March 02, 2022 | 13:03 GMT+7

Kinh tế TP.HCM hai tháng đầu năm: Xuất nhập khẩu khởi sắc, sản xuất công nghiệp tăng

Xuân Thái -

So với tháng đầu tiên của năm 2022 là “tháng Tết”, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của TP.HCM tháng 2 ước tính giảm 2,4% và tăng 20,0% so với cùng kỳ...

Hai tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế TP.HCM khởi sắc và nhiều triển vọng, sản xuất công nghiệp tăng, sau "cơn bạo bệnh" Covid-19.
Hai tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế TP.HCM khởi sắc và nhiều triển vọng, sản xuất công nghiệp tăng, sau "cơn bạo bệnh" Covid-19.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng hai và hai tháng đầu năm 2022, Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM đạt 9.948,7 triệu USD.

SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG ĐỀU Ở HẦU HẾT CÁC NGÀNH

Trong IIP tháng 02/2022, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 112,0% so với tháng trước và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 19,9% so cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện giảm 13,4% so với tháng trước và giảm 1,6% so cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 3,9% so với tháng trước và tăng 6,8% so cùng kỳ.

Tính chung hai tháng đầu năm 2022, IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 2,0%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2%.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 19/30 ngành có chỉ số lũy kế hai tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ. Một số ngành tăng cao, như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 51,8%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 30,0%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 29,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 24,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 21,8%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 21,2%; sản xuất trang phục tăng 19,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,8%.

Một số ngành công nghiệp giảm so với cùng kỳ, như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 60,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 37,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 35,3%; sản xuất đồ uống giảm 16,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 13,2%.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2022 tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành hóa dược tăng 35,3%; ngành cơ khí tăng 6,2%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống giảm 1,5%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 13,2%. Các ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong hai tháng đầu năm 2022 tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2022 ước tính giảm 1,7% so với tháng 01 và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tính lũy kế hai tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 1,0% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh. Cụ thể như: Sản xuất xe có động cơ tăng 52,7%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 39,0%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,2%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 29,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 28,5%...

So sánh với tháng đầu tiên của năm 2022, IIP của TP.HCM giảm 6,2% so với tháng 12/2021 và giảm 9,4% so cùng kỳ, do là tháng Tết và năm nay Tết đến sớm, thời gian hoạt động sản xuất trong tháng 1 ít hơn so với tháng 12 năm trước.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng, hiện Thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn với số ca tử vong giảm, tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, Cục Thống kê TP.HCM vẫn lưu ý tình hình dịch vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với biến chủng mới xuất hiện. Do đó, đòi hỏi chính quyền Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt phòng chống dịch Covid-19, mở cửa mạnh mẽ nền kinh tế và tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng.

XUẤT NHẬP KHẨU KHỞI SẮC

Trong tháng 02/2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới; tuy nhiên Cục Thống kê Thành phố ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM có những nét khởi sắc.

Hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 7.379,5 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 7.117,6 triệu USD, tăng 4,3%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng Thành phố (gồm cả dầu thô) trong hai tháng đầu năm đạt 6.897,6 triệu USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 343,7 triệu USD, tăng 22,8%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 2.280,2 triệu USD, tăng 33,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.273,7 triệu USD, giảm 3,0%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu qua cảng của Thành phố: Nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt 695,3 triệu USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhóm hàng lâm sản có giá trị xuất khẩu đạt 146,2 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 2,1%. Nhóm hàng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 179,3 triệu USD, tăng 85,2% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 2,6%. Nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt 5.313,1 triệu USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 77,0%... Riêng mặt hàng dầu thô, sản lượng xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2022 đạt 466,6 ngàn tấn (tăng 34,1%) với giá trị đạt 261,9 triệu USD (tăng 74,7%).

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 19,2% tỷ trọng xuất khẩu (1.326,1 triệu USD). Thứ hai là Mỹ với 19,2% tỷ trọng (1.323,2 triệu USD). Kế đến là Hong Kong 6,6% tỷ trọng; Nhật Bản 6,5% tỷ trọng…

Trong khi đó, về xuất khẩu, ghi nhận cho thấy, hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 9.948,7 triệu USD, tăng 10,0% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua các cảng TP.HCM đạt 9.154,7 triệu USD, chiếm 92,0% tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước và tăng 17,3% so với cùng kỳ; trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 200,9 triệu USD, tăng 41,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 4.032,8 triệu USD, tăng 7,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.921,0 triệu USD, tăng 25,5%.

Tính chung tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM hai tháng đầu năm 2022 đạt 17.328,2 triệu USD (cùng kỳ đạt 18.912,2 triệu USD); trong đó xuất khẩu đạt 7.379,5 triệu USD. Ước nhập siêu 2.569,2 triệu USD.

TP.HCM là thành phố sản xuất công nghiệp, là trung tâm và đầu tàu kinh tế của cả nước. Do vậy, nhập khẩu hàng hóa chủ yếu tập trung vào máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ…

Theo đó, cơ cấu nhóm hàng hóa nhập khẩu qua cảng Thành phố trong hai tháng đầu năm 2022 gồm: Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 2.800,9 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 30,6%. Nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 5.203,9 triệu USD, tăng 25,7%, chiếm tỷ trọng 56,8%. Nhóm hàng tiêu dùng đạt 388,1 triệu USD, tăng 33,0%, chiếm tỷ trọng 4,3%...

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 32,5% tỷ trọng nhập khẩu); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (17,7% tỷ trọng); vải các loại (3,2% tỷ trọng); chất dẻo nguyên liệu (3,4% tỷ trọng)…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate