Ngày 11/1/2021 tại Tp.HCM, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy- Vietnam Economic Times tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 với chủ đề "Định hình chiến lược đầu tư - kinh doanh trong bối cảnh mới", đánh dấu năm thứ 13 sự kiện thường niên này được tổ chức từ năm 2018.
Khai mạc diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times chia sẻ, diễn đàn năm nay sẽ là một năm đặc biệt và đáng nhớ khi bối cảnh thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động và sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy đà tăng trưởng và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 5 năm 2021-2025.
TS. Chử Văn Lâm cho biết, tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021, những vấn đế cốt lõi của nền kinh tế, những trụ cột quan trọng, những động lực tăng trưởng mới, những cơ hội phi thường trong thách thức của bối cảnh mới sẽ được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đề cập, phân tích và đánh giá. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp nắm bắt thêm thông tin, định hình và xây dựng kế hoạch chiến lược đầu tư và kinh doanh năm 2021 và các năm tiếp theo.
Năm 2021 là năm khởi đầu cho một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm quan trọng của Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030 đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng và tham vấn ý kiến các bên để hoàn thiện và trình Chính phủ. Với chủ đề "Định hình chiến lược đầu tư - kinh doanh trong bối cảnh mới", đại diện Viện Chiến lược Phát triển, đơn vị chịu trách nhiệm chính soạn thảo kế hoạch sẽ thông tin những chủ trương, định hướng lớn, từ đó làm cơ sở tham khảo cho các kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thành quả đạt được của năm 2020 trên các bình diện kinh tế - xã hội trong nước, kinh tế đối ngoại cũng như vai trò, vị thế và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế đã được củng cố đáng kể. Dù tăng trưởng GDP của năm 2020 chưa đạt ½ so với mục tiêu đề ra, song với mức tăng trưởng 2,91% đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á và là một trong 10 quốc gia trên thế giới đạt được tăng trưởng dương. Đảng và Chính phủ đã kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch covid-19 và do đó, Việt Nam đã trở thành hình mẫu tiêu biểu.
Năm 2020, Việt Nam cũng hoàn thành xuất sắc vai trò chủ tịch ASEAN theo một cách thức chưa từng có tiền lệ. Việt Nam đã ký kết thành công những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương quan trọng. Bất chấp những tác động tiêu cực của Covid-19 và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành sửa đổi và ban hành những đạo luật cơ bản, khơi thông các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
"Điều này mang tới nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức vẫn đang thường trực và bám đuổi. Đại dịch Covid-19, dù đã thử nghiệm vaccines trên diện rộng, song những biến thể mới đang đe dọa những kế hoạch phục hồi, tái sản xuất và nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Chử Văn Lâm đánh giá.
Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 01 và 02 năm 2021 với phương châm hành động 12 chữ: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển. Thông điệp trong phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được đúc rút từ thực tiễn khắc nghiệt của năm 2020.
Trải qua những thời khắc, những giai đoạn khó khăn khốc liệt nhất, toàn Đảng, toàn dân đã thấm đẫm giá trị của ý chí vươn lên, ý chí không chịu khuất phục trước những thử thách và sức mạnh của sự đồng lòng, chung sức đã làm nên những kỳ tích ấn tượng. Khát vọng phát triển vì một Việt Nam thịnh vượng và hùng cường, hội nhập và hòa thanh với năm châu sẽ là động lực, là niềm tin mạnh mẽ thúc đẩy các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân nỗ lực vượt qua thách thức, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2021.