July 10, 2023 | 15:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ: Thế giới đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc

An Huy -

Thế giới đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc cùng phát triển thịnh vượng - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu ngày 9/7 nhân kết thúc chuyến công du Bắc Kinh với mục đích bình ổn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) và Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong trong chuyến thăm Bắc Kinh của bà Yellen - Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) và Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong trong chuyến thăm Bắc Kinh của bà Yellen - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ CNN, bà Yellen cho biết đã có các cuộc thảo luận “trực tiếp, thực chất và hiệu quả” với đội ngũ mới các nhà lãnh đạo kinh tế của Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Cường và ông Phan Công Thắng - người mới được bổ nhiệm vào cương vị Bí thư Đảng uỷ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

“Các thách thức không thể được giải quyết ngay lập tức bằng một chuyến thăm. Nhưng tôi kỳ vọng rằng chuyến thăm này sẽ giúp xây dựng một kênh liên lạc vững chãi và hiệu quả”, bà Yellen phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. “Nói rộng ra, tôi tin rằng các cuộc gặp song phương của tôi, với tổng thời gian khoảng 10 giờ đồng hồ trong 2 ngày, là một bước tiến trong nỗ lực của chúng tôi nhằm đưa quan hệ Mỹ-Trung trở nên vững chãi hơn”.

“MỸ KHÔNG PHÂN LY, CHỈ ĐA DẠNG HOÁ”

Chuyến thăm của bà Yellen đánh dấu chuyến thăm thứ hai của một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden tới Trung Quốc chỉ trong vòng vài tuần trở lại đây, trong bối cảnh Washington tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh sau mấy tháng ròng rã mối quan hệ song phương liên tục căng thẳng.

 

“Có một sự khác biệt quan trọng giữa một bên là phân ly và một bên là đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quan trọng hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia có mục tiêu”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen

Trong những tháng gần đây, dù đẩy mạnh việc nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty Trung Quốc và đã thành công trong việc kêu gọi hai đồng minh là Nhật Bản và Hà Lan áp hạn chế đối với việc bán thiết bị bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, đồng thời tập hợp các nền kinh tế phát triển khác chống lại điều mà Washington cho là “sự cưỡng ép kinh tế” của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bà Yellen nhắc lại rằng Mỹ không tìm cách phân ly khỏi Trung Quốc - điều mà bà cho rằng sẽ là “thảm họa cho cả hai nước và gây bất ổn cho thế giới” và “hầu như không thể thực hiện được”. “Có một sự khác biệt quan trọng giữa một bên là phân ly và một bên là đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quan trọng hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia có mục tiêu”, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ phát biểu.

Bà Yellen cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện “các hành động có mục tiêu” để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chính mình và của các đồng minh, đồng thời đảm bảo những hành động này “minh bạch, trong phạm vi hẹp và nhắm vào các mục tiêu rõ ràng”.

Sau cuộc gặp giữa bà Yellen với Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong hôm thứ Bảy, một bài báo của thông tấn Tân Hoa Xã dường như cho thấy phía Trung Quốc không đồng tình với cách tiếp cận này của Mỹ. “Trung Quốc tin rằng việc khái quát hóa an ninh quốc gia không có lợi cho trao đổi kinh tế và thương mại bình thường. Phía Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt và các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với Trung Quốc”, bài báo có đoạn viết.

Bà Yellen nói Mỹ và Trung Quốc có “những bất đồng quan trọng” cần được trao đổi “rõ ràng và trực tiếp”, nhưng lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Biden không nhìn quan hệ Mỹ-Trung “qua khuôn khổ xung đột giữa các cường quốc”. “Chúng tôi tin rằng thế giới đủ lớn để cả hai nước chúng ta cùng phát triển. Cả hai quốc gia có nghĩa vụ quản lý mối quan hệ này một cách có trách nhiệm: tìm cách chung sống và chia sẻ sự thịnh vượng toàn cầu”, bà nói.

Bà Yellen cũng cho biết bà đã hối thúc giới Trung Quốc về “mối lo ngại nghiêm trọng của Washington về các hành vi kinh tế không công bằng của Trung Quốc” - bao gồm rào cản ngăn việc tiếp cận thị trường đối với các công ty nước ngoài và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ - và “những quan ngại về sự gia tăng gần đây trong các hành động cưỡng chế nhằm vào các công ty Mỹ”.

Luật phản gián mới được cập nhật của Trung Quốc và việc nước này siết chặt giám sát đối với các công ty tư vấn và thẩm định của phương Tây đã khiến các doanh nghiệp Mỹ lo lắng. Trong những tháng qua, nhà chức trách Trung Quốc đã thẩm vấn nhân viên tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Mỹ Bain & Company, đồng thời đóng cửa văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định doanh nghiệp Mỹ Mintz Group và bắt giữ 5 nhân viên người địa phương của công ty này.

Khi được hỏi, bà Yellen cho biết Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng nào đối với việc hạn chế hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc. “Tôi đã giải thích được với các đối tác Trung Quốc rằng nếu chúng tôi thực hiện những hạn chế như vậy, thì chúng tôi sẽ làm một cách minh bạch”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ biện pháp hạn chế hoặc trừng phạt mới nào cũng sẽ “có mục tiêu rõ rệt và nhắm trực tiếp vào một số ít các lĩnh vực mà chúng tôi có những lo ngại cụ thể về an ninh quốc gia.”

“Tôi muốn xoa dịu nỗi lo của họ rằng chúng tôi sẽ làm điều gì đó có tác động sâu rộng đến nền kinh tế Trung Quốc. Câu chuyện không phải là như vậy. Đó không phải là ý định của Mỹ”, bà Yellen nói.

Truyền thông Mỹ, gồm các tờ báo lớn như Wall Street Journal, gần đây đã có nhiều bài viết nói rằng chính quyền Tổng thống Biden hiện đang chuẩn bị các quy định mới có thể hạn chế đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào một số lĩnh vực nhất định ở Trung Quốc.

CUỘC CHIẾN CÔNG NGHỆ MỸ-TRUNG TIẾP TỤC CĂNG THẲNG

Bà Yellen cho biết đã thảo luận với các quan chức Trung Quốc về các lĩnh vực hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm việc cùng nhau huy động nguồn tài chính đa phương cho công tác chống biến đổi khí hậu. Theo Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry dự kiến ​​sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng không cho biết thời gian cụ thể của chuyến đi.

Chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc có động thái trả đũa trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ bằng cách tuyên bố hạn chế xuất khẩu hai nguyên liệu chiến lược cần thiết để sản xuất chất bán dẫn. Biện pháp này của Trung Quốc được nhiều người coi là một “câu trả lời” đối với lệnh cấm bán chip tiên tiến cho Trung Quốc mà chính quyền ông Biden đưa ra vào tháng 10 năm ngoái. Theo một số nguồn tin truyền thông, các hạn chế này của Mỹ có thể sẽ được mở rộng để hạn chế việc bán một số chip trí tuệ nhân tạo (AI).

Sự trừng phạt này của Mỹ đánh vào trọng tâm tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, vì con chip giữ vai trò “não bộ” của nhiều sản phẩm của kỷ nguyên số, từ điện thoại thông minh, ô tô tự lái và máy tính tiên tiến cho đến sản xuất vũ khí.

Một cuộc gặp Mỹ-Trung hôm 8/7 trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: Reuters.
Một cuộc gặp Mỹ-Trung hôm 8/7 trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: Reuters.

Ông Jake Werner, một nhà nghiên cứu về Đông Á tại Viện Quincy ở Washington, cho rằng phía Trung Quốc sẽ không bị thuyết phục bởi lập luận của bà Yellen rằng lệnh cấm của Mỹ không nhằm kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc. “Các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều coi những công nghệ này là nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi những hạn chế này là một nỗ lực khiến Trung Quốc vĩnh viễn lệ thuộc vào quyền lực của Mỹ và loại trừ một cách cưỡng chế doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các ngành công nghiệp quan trọng nhất của tương lai”, ông  Werner nói.

“Vấn đề này sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực gây tranh cãi gay gắt nhiều nhất trong mối quan hệ Mỹ-Trung”, vị chuyên gia nhận định.

Trao đổi với CNN, một quan chức Trung Quốc đã về hưu nói các biện pháp trả đũa tiếp theo có thể đang được Bắc Kinh tính đến.

Ngay cả khi cả Bắc Kinh và Washington đều phát tín hiệu rằng các cuộc thảo luận cấp cao sẽ tiếp tục, khía cạnh gai góc nhất của quan hệ song phương - cụ thể là tranh cãi về khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến - có thể gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate