Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 15/2 công bố dữ liệu kinh tế quý 4/2021 với tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 1,3% so với quý trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cả năm 2021, GDP của Nhật tăng 1,7%, đánh dấu năm tăng trưởng dương đầu tiên trong 3 năm qua. Trong năm 2019 và 2020, tăng trưởng GDP nước này lần lượt là -4,5% và -0,2%.
Theo Nikkei Asia, năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trồi sụt giữa tăng trưởng âm và dương trong các quý, phản ánh ảnh hưởng của các làn sóng bùng dịch Covid-19, khiến nước này phải duy trì tình trạng khẩn cấp trong phần lớn thời gian từ tháng 1 tới tháng 9. Các lệnh hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường, trong khi các hãng sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu linh kiện, đặc biệt là con chip, và buộc phải giảm sản lượng. Các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa sớm.
Trong quý 4/2021, tiêu dùng cá nhân tại Nhật bật tăng sau khi tình trạng khẩn cấp do đại dịch được gỡ bỏ vào tháng 9. Tiêu dùng cá nhân tăng trưởng tới 2,7% so với quý trước đó và đóng góp phần lớn cho tăng trưởng GDP của Nhật trong quý này.
Chi tiêu cho hàng tiêu dùng lâu bền như ô tô tăng 9,7%, trong khi chi tiêu cho các mặt hàng như quần áo và hàng hóa “bán lâu bền” khác tăng 6%. Tiêu dùng dịch vụ như ăn uống tại nhà hàng và dịch vụ tăng trưởng 3,5%.
Xuất khẩu ròng đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế của Nhật trong quý. Sản lượng ô tô của nước này cũng bắt đầu tăng lên trong quý 4, tạo động lực quan trọng cho xuất khẩu. Ngoài ra, nhu cầu thiết bị sản xuất con chip của Nhật trên thế giới cũng tăng lên. Trong khi đó, nhập khẩu giảm do lượng vaccine nhập khẩu cho chương trình tiêm chủng của Chính phủ đã gần như đủ dùng. Trong quý, chi tiêu của Chính phủ cũng đi xuống do chi tiêu cho chương trình vaccine giảm.
"Sự phục hồi trong quý 4 là thông tin lạc quan, cho thấy tiềm năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa của kinh tế Nhật Bản một khi tiêu dùng dịch vụ ổn định hơn”, Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics, nhận định trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày 15/2. "Tuy nhiên, sau một năm trồi sụt, cùng với sự lây lan của biến chủng Omicron, kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nguy hiểm”.
Sự tăng trưởng thiếu ổn định của Nhật ngược lại so với sự tăng trưởng của các nước như Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2021, GDP của Mỹ của tăng 5,7% sau khi sụt giảm 3,4% năm 2020. Còn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tới 8,1% trong năm ngoái và 2,2% năm 2020.
Kể từ đầu năm 2022, Nhật Bản đối mặt một làn sóng bùng dịch mới do biến chủng Omicron, khiến Chính phủ phải siết chặt các biện pháp hạn chế với dịch vụ ăn uống vào buổi tối, các sự kiện quy mô lớn cũng như hoạt động đi lại kinh doanh. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật sẽ giảm xuống còn 0,4% trong quý 1/2022, tương đương mức tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Quy mô nền kinh tế Nhật Bản hiện thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2019 - trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kể cả khi đã phục hồi vào quý cuối năm ngoái. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đã quay trở lại quy mô trước đại dịch vào mùa hè năm ngoái.
Từ đầu năm nay, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản xấu đi nhanh chóng với số ca nhiễm mới tăng từ mức chỉ khoảng 500 lên hơn 100.000 ca vào đầu tháng 2. Chính phủ Nhật đã phải khôi phục tình trạng bán khẩn cấp tại những khu vực đóng góp phần lớn cho nền kinh tế. Tình trạng bán khẩn cấp cho phép chính quyền các địa phương yêu cầu quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm hơn và ngừng phục vụ đồ uống có cồn. Tuần trước, các biện pháp này đã được gia hạn để kéo dài tới đầu tháng 3 tại thủ đô Tokyo và 12 tỉnh.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Nhật hiện được duy ở mức thấp so với các nước trên thế giới và xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch do Omicron đã lắng xuống. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này được dự báo có thể sẽ tiếp tục ở nhà cho tới khi tỷ lệ tiêm mũi vaccine nhắc lại (mũi thứ ba) tăng lên. Hiện mới chỉ có chưa tới 10% dân số Nhật được tiêm mũi nhắc lại, mức thấp nhất trong số các quốc gia phát triển.