Theo số liệu chính thức vừa công bố, lần đầu tiên trong 29 năm, Trung Quốc chứng kiến tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người giảm vào năm 2023, kéo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cách xa ngưỡng nước thu nhập cao của Ngân hàng Thế giới (WB).
Cụ thể, GNI bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2023 giảm 0,1% xuống còn 12.597 USD trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm tăng trưởng và đồng nhân dân tệ suy yếu.
GNI đo lường tổng thu nhập mà người dân và doanh nghiệp của một quốc gia kiếm được cả ở trong vào ngoài nước. Theo đó, GNI bao gồm tổng sản phẩm nội địa (GDP) – giá trị của tất cả hàng hóa, dịch vụ được tạo ra trong nước – và thu nhập đến từ đầu tư nước ngoài cũng như các nguồn khác ở nước ngoài.
Trong đợt điều chỉnh thường niên về phân loại thu nhập quốc gia vào tháng 7/2023, WB đã nâng GNI bình quân đầu người tối thiểu trong hạng mục nước thu nhập cao thêm 5%, lên 13.846 USD. Dù đã thu hẹp được khoảng cách năm 2021, GNI bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc đang thấp hơn ngưỡng nước thu nhập cao khoảng 9%.
Tính theo nhân dân tệ, GNI bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 4,7%, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với mức tăng 5% của năm 2022
Dù đầu năm ngoái Trung Quốc đã chấm dứt chính sách chống dịch Zero-Covid vốn tác động nặng nề tới nền kinh tế, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã tiếp tục kéo tụt sức mạnh tăng trưởng của nước này, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của các hộ gia đình sa sút.
Thị trường lao động Trung Quốc cũng đang chậm phục hồi sau đại dịch. Tính tới cuối năm 2023, cả nước có tổng cộng 3,52 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều hơn khoảng 550.000 người so với một năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2012.
Theo tờ báo Nikkei Asia, đồng nhân dân tệ suy yếu cũng là một nhân tố khiến GNI bình quân đầu người tính theo USD của Trung Quốc giảm. Năm 2023, đồng nội tệ của Trung Quốc bình quân giảm 4,5% so với năm 2022, ở mức 7,0467 nhân dân tệ đổi 1 USD do lãi suất ở Mỹ tăng cao cũng như nền kinh tế trong nước suy yếu.
Trong bối cảnh đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy ròng vào Trung Quốc chỉ đạt 33 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 82% so với năm 2022 và là thấp nhất kể từ đầu thập niên 1990. Tất cả những điều trên cho thấy thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt để vực dậy nền kinh tế và hồi sinh tăng trưởng.