October 27, 2023 | 09:55 GMT+7

Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng mạnh trong quý 3 bất chấp lãi suất cao

Bình Minh -

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt dự báo trong quý 3 vừa qua nhờ tiêu dùng diễn ra mạnh mẽ, bất chấp lãi suất tăng lên mức cao nhất 22 năm...

Tiêu dùng là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 3 - Ảnh: Bloomberg.
Tiêu dùng là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 3 - Ảnh: Bloomberg.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/10 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng với tốc độ hàng năm 4,9% trong quý 3 vừa qua. Đây là một sự tăng tốc ấn tượng so với mức tăng 2,1% ghi nhận trong quý 2, đồng thời cao hơn mức dự báo tăng 4,7% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3 đến từ lĩnh vực tiêu dùng. Việc người tiêu dùng Mỹ vẫn sẵn sàng mở hầu báo là một dấu hiệu cho thấy sự vững vàng đáng ngạc nhiên của nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất ngày càng thắt chặt và lạm phát còn cao dai dẳng. Tiêu dùng quý 3 tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 4%, mạnh nhất kể từ quý 4/2021. Trong kỳ báo cáo này, người Mỹ tiêu dùng mạnh cả về hàng hoá và dịch vụ.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 của Mỹ là mạnh nhất trong gần 2 năm. Ở thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ hồi đầu năm nay, nhiều nhà dự báo đã có rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng sẽ khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, đến hiện tại, dự báo đó vẫn chưa trở thành hiện thực.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm tính theo từng quý của Mỹ. Đơn vị: % - Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/FT.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm tính theo từng quý của Mỹ. Đơn vị: % - Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/FT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi báo cáo GDP quý 3 là một bằng chứng về sự vững vàng của nền kinh tế, nhưng bà cũng đồng tình với quan điểm của nhiều nhà kinh tế học cho rằng tăng trưởng có thể giảm tốc trong thời gian tới. “Đây là một con số tăng trưởng tốt, mạnh mẽ, và cho thấy nền kinh tế đang vận hành tốt. Nhưng đây mới chỉ là con số của một quý, và tôi không kỳ vọng tốc độ tăng trưởng như vậy sẽ duy trì”, bà Yellen phát biểu tại một phiên thảo luận của Bloomberg TV.

Cơ sở cho dự báo thận trọng này là những trở ngại mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt, bao gồm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và việc những người vay khoản vay ăn học phải nối lại việc trả nợ sau khoảng thời gian dài được giãn nợ theo chính sách hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong đại dịch Covid-19.

“Nhà đầu tư không nên ngạc nhiên khi thấy người tiêu dùng chi tiêu mạnh trong những tháng cuối của mùa hè. Câu hỏi thực sự ở đây là liệu xu hướng này có thể tiếp tục trong những quý sắp tới hay không. Chúng tôi cho là không”, nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach của công ty LPL Financial nhận định trong một báo cáo.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế giảm tốc lại là một tin tốt đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ngân hàng trung ương đã có 11 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 nhằm mục đích khiến nền kinh tế giảm tốc, qua đó khống chế lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rằng Fed cần “tăng trưởng thấp hơn xu hướng” để đảm bảo rằng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chừng nào nhu cầu trong nền kinh tế còn mạnh, áp lực tăng giá sẽ còn lớn, và Fed còn khó đạt mục tiêu lạm phát.

 

Phiên giao dịch ngày 26/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại có thời điểm vượt mốc chủ chốt 5% sau khi báo cáo GDP của Mỹ được công bố.

Lạm phát lõi so với cùng kỳ năm ngoái, tính theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, là 3,9% trong tháng 8. Mức lạm phát này đã giảm so với mức đỉnh 5,6% thiết lập vào năm 2022, nhưng vẫn còn cao gần gấp đôi so với mục tiêu của Fed. Lạm phát toàn phần cũng còn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu.

Khả năng Fed có thêm lần tăng lãi suất thứ 12 trong chu kỳ thắt chặt này vẫn chưa được loại trừ, và nếu có, đợt tăng đó có thể diễn ra trong tháng 12. Ngoài ra, Fed chủ trương giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho tới khi thực sự đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững. Dự báo mà Fed đưa ra hồi tháng 9 cho thấy các quan chức dự kiến có số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 ít hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 6.

Ông Powell và một số quan chức khác của Fed cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đang đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ nhiệt nền kinh tế. “Nếu nhìn vào các chỉ số điều kiện tài chính, có thể thấy sự thắt chặt đang diễn ra, chủ yếu nhờ lãi suất dài hạn (tức lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn dài)”, ông Powell phát biểu tại một sự kiện của Câu lạc bộ Kinh tế New York hồi đầu tháng này.

Phiên giao dịch ngày 26/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại có thời điểm vượt mốc chủ chốt 5% sau khi báo cáo GDP của Mỹ được công bố. Bà Yellen nó rằng lợi suất tăng chủ yếu phản ánh “sự vững vàng mà mọi người nhận thấy ở nền kinh tế Mỹ” và “quan điểm cho rằng lãi suất sẽ giữ cao hơn lâu hơn”.

Một số thách thức khác đối với nền kinh tế Mỹ ở thời điểm này là nợ công và thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh, căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và dải Gaza, và khả năng đóng cửa chính phủ vào tháng tới. Điều này có nghĩa là trong những tháng tới, kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với những “phép thử” lớn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate