May 19, 2025 | 16:26 GMT+7

Kinh tế tư nhân: Từ zero đến động lực quan trọng nhất

Lý Hà -

Hành trình đi lên “từ con số 0” để đến nay Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân sẽ trở thành một “động lực quan trọng nhất”, được trao cơ hội và nguồn lực toàn diện để dẫn dắt kinh tế quốc gia tới phồn vinh vào năm 2045...

Hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển là nhiệm vụ “cần thiết và cấp bách” để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển là nhiệm vụ “cần thiết và cấp bách” để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

VnEconomy có cuộc trao đổi với TS. Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để làm rõ hơn nội dung này.

Nhiều doanh nhân khi đọc Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã sung sướng kêu lên rằng họ “như nắng hạn gặp cơn mưa rào”. Ông có thể phân tích tại sao Nghị quyết 68 lại đưa đến niềm vui bất ngờ đó?

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 là một Nghị quyết rất mới thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân để tạo động lực chiến lược mới phát triển đất nước.

Đây là một thay đổi có tính đột phá về tư duy, từ chỗ coi kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế (Đại hội IX, năm 2001) sang “một động lực quan trọng” (theo Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017) và nay trở thành một "động lực quan trọng nhất" của kinh tế quốc gia, là đầu tàu chiến lược thúc đẩy kinh tế.

 
TS. Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
TS. Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

"Một điểm nhấn rất quan trọng trong Nghị quyết là Đảng thừa nhận và tôn trọng quy luật thị trường, xóa bỏ triệt để định kiến, rào cản về kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Từ đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hỗ trợ, thay vì can thiệp hành chính quá sâu, để thị trường và doanh nghiệp tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật.

Chính luồng sinh khí mới này của Nghị quyết 68 đã tạo nên niềm sung sướng “nắng hạn gặp cơn mưa rào” là cởi trói cho kinh tế tư nhân".

Coi khu vực kinh tế tư nhân bình đẳng và đóng vai trò ngang hàng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể trong vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Một điểm nhấn rất quan trọng trong Nghị quyết là Đảng thừa nhận và tôn trọng quy luật thị trường, xóa bỏ triệt để định kiến, rào cản về kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Từ đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hỗ trợ, thay vì can thiệp hành chính quá sâu, để thị trường và doanh nghiệp tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật.

Chính luồng sinh khí mới này của Nghị quyết 68 đã tạo nên niềm sung sướng “nắng hạn gặp cơn mưa rào” là cởi trói cho kinh tế tư nhân.

Vậy căn cứ vào đâu để Đảng nhanh chóng đưa ra quyết sách coi kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế hiện đại, thưa ông?

Trên thế giới không một quốc gia nào đạt được thịnh vượng mà thiếu đi một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ. Ở các nền kinh tế đang phát triển, khu vực tư nhân là “động cơ” chính của nền kinh tế, tạo ra 90% việc làm, đóng góp khoảng 70% GDP và tới 75% tổng đầu tư của họ. Chưa kể các quốc gia thuộc OECD, khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng áp đảo trong GDP và việc làm, là nguồn gốc của hầu hết các sáng kiến đổi mới sáng tạo.

Trên thế giới không một quốc gia nào đạt được thịnh vượng mà thiếu đi một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Trên thế giới không một quốc gia nào đạt được thịnh vượng mà thiếu đi một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Còn thực tế ở Việt Nam, năm 1986 (Đại hội VI) khu vực tư nhân mới bắt đầu được nhìn nhận và sau 5 năm khu vực này đã tăng trưởng bình quân 6,2%/năm, cao hơn nhiều so với khu vực nhà nước. Hiện nay, theo số liệu của Cục Thống kê và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến đầu năm 2025, cả nước có trên 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 82% lực lượng lao động cả nước.

Nhiều thương hiệu Việt đã hình thành và khẳng định tên tuổi trên thị trường khu vực, toàn cầu, như Vinamilk (sữa), Vingroup/VinFast công nghệ, ô tô), Thaco (công nghiệp ô tô), Vietjet (hàng không), Masan (hàng tiêu dùng)…

Những doanh nghiệp tư nhân tiên phong này vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, vừa mang hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động ra thế giới. Điều đó chứng tỏ khu vực tư nhân càng phát triển thì nền kinh tế càng năng động, sáng tạo, khả năng chống chịu và thích ứng càng cao và đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở để tin rằng việc Đảng ta đề ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới là đúng đắn và kịp thời.

Thưa ông, với định hướng như vậy, Nghị quyết 68 đã khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” và cũng đã đưa ra các mục tiêu rất cao?

Đúng vậy, cũng vì thế mà Đảng xem việc hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển không chỉ là cần thiết, mà còn là nhiệm vụ “cần thiết và cấp bách” để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Hơn nữa, cũng cần thấy rằng kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do vấp phải nhiều điểm nghẽn, hạn chế kéo dài.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời một phần xuất phát từ thực tế này – nhằm giải quyết tận gốc những lực cản đang kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân, đồng thời đề ra tầm nhìn, mục tiêu dài hạn cho giai đoạn mới.

Cụ thể, Nghị quyết 68 lần này Đảng đặt ra mục tiêu rất cao cho khu vực tư nhân vào các mốc 2030 và 2045, thể hiện tầm nhìn dài hạn đầy tham vọng. Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu đạt ba vấn đề.

Một là, kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khu vực tư nhân được kỳ vọng đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.

Hai là, tốc độ tăng trưởng khu vực tư nhân đạt bình quân 10 – 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP chung của cả nước. Đóng góp vào GDP khoảng 55 – 58%, vào ngân sách nhà nước khoảng 35 – 40% và tạo việc làm cho khoảng 84 – 85% lực lượng lao động. Năng suất lao động khu vực tư nhân tăng bình quân 8,5 – 9,5%/năm.

Ba là, quy mô doanh nghiệp tăng mạnh: Cả nước có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động (tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân). Hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thương hiệu tầm khu vực và quốc tế.

Vươn tầm xa hơn, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết đề ra mục tiêu Việt Nam có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP quốc gia. Khi đó, kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực chủ đạo, cùng với các khu vực kinh tế khác đưa Việt Nam vươn lên phát triển thịnh vượng.

Nghị quyết 68 đề ra giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tài sản, tự do kinh doanh, hỗ trợ vốn, đất đai, thị trường, nâng cao nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, tạo nền tảng thực hiện tầm nhìn.

Ông có nhắc đến những hạn chế, điểm nghẽn kéo dài của kinh tế tư nhân Việt Nam. Vậy theo ông, đâu là những hạn chế chủ yếu của kinh tế tư nhân hiện nay?

Chúng ta cần nhìn  thẳng vào những hạn chế chủ yếu đã tạo nên các rào cản của kinh tế tư nhân hiện nay, theo tôi có bốn hạn chế sau đây.

Thứ nhất, kinh tế tư nhân nước ta quy mô nhỏ, phân mảnh: Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính và quản trị còn yếu kém; số doanh nghiệp lớn rất ít, thiếu vắng các tập đoàn tầm cỡ dẫn dắt trong đa số lĩnh vực, điều này khiến sức cạnh tranh chung của khu vực tư nhân còn thấp.

Thứ hai, về công nghệ và nhân lực: Mức độ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến của nhiều doanh nghiệp còn thấp, dẫn đến năng suất lao động và hiệu quả hoạt động chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực quản lý và lao động kỹ thuật cao còn yếu, thiếu.

Thứ ba, thiếu liên kết và tầm nhìn: Nhiều doanh nghiệp thiếu tầm nhìn chiến lược, kinh doanh ngắn hạn, đồng thời liên kết yếu với các doanh nghiệp khác. Sự kết nối giữa khu vực tư nhân với khu vực nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn lỏng lẻo, khiến chuỗi giá trị trong nước chưa hình thành vững chắc.

Thứ tư, môi trường kinh doanh chưa thật thuận lợi: Thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập; thủ tục hành chính đôi khi phức tạp, chi phí tuân thủ cao. Quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh tuy đã được luật pháp bảo vệ nhưng trên thực tế chưa được đảm bảo đầy đủ, doanh nghiệp vẫn lo ngại rủi ro về pháp lý.

Khu vực tư nhân cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn lực (vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao) do cạnh tranh với khu vực nhà nước và FDI hoặc do thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Một số chính sách ưu đãi của Nhà nước còn khó tiếp cận hoặc chưa thực sự hiệu quả.

Chính những hạn chế nêu trên đã khiến kinh tế tư nhân chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, “chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước”. Để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia đến 2030 và 2045, việc giải quyết các rào cản này được xem là vấn đề cấp bách. Nghị quyết 68 ra đời nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể, toàn diện và đột phá để khắc phục những điều này, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate