January 27, 2023 | 08:42 GMT+7

Kinh tế Mỹ trụ vững, đã đến lúc “ăn mừng” hay chưa?

An Huy -

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ vững vàng 2,9% trong quý 4/2022 nhưng bước sang năm 2023 với đà tăng yếu hơn do lãi suất tăng cao và lạm phát còn cao gây áp lực lên nhu cầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng có thể vẫn còn sớm để “ăn mừng” về một cuộc “hạ cánh mềm”.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/1 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tốc độ tăng trưởng niên độ hoá (annualized - dữ liệu được điều chỉnh để phản ánh thời kỳ 1 năm) 2,9% trong quý 4 vừa qua. Con số này cao hơn mức dự báo tăng 2,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, nhưng giảm nhẹ so với mức tăng 3,2% của quý 3. Báo cáo cũng cho thấy tiêu dùng tiếp tục là trụ cột chính cho sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý 4, trong khi thị trường bất động sản suy yếu và doanh nghiệp cắt giảm đầu tư trang thiết bị.

NỀN KINH TẾ GIẢM TỐC TRÊN DIỆN RỘNG

Con số tăng trưởng này khép lại một năm giảm tốc của kinh tế Mỹ. Nếu so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Mỹ chỉ tăng 1% trong quý 4/2022, từ mức tăng 5,7% trong năm 2021. Sự giảm tốc phản ánh một phần việc nền kinh tế quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và sự xuống thang của đại dịch Covid-19 trong 2021.

“Ngoài thị trường lao động vẫn còn mạnh, chúng ta thực sự đang chứng kiến sự giảm tốc trên diện rộng của các hoạt động kinh tế. Đây sẽ không phải là một cuộc hạ cánh mềm”, chuyên gia kinh tế trưởng Kathy Bostjancic của Nationwide nhận định với tờ Wall Street Journal.

Sự giảm tốc của kinh tế Mỹ cũng là một hệ quả của việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tức ngân hàng trung ương của nước này, tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 để chống lạm phát. Bước sang năm nay, giới đầu tư tài chính ở Phố Wall có vẻ lạc quan rằng các hoạt động kinh tế vẫn còn đủ mạnh để họ tin suy thoái sẽ khó xảy ra ở Mỹ trong 2023. Niềm tin này, cùng với một loạt dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát dịu đi, đã giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi từ đầu năm tới nay sau khi giảm mạnh trong năm ngoái. Tính từ đầu năm, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 5,4%.

Fed được dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 31/1-1/2. Thị trường đang đặt cược gần như chắc chắn vào khả năng Fed áp dụng bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này, sau khi giảm về 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12 sau 4 lần liên tiếp áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.

Vấn đề được quan tâm hơn cả là lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này là bao nhiêu và sẽ duy trì trong bao lâu trước khi Fed chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ qua các quý - Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/WSJ.
Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ qua các quý - Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/WSJ.

Một trở ngại trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed là thị trường lao động, dù đã bớt thắt chặt, vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp - một chỉ báo về tình trạng sa thải nhân công trong nền kinh tế - giảm trong tuần trước và duy trì ở vùng gần thấp kỷ lục, bất chấp các cuộc sa thải lớn đã lan rộng khỏi các công ty công nghệ.

Đà tăng trưởng tiền lương mạnh đã duy trì cho tới cuối năm ngoái, thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu. Trong quý 4, tiêu dùng của người Mỹ - một trụ cột của nền kinh tế nước này - tăng 2,1%.

CƠ HỘI NÀO CHO “HẠ CÁNH MỀM”?

Nhưng bên cạnh những dấu hiệu vững vàng của nền kinh tế như vậy, một số dữ liệu gần đây đã cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ bắt đầu đuối sức. Doanh thu bán lẻ tháng 12 giảm mạnh nhất trong năm 2022. Các cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng cũng cho thấy lãi suất tăng và lạm phát dai dẳng gây áp lực lên nhu cầu trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng 1 này. Trong tháng 12, các công ty cắt giảm số lao động tạm thời tháng thứ 5 liên tiếp - dấu hiệu cho thấy tình trạng mất việc làm trên diện rộng có thể sắp xảy ra.

Trái với sự lạc quan của nhà đầu tư ở Phố Wall, nhiều nhà kinh tế học vẫn đang lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ trong năm nay. Họ lo rằng nỗ lực chống lạm phát của Mỹ rốt cục sẽ dẫn tới việc cắt giảm chi tiêu và mất mát công việc trên diện rộng.

“Trở ngại từ những đợt tăng lãi suất mạnh tay, người tiêu dùng cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu, và sự suy yếu của kinh tế toàn cầu đã trở thành vấn đề lớn đối với kinh tế Mỹ vào cuối năm 2022. Tôi cho rằng tăng trưởng GDP thực có thể sẽ chuyển âm trong nửa đầu của năm nay”, chuyên gia kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica Bank nhận định với Wall Street Journal.

Việc các doanh nghiệp tăng mức tồn kho đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ vào cuối năm ngoái. Nhưng đây là một hạng mục có mức độ biến động lớn.

Trong khi đó, doanh thu bán hàng cuối cùng cho người mua tư nhân nội địa (final sales to private domestic purchaser) - một thước đo về chi tiêu của người tiêu dung và doanh nghiệp phản ánh nhu cầu thực sự trong nền kinh tế - chỉ tăng 0,2% trong quý 4 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 1,1% đạt được trong quý 3, theo Bộ Thương mại Mỹ. Đây được xem là một dấu hiệu của sự giảm tốc kinh tế phù hợp với các mục tiêu của Fed.

Nhà đất, một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất, đang sụt giảm do lãi suất vay thế chấp nhà tăng cao. Đầu tư vào bất động sản nhà ở đã giảm trong năm 2022, doanh số bán nhà hiện hữu cả năm cũng giảm khoảng 18% so với năm trước.

Một số chuyên gia kinh tế nói rằng giai đoạn tồi tệ nhất của sự sụt giảm trên thị trường bất động sản Mỹ đã kết thúc, vì lãi suất vay thế chấp nhà đã giảm từ mức đỉnh vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, hầu như không ai dự báo thị trường sẽ sớm có lại được sự tăng trưởng bùng nổ như vào năm 2021.

Khi mới bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này, Fed đã hy vọng có thể kéo lạm phát xuống mà chỉ gây giảm tốc nhẹ trong nền kinh tế thay vì gây ra một cuộc suy thoái. Một kết quả như vậy được gọi là “hạ cánh mềm”. Ngược lại, nền kinh tế “hạ cánh cứng” là khi nỗ lực chống lạm phát của Fed khiến nền kinh tế sụt tốc mạnh, thậm chí suy thoái.

“Nếu chúng ta tiếp tục có được sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và nếu người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu vào dịch vụ và các công ty không cắt giảm đầu tư cơ bản, tôi cho rằng triển vọng ‘hạ cánh mềm’ sẽ tốt lên”, chuyên gia kinh trưởng Luke Tilley của Wilmington Trust nhận định.

Tiêu dùng tăng trưởng 1,9% trong quý 4/2022 so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh từ mức tăng trưởng 7,2% ghi nhận trong năm 2021 nhưng xấp xỉ với mức tăng của năm 2019.

Phát biểu ngày 26/1, Tổng thống Joe Biden nói loạt dữ liệu mới nhất về tăng trưởng là “thông tin rất tốt” và là bằng chứng cho thấy kế hoạch kinh tế của ông “thực sự đang phát huy tác dụng”. Ông Biden cũng nói trọng tâm của ông hiện nay là “bảo vệ những thành quả tăng trưởng mà chính sách của chúng tôi đã tạo ra”.

Phe Cộng hoà ngay lập tức phê phán đánh giá này của vị Tổng thống Dân chủ. “Dưới thời ông Biden, tiền lương thực tế đã giảm, lạm phát tăng, giá năng lượng cao quá mức, và các gia đình nghèo đi”, Uỷ ban Quốc gia Cộng hoà (RNC) viết trên mạng xã hội Twitter.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate