Đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu bắt đầu từ thứ 6 tuần trước vào kéo dài sang tuần này bắt nguồn từ nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, đặc biệt sau khi Bộ Lao động nước này công bố báo cáo việc làm kém khả quan hơn dự báo.
Giá cổ phiếu lao dốc khi các nhà đầu tư đổ lỗi cho Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức quá cao – trong khoảng 5,25-5,5% – bất chấp ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang chững lại.
Tuy vậy, hầu hết các nhà kinh tế theo khảo sát của tờ Financial Times tin rằng kinh tế Mỹ sẽ vẫn “hạ cánh mềm” với lạm phát trở về mức mục tiêu của Fed mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.
THỔI PHỒNG VẤN ĐỀ
“Ngoài tỷ lệ thất nghiệp, hầu hết các chỉ số khác của nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, một số thậm chí còn tăng mạnh”, ông Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, hiện là giáo sư đại học Harvard, nhận xét. “Những ai tin rằng nền kinh tế đang rơi vào suy thoái thực chất là đang thổi phồng vấn đề”.
Báo cáo việc làm công bố hôm thứ Sáu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng tháng thứ 4 liên tiếp, lên mức 4,3%. Việc một loạt công ty lớn như McDonald’s và Diageo sa thải một lượng lớn nhân sự cho thấy sự suy yếu trong tiêu dùng ở Mỹ.
Các số liệu này khiến một số nhà kinh tế lo rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái đủ sâu để kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
“Một khi ta bắt đầu lo lắng về suy thoái, thì chúng ta đã thực sự rơi ở trong một cuộc suy thoái rồi”, ông nhà kinh tế Andrew Hollenhorst tại ngân hàng Citi phát biểu. “Một khi ta thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng trong các chu kỳ kinh tế vừa qua, thì đó luôn là giai đoạn mà ta bắt đầu đầu chứng kiến các đợt sa thải tạm thời trở thành sa thải vĩnh viễn”.
Báo cáo việc làm cũng làm gia tăng áp lực với các nhà hoạch định chính sách tại Fed phải hạ lãi suất trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, các quan chức Fed hiện vẫn khá bình tĩnh. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago và cũng là thành viên FOMC, ông Austan Goolsbee, đầu tuần này nói rằng thị trường chứng khoán “có biến động mạnh hơn rất nhiều” so với ở ngân hàng trung ương Mỹ.
Tuy nhiên, so với tuần trước khi báo cáo cáo việc làm được công bố, thị trường đang đặt cược cao hơn rằng Fed sẽ hạ lãi suất nhanh và mạnh hơn trong năm nay.
“Với các thành viên FOMC, rủi ro của việc hành động so với không hành động về căn bản đã thay đổi”, ông Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), nhận xét.
NỀN KINH TẾ CHỮNG LẠI NHƯNG KHÔNG SỤT TỐC
Bất chấp những lo lắng, nhiều nhà kinh tế cho rằng các dữ liệu kinh tế mới nhất không đáng lo như nhiều người nghĩ, bởi vẫn có bằng chứng cho thấy kinh tế Mỹ đang ở gần trạng thái toàn dụng lao động (full employment).
“114.000 chính xác là số lượng việc làm mà Mỹ cần để đáp ứng đủ cho nguồn cung lao động”, ông Ernie Tedeschi, cựu kinh tế trưởng thuộc Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, hiện là giáo sư Đại học Yale, nhận xét khi đề cập tới số lượng việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 7. “Báo cáo việc làm không hề yếu mà mang tính xu hướng. Một khi ở trạng thái toàn dụng lao động, nền kinh tế sẽ chỉ có thể đi xuống”.
Các nhà hoạch định chính sách tại Fed cũng nhấn mạnh rằng số liệu về thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 7 dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với mức chuẩn của những năm qua.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly ngày 5/8 nói rằng nhiều chi tiết trong dữ liệu việc làm cho thấy “vẫn còn nhiều dư địa để tin tưởng rằng nền kinh tế dù chững lại nhưng không đến mức tăng trưởng sắp rơi vực”.
Còn ông Goolsbee, thành viên FOMC, cho rằng dù số liệu bảng lương phi nông nghiệp yếu hơn dự báo nhưng bức tranh kinh tế “vẫn chưa giống như một cuộc suy thoái”.
Một mối lo ngại khác là tiêu dùng ở Mỹ có thể tăng lên trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tiền tiết kiệm của người dân trong đại dịch đang cạn dần. Tỷ lệ trả nợ quá hạn với các khoản vay mua ô tô và thẻ tín dụng ở Mỹ đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở các hộ gia đình thu nhập thấp. Tuy nhiên, dữ liệu từ Fed chi nhánh New York cho thấy các số liệu này vẫn còn cách xa so với mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Người tiêu dùng chi tiêu mạnh thì nền kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng tốt”, ông Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, phát biểu. “Về tổng thể, tiêu dùng ở Mỹ vẫn đang ở trạng thái tương đối tốt, dù vẫn có những điểm suy yếu, đặc biệt là ở các hộ gia đình thu nhập trung bình và thấp”.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cho rằng vì hầu hết nhóm bị ảnh hưởng là các hộ gia đình thu nhập thấp nhất, nên điều này chưa đủ để khiến cả nền kinh tế đi chệch hướng.
“Liệu nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất này có chi tiêu ở mức đủ lớn để có thể kéo tụt cả nền kinh tế không? Câu trả lời là không”, nhà kinh tế trưởng toàn cầu Philipp Carlsson-Szlezak của BCG, nói.
Theo các nhà phân tích, việc các công ty bán lẻ lớn như Walmart và Target tiếp tục hạ giá hàng hóa có thể sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
“Người tiêu dùng Mỹ vẫn có thêm sức mua, kể cả khi thẻ tín dụng của họ đang hoặc gần hết hạn mức”, nhà kinh tế Paul Christopher tại ngân hàng Wells Fargo, nhận định.