February 14, 2022 | 06:00 GMT+7

Kinh tế TP.HCM tháng 1: Sản xuất công nghiệp giảm, thương mại dịch vụ khởi sắc

Xuân Thái -

Mặc dù Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của TP.HCM trong tháng đầu tiên của năm 2022 giảm 6,2% so với tháng trước và giảm 9,4% so cùng kỳ năm 2021 do tháng 1 là tháng Tết, nhưng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, mua sắm tiêu dùng đều khởi sắc, thể hiện rõ nét kinh tế Thành phố vừa trải qua cơn “bạo bệnh” Covid-19.

Do tháng 1 là tháng Tết, nhưng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, mua sắm tiêu dùng đều khởi sắc, thể hiện rõ nét kinh tế Thành phố vừa trải qua cơn “bạo bệnh” Covid-19.
Do tháng 1 là tháng Tết, nhưng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, mua sắm tiêu dùng đều khởi sắc, thể hiện rõ nét kinh tế Thành phố vừa trải qua cơn “bạo bệnh” Covid-19.

Một trong những nguyên nhân lý giải cho sự giảm sút nói trên là bởi năm nay Tết đến sớm, thời gian hoạt động sản xuất trong tháng 1 ít hơn so với tháng 12 năm trước. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng lên, các nhà kinh doanh đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng.

THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, TIÊU DÙNG KHỞI SẮC

Tháng 1 là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Theo ghi nhận chung là các kênh thương mại, mua sắm, tiêu dùng gồm cả các hoạt động dịch vụ, đều khởi sắc và sáng sủa so với tháng cuối năm trước đó.

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 dự ước đạt 73.514 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước nhưng giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, do ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, tác động cả về thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân, lượng khách mua sắm dự ước trong tháng 1 mặc dù có tăng so với tháng cuối năm nhưng so với cùng kỳ năm 2021 vẫn sụt giảm mạnh (sụt 28% so với tháng 12/2020 và tháng 1/2021 cùng ở mức 4%). Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 47.913 tỷ đồng, chiếm 65,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 7,1% so với tháng 12 và giảm 13,8% so cùng kỳ.

So với tháng 12/2021, hầu như các nhóm hàng đều tăng, trong đó một số nhóm có mức tăng khá như: nhóm lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; hàng may mặc tăng 14,8%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 15,3%.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sản xuất của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm hàng hóa được lưu thông, xuyên suốt.

Cục Thống kê TP.HCM cho biết các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa cho hai tháng Tết là 19.881,1 tỷ đồng, tương đương thời điểm Tết Tân Sửu 2021; trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 - 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024,2 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỷ đồng. Với số vốn chuẩn bị như trên, các doanh nghiệp bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch Thành phố giao, nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% – 54,5% nhu cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,25% so với tháng 12/2021 và tăng 1,42% so cùng kỳ 2021. Có 3/11 nhóm giảm nhẹ so với tháng 12 gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13%; nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,07%. Các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông, tăng 1,27%.

Hai mặt hàng tác động thường nhật đến hoạt động mua sắm tích lũy của người dân là vàng và Đôla Mỹ đã ghi nhận biến động theo chiều hướng trái ngược nhau. Chỉ số giá vàng tháng 1/2022 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 9,39% so với tháng 1/2021; trong khi đó chỉ số giá đôla Mỹ tháng 1/2022 giảm 0,18% so với tháng 12/2021 và giảm 0,05% so cùng kỳ.

THU NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM, DÒNG VỐN DỒI DÀO

Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM tháng 1/2022 tăng 19,5% so cùng kỳ, do tình hình sản xuất kinh doanh được cải thiện. Chi ngân sách nhà nước (không tính tạm ứng) nhằm bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, ước thực hiện giảm 51% so với cùng kỳ năm 2021.

Kinh tế TP.HCM tháng 1: Sản xuất công nghiệp giảm, thương mại dịch vụ khởi sắc - Ảnh 1

Dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố năm 2022 là 386.568 tỷ đồng, tăng 5,9% so dự toán năm 2021. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM tháng 1/2022 ước thực hiện 47.882 tỷ đồng, đạt 12,4% dự toán và tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2021.

Thu cân đối ngân sách địa phương tháng 1/2022 ước thực hiện 13.338 tỷ đồng, đạt 7,9% dự toán, chiếm 27,9% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng 85,2% so cùng kỳ năm 2021.

Về chi ngân sách, dự toán tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 là 99.669 tỷ đồng, tăng 2,7% so với dự toán năm 2021. Trong đó chi cho đầu tư phát triển là 43.547 tỷ đồng, chiếm 43,7% tổng dự toán và tăng 13,7% so với dự toán năm 2021; chi thường xuyên là 48.663 tỷ đồng, chiếm 48,8% dự toán và tăng 1,5% so với dự toán năm 2021. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) tháng 1/2022 ước thực hiện 2.642 tỷ đồng, đạt 2,7% dự toán và giảm 30,8% so cùng kỳ 2021.

Trong lĩnh vực ngân hàng, nhờ sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với nhiều lần điều chỉnh lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, qua đó giúp doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn để tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo Cục Thống kê, tính đến hết ngày 1/1/2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 11,4% và tổng vốn huy động tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục, thể hiện vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP GIẢM, CÓ NGÀNH GIẢM SÂU

Như đã nói, do Tết năm nay đến sớm, thời gian hoạt động sản xuất trong tháng đầu năm ít hơn so với tháng cuối năm 2021, nên Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2022 ước giảm 6,2% so với tháng 12/2021.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 18,3%. Có một số ngành tăng so với tháng 12/2021, như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 2,9%; sản xuất đồ uống tăng 0,1%...

Tính so với cùng kỳ năm ngoái thì IIP trên địa bàn Thành phố tháng 1/2022 giảm 9,4%. Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,1%, sản xuất và phân phối điện giảm 4,4%. Một số ngành giảm sâu, như: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 58,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 40,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 40,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 35,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 33,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 31,9%.

Một số ngành tăng khá, như: cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,7%; khai khoáng khác tăng 52,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,0%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,9%.

Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, IIP trong tháng 1/2022 giảm 5,8% so cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 11,8%; ngành cơ khí giảm 6,2%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 4,3%, ngành hóa dược giảm 3,8%.

Các ngành công nghiệp truyền thống, IIP tháng 1/2022 cũng giảm 7,7% so cùng kỳ; trong đó, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 9,8%; sản xuất trang phục giảm 7,5%; ngành dệt giảm 3,2%.

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đến nay đã được kiểm soát, cơ bản đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí, vận tải đã hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, vì tháng Một là tháng Tết nên các lĩnh vực thương mại, mua sắm tiêu dùng, dịch vụ dễ nhận thấy rõ nét và nhộn nhịp nhất. Công nghiệp kỳ vọng sẽ lấy lại đà sản xuất từ sau Tết và tăng trưởng nhanh trong quý I/2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate