July 25, 2023 | 18:45 GMT+7

Kinh tế Mỹ khó giảm phụ thuộc vào Trung Quốc?

An Huy -

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách giảm bớt mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, một phần thông qua dịch chuyển chuỗi cung ứng về phía các quốc gia có quan hệ nồng ấm với Mỹ - chiến lược “friendshoring”. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal nhận định rằng đây là một việc không hề dễ dàng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Theo tờ báo này, việc tách khỏi vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí chỉ trong những lĩnh vực nhỏ, không phải là một đường thẳng. Tỷ trọng của hãng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc đã giảm trong những năm gần đây, và từ các quốc gia châu Á khác đã tăng lên. Nhưng nhiều trong số những đối tác thương mại đó, như Việt Nam hay Hàn Quốc, có mối quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc.

Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch khiến cho chính quyền ông Biden thận trọng trong việc gây sức ép buộc các công ty phải tránh hoàn toàn các sản phẩm Trung Quốc. Chưa kể, việc nhận diện chính xác những lĩnh vực mà Mỹ và đồng minh của Mỹ xem Trung Quốc như một nguy cơ cũng là một việc khó.

Tháng 7 này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Bắc Kinh đã nói với giới chức Trung Quốc rằng mục tiêu của Washington là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong những lĩnh vực chủ chốt mà không gây tổn hại đến dòng chảy thương mại và đầu tư mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Wall Street Journal lấy ngành sản xuất ở Việt Nam làm ví dụ điển hình cho mối quan hệ ràng buộc. Trong nhiều trường hợp, sản xuất sở Việt Nam liên quan nhiều đến các công ty Trung Quốc. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, bà Yellen đã thăm một nhà máy của Selex Motors, công ty chuyên sản xuất xe máy điện. Lãnh đạo Selex Motors cho biết công ty sử dụng mô-tơ điện, đầu nối điện, công tác và bộ giảm xóc từ các nhà cung cấp Trung Quốc, khoảng 80% vật tư được cung ứng bởi các nhà cung cấp trong nước.

Việt Nam đã trở thành một nhà cung cấp quan trọng các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời cho Mỹ. Trong khi đó, một cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ lại đi đến kết luận rằng các công ty Trung Quốc “né” thuế bằng cách đưa sản phẩm đi “đường vòng” qua Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Kết luận điều tra như vậy lẽ ra sẽ dẫn tới việc tấm pin mặt trời từ Việt Nam và các nước kia bị áp thuế cao khi vào Mỹ, nhưng chính quyền ông Biden đã trì hoãn việc áp thuế này vì lo ngại giá pin mặt trời tăng cao ở Mỹ.

Các khoản trợ cấp mới của Chính phủ Mỹ cho người mua ô tô điện - nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong vấn đề giảm khí thải carbon - vấp phải trở ngại tương tự. Để đủ tiêu chuẩn hưởng trợ cấp, pin xe điện phải được làm chủ yếu từ linh kiện và vật liệu đến từ Mỹ hoặc các đối tác tự do thương mại của Mỹ, mà Trung Quốc không phải là một đối tác như vậy. Một quy định mới sắp được áp dụng thậm chí còn đưa tiêu chuẩn trợ cấp này lên một mức độ cao hơn, bằng cách không trợ cấp cho những mẫu xe có pin chứa bất kỳ vật liệu nào đến từ một “thực thể nước ngoài gây lo ngại”.

Cho dù chính quyền ông Biden đưa ra một định nghĩa rộng về “thực thể nước ngoài gây lo ngại” để bao trùm nhiều nhà cung cấp Trung Quốc, hay đưa ra một định nghĩa hẹp để nhằm vào một số nhà cung cấp nhất định, thì quy định mới này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận trợ cấp.

Các công ty Trung Quốc vốn đang giữ địa vị thống trị trong sản xuất linh kiện pin cũng như cung ứng vật liệu pin. Việc loại bỏ hoàn toàn sản phẩm Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng pin xe điện có thể là điều không thể đối với các hãng xe trong tương lai gần. Bởi vậy, một số công ty Mỹ thậm chí đã lên kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc để sản xuất pin.

Đối với các khoản trợ cấp khác dành cho lĩnh vực năng lượng sạch, chính quyền Biden đã đưa ra các quy định bằng văn bản với quan điểm về nguồn cung ứng thoải mái hơn so với những gì mà các nhà sản xuất Mỹ hy vọng, theo đó mở đường cho việc sử dụng vật tư từ Trung Quốc trong việc xây dựng các dự án năng lượng sạch được hưởng trợ cấp. Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng cho phép các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu ở Hàn Quốc và Đài Loan tiếp tục bán hàng cho Trung Quốc bất chấp các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Chính phủ Mỹ cũng đang vạch ra các quy định mới để hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, nhưng còn cân nhắc xem liệu những quy định này sẽ áp dụng như thế nào đối với chi nhánh ở nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ, cũng như một số chi tiết khác. Hạn chế này sẽ áp dụng đối với vốn đầu tư cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ trong các lĩnh vực bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI). Mục đích của việc hạn chế là ngăn nhà đầu tư Mỹ hậu thuẫn các công ty Trung Quốc phát triển những công nghệ có thể được sử dụng để chống lại Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự.

Mỹ đang khuyến khích đồng minh ở châu Âu có các động thái tương tự để bảo vệ chuỗi cung ứng và hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ của phương Tây. Đối với các đồng minh của Mỹ, tìm được đúng điểm cân bằng cũng là một việc khó.

“Chúng tôi cần thương mại với Trung Quốc, và chúng tôi cũng cần làm cho chuỗi cung ứng chiến lược trở nên an toàn hơn. Nói thì dễ, nhưng thực tế làm thì không dễ”, cao uỷ viên về các vấn đề kinh tế của châu Âu, ông Paolo Gentiloni, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Wall Street Journal.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate