Số liệu được cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) là Eurostat công bố vào tuần vừa rồi cho thấy mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro trong quý 3 là âm 0,4%. Trước đó, trong quý 2, nền kinh tế Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 0,6%.
Tình trạng ảm đạm của kinh tế châu Âu hoàn toàn trái ngược so với những gì đang diễn ra ở Mỹ, nơi nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 4,9% trong quý 3, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng ghi nhận trong quý 2.
Bên cạnh đó, lạm phát ở châu Âu cũng đang có dấu hiệu giảm nhanh hơn so với ở Mỹ. Số liệu do Eurostat công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone tăng 2,9% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Lạm phát lõi giảm còn 4,2% từ mức 4,5% ghi nhận trong tháng 9.
Tại Mỹ, mức tăng CPI tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái là 3,7%, bằng với con số của tháng 8 và tăng từ mức 3,2% của tháng 7. Tuy nhiên, mức tăng CPI lõi tháng 9 của Mỹ đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp, còn 4,1%.
Tăng trưởng kinh tế Eurozone thực ra đã đuối so với Mỹ kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và khoảng cách tăng trưởng giữa hai bên càng tăng thêm kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020.
KINH TẾ CHÂU ÂU ĐÃ ĐUỐI LẠI CÀNG ĐUỐI
Chênh lệch trở nên lớn hơn nữa sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra đẩy giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, làm giảm sức chi tiêu của các hộ gia đình ở châu Âu. Là một nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu, châu Âu hứng một cú sốc lớn khi giá khí đốt và giá điện leo thang chóng mặt, trong khi Mỹ là một nước xuất khẩu ròng năng lượng nên ít nhiều hưởng lợi từ sự tăng giá năng lượng toàn cầu.
Ngoài ra, việc người tiêu dùng tại các quốc gia dịch chuyển từ tiêu tiền chủ yếu vào hàng hóa trong thời gian đại dịch sang tiêu nhiều hơn vào dịch vụ khi mở cửa trở lại đã dẫn tới suy giảm nhu cầu hàng hóa. Căng thẳng địa chính trị gia tăng là một nguyên nhân khác gây sụt giảm thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, các nền kinh tế có tỷ trọng đóng góp lớn từ sản xuất và xuất khẩu như Đức bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Chưa kể, các chính phủ ở Eurozone cũng không kích cầu hào phóng như Chính phủ Mỹ để hỗ trợ nhu cầu trong nước.
“Nền kinh tế Đức hiện tại đang trì trệ. Những trở ngại từ lãi suất cao, giá năng lượng cao cho tới nhu cầu suy yếu của thị trường bên ngoài đều quá lớn ở thời điểm này”, ông Geraldine Dany-Knedlik, Trưởng Bộ phận nghiên cứu chính sách kinh tế của Viện nghiên cứu DIW Berlin, nhận định với tờ Wall Street Journal.
Khoảng cách tăng trưởng ngày càng lớn và khoảng cách lạm phát thu hẹp dần giữa Eurozone và Mỹ cho thấy chiến dịch tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ hơn lên nền kinh tế khu vực vốn dĩ đã đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi đó, kinh tế Mỹ tiếp tục trụ vững sau 11 lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng nghĩa rằng Fed sẽ không dễ đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
“Các đợt tăng lãi suất trước đây của chúng tôi đang tiếp tục truyền dẫn mạnh mẽ vào các điều kiện tài chính, gây suy yếu nhu cầu”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi ECB kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 26/10/2023. Tại lần họp này, ECB giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% sau 10 lần tăng liên tiếp.
Một số nhà phê bình cho rằng việc ECB tăng lãi suất gần nhiều như Fed, trong khi nền kinh tế Eurozone đối mặt nhiều khó khăn hơn so với kinh tế Mỹ, sẽ khiến cho kinh tế Eurozone càng đuối sức so với Mỹ. “Châu Âu đã tụt lại về tăng trưởng kinh tế so với Mỹ trong suốt 15 năm qua. Tôi lo ngại rằng chúng ta giờ đây sẽ phải chứng kiến sự gia tăng khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người do sai lầm chính sách”, cố vấn kinh tế Erik F. Nielsen của Ngân hàng Italy UniCredit Bank nhận định trong một báo cáo.
LOẠT THÁCH THỨC BỦA VÂY KINH TẾ CHÂU ÂU
Tăng trưởng kinh tế yếu ớt ở châu Âu cũng đặt ra thách thức đối với các nền kinh tế khác trên thế giới. Nhập khẩu của EU từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Anh giảm 13,7%. Nhập khẩu của EU từ Mỹ ít thay đổi do châu Âu phải tăng cường nhập khẩu khí đốt hoá lỏng (LNG) từ Mỹ để thay thế cho nguồn cung khí đốt bị cắt từ Nga.
Như đã đề cập ở trên, sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, giá năng lượng và thực phẩm ở châu Âu tăng mạnh hơn so với ở Mỹ, khiến các hộ gia đình ở châu Âu phải cắt giảm chi tiêu vào các hàng hóa và dịch vụ khác. Trên thế giới, các hộ gia đình có xu hướng giảm chi tiêu vào hàng hóa sau khi ồ ạt mua sắm trong thời gian đại dịch, và thay vào đó chuyển sang chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ mà họ không được sử dụng trong thời gian Covid-19. Ở châu Âu, sự dịch chuyển này đặc biệt rõ rệt: doanh thu bán lẻ ở Eurozone trong tháng 8 vừa qua giảm 7,5% so với thời điểm tháng 1/2022, so với mức giảm chỉ 1,8% ở Mỹ.
Tổng chi tiêu của người tiêu dùng trong quý 2 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước ở Đức, trong khi tăng 1,8% ở Mỹ. Trong quý 3, tiêu dùng của người Mỹ tiếp tục tăng, trong khi tiêu dùng ở Đức giảm.
Một trở ngại khác đối với kinh tế Đức nói riêng và Eurozone nói chung là chi phí gia tăng đối với những ngành sản xuất có mức độ tiêu thụ năng lượng cao. Chẳng hạn, ngành công nghiệp hóa chất quy mô lớn của Đức phải cắt giảm sản lượng vì không gánh được chi phí năng lượng gia tăng đã khiến tổng sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 8 năm nay giảm 2,2% so với thời điểm trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Trái lại, sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 2,3%.
Hiện tại, hầu như chưa có dấu hiệu nào cho thấy tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ khởi sắc trong những tháng sắp tới. Cuộc khảo sát doanh nghiệp tháng 10 tại Eurozone do S&P Global thực hiện mới đây cho thấy mức sụt giảm hoạt động sản xuất, kinh doanh mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, do lượng đơn hàng giảm mạnh và các nhà quản trị mua hàng báo cáo cắt giảm nhân công lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Ngược lại, cuộc khảo sát tương tự ở Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trong tháng 10.
Tiền lương ở Eurozone đang tăng nhanh hơn một chút so với ở Mỹ, nên các hộ gia đình ở khu vực này đang bắt đầu lấy lại sức chi tiêu đã mất. Điều này sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế khu vực trong năm 2024, nhưng nhìn chung châu Âu đang đối mặt với những thách thức sâu sắc hơn. Đặc biệt, Đức đang chật vật giữ cho ngành công nghiệp hóa chất của nước này cầm cự được trong thời gian đủ dài để tìm ra được nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt Nga. Trong số ba đảng liên minh trong Chính phủ Đức hiện nay, có một đảng ủng hộ việc trợ cấp năng lượng, trong khi hai đảng còn lại tỏ quan điểm thận trọng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2023 phát hành ngày 06-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam