Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.
ĐỊNH HƯỚNG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, so với mô hình kinh tế tuyến tính, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...
Ở Việt Nam, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đặc biệt, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, theo Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, Nghị định 08 ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn… Nghị định yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn trình Thủ tướng ban hành trước ngày 31/12/2023 trong đó cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phân kỳ thực hiện với từng ngành, lĩnh vực; xác định các loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh, sản phẩm phải thực hiện thiết kế để đạt được các tiêu chí kinh tế tuần hoàn...
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương cùng với các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp tham gia góp ý vào quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu còn gặp khó khăn do thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Một số công cụ chính sách chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật… Đặc biệt hành vi của nhiều nhà sản xuất, người tiêu dùng chưa thân thiện môi trường…
Theo TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường, đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Cần giải pháp để mỗi người dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy về kinh tế tuần hoàn. Một trong những yêu cầu của kinh tế tuần hoàn là phải tư duy lại, thiết kế lại các hành động, quy trình sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ điều này, ông Phạm Hoàng Hải, đại diện Hội đồng phát triển bền vững doanh nghiệp, cho rằng cần đưa ra khái niệm về kinh tế tuần hoàn một cách đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng tham gia. Đồng thời, xây dựng hệ thống pháp luật trong đó khuyến khích tạo hệ sinh thái cho các mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện bởi doanh nghiệp, người tiêu dùng... Cũng theo ông Hải, nếu muốn thực hiện kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu ngay từ đầu khi thiết kế sản phẩm, thiết kế sinh thái để có thể tuần hoàn được vật liệu, chu trình.
Từ phía Chính phủ và các nhà tài trợ cần có cơ chế hỗ trợ tiếp cận tài chính cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa; gắn việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn với cắt giảm phát thải carbon. Điều này sẽ tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mô hình chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần có chính sách khuyến khích mua sắm công ưu tiên các sản phẩm sử dụng vật liệu tuần hoàn, từ đó hình thành thị trường tiêu thụ.
Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.
Chuyên gia này cũng đề cập việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật trong kinh tế tuần hoàn. Muốn phát triển kinh tế tuần hoàn, khi xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật cần phải tư duy về kinh tế tuần hoàn để lồng ghép. Kinh tế tuần hoàn là vấn đề mới nên hệ thống quy định sẽ phải tiếp tục hoàn thiện dần để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Theo đại diện UNDP tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn, tại hội nghị khởi động mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh việc kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ. Đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong vòng kín của chu trình sản xuất mới. Đặc biệt sẽ ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.
Ngoài ra, sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn; nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn, thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
Ông Mạnh thông tin, trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ liên quan đến kinh tế tuần hoàn được hoàn thiện trong đó có tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh từ thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng. Có danh mục hỗ trợ các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư, phát hành trái phiếu nhận biết các dự án nâu hay xanh, dự án tuyến tính hay tuần hoàn… Qua đó khơi thông thị trường vốn xanh tiềm năng.
Theo ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, muốn phát triển kinh tế tuần hoàn, các quốc gia phải hợp tác với nhau. Thậm chí, trong mỗi quốc gia cũng cần có sự kết hợp cả về hạ tầng lẫn nguồn vốn con người, cam kết tính bền vững. Mặt khác, chỉ có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành mới là giải pháp dài hạn để phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn cần sự chung tay phối hợp giữa các doanh nghiệp, khách hàng, nhà cung ứng và người tham gia khác trong chuỗi giá trị.