy giá đồng Bảng Anh giảm kỷ lục và lãi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng vọt. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sau đó đã buộc phải can thiệp để ngăn cuộc khủng hoảng lan ra rộng và khiến các quỹ hưu trí gặp rủi ro.
Bà Truss sau đó đã sa thải ông Kwarteng. Tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt ngay sau khi nhậm chức đã loại bỏ gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế, cắt giảm các khoản trợ cấp năng lượng được đưa ra trước đó và bỏ mặc cam kết không cắt giảm chi tiêu công của bà.
Ông Hunt nói rằng Chính phủ cần phải tiết kiệm hàng tỷ Bảng và phải đưa ra “rất nhiều quyết định khó” trước khi Bộ Tài chính công bố kế hoạch tài khóa trung hạn vào ngày 31/10.
Quyết định của ông Hunt giải tỏa phần nào nỗi lo cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể cả khi “Trussonomics” - cụm từ được dùng để mô tả các kế hoạch kinh tế của bà Truss - được loại bỏ và thị trường tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện, thì triển vọng ngắn hạn của Anh đã lung lay đáng kể.
Cũng như nhiều nước châu Âu, Anh đang đối mặt một cuộc suy thoái kéo dài qua mùa đông. Các nhà hoạch định chính sách đã phải đứng trước những lựa chọn khó khăn kể cả trước khi bà Truss gây hỗn loạn thị trường tài chính. Giờ đây, khi uy tín của chính phủ bị giảm sút, họ lâm vào tình thế tồi tệ hơn.
“Tháng qua giống như một cơn ác mộng vậy, nhưng tình hình trước đó cũng không phải một giấc mơ đẹp”, ông James Athey, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Abrdn, nói.
Việc bất ngờ đảo ngược hầu hết các chính sách cắt giảm thuế được công bố chỉ ba tuần trước đó có thể giúp thị trường có bước đi ổn định hơn. Nhưng nếu lãi suất tiếp tục tăng, hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ rơi vào tình thế khó khăn hơn. Nhiều người đang lo lắng hơn cho nền kinh tế Anh hơn là thị trường tài chính.
Nhắc lại cam kết về việc kiểm soát nợ công, ông Hunt cho biết Chính phủ sẽ chỉ trợ cấp giá năng lượng tới tháng 4. Những hỗ trợ sau đó sẽ "ít hơn đáng kể so với kế hoạch ban đầu" và chỉ dành cho những người cần nhất. Một đợt tăng giá năng lượng mới có thể đẩy lạm phát tại Anh tăng lên vào mùa xuân.
Trong khi đó, BOE dự kiến tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay và đồng bảng Anh có khả năng sẽ giảm trở lại khi nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn và gây tổn hại cho các nhà nhập khẩu hàng hóa.
Goldman Sachs gần đây đã hạ triển vọng kinh tế Vương quốc Anh và dự báo "một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn" sẽ xảy ra và tăng trưởng kinh tế Anh có thể sẽ còn giảm thêm sau thông báo hồi đầu tuần của tân Bộ trưởng Tài chính.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, trong tháng 8, GDP của Anh giảm 0,3%, còn lạm phát ở mức 9,9% và tăng lên 10,1% vào tháng 9 - mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
VỊ THẾ ĐẤT NƯỚC LUNG LAY
Trở lại với bà Truss, nữ Thủ tướng từ chức chỉ một ngày sau khi tuyên bố sẽ tiếp tục nắm quyền, nói rằng bà là "người chiến đấu chứ không phải là kẻ từ bỏ". Trước bà, Thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất tại Anh là ông George Canning, người qua đời vào năm 1827 sau 119 ngày tại vị.
“Vị thế của Vương quốc Anh trên thế giới chắc chắn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi diễn biến mới này và việc thay Thủ tướng liên tục”, bà Bronwyn Maddox, giám đốc tổ chức tư vấn về các vấn đề quốc tế Chatham House, nhận xét. “Người kế nhiệm bà Truss cần phải có các chính sách tập trung vào ổn định kinh tế nhưng cũng phải bao gồm một giải pháp về mối quan hệ với châu Âu cũng nhưng giải quyết những bất ổn là hậu quả cay đắng của Brexit (việc Anh rời EU)”,
Người kế vị bà Truss sẽ trở thành Thủ tướng thứ ba của Anh trong năm nay. Các ứng cử viên tiềm năng thay thế bà bao gồm: cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak -người thua bà Truss trong cuộc bầu chọn vừa qua; lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt; Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace; và Boris Johnson, cựu Thủ tướng từ chức hồi tháng 7.
Bà Truss cho biết sẽ tiếp tục tại vị cho tới khi Đảng Bảo thủ tìm được người thay thế, dự kiến vào cuối tuần sau - quãng thời gian chóng vánh hiếm thấy để tìm ra nhà lãnh đạo mới của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Nhìn chung, việc bà Truss từ chức là một bước cần thiết để Chính phủ Anh tiến xa hơn trên con đường khôi phục sự tín nhiệm trong mắt thị trường tài chính”, ông Paul Dales của Capital Economics, nhận định. “Nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm và tân thủ tướng có nhiệm vụ lớn là định hướng nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, khủng hoảng chi phí vay vay thế chấp mua nhà và cuộc khủng hoảng tín nhiệm. Rõ ràng tình hình đang tiến triển rất nhanh”.