January 29, 2015 | 16:52 GMT+7

Kinh tế Việt Nam: “Vui lúc này e là quá sớm”

Mai Minh

Nguyên Thống đốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm nói về những khó khăn lớn của năm 2015

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm.
“Không thể phủ nhận thực tế rằng, nền kinh tế vẫn trong tình trạng chưa vượt lên được, tổng cầu yếu quá... Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể và các đề án chi tiết, nhưng hành động rất chậm”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm nói.

“Tổng cầu yếu quá”

Thưa ông, hiện đang có nhiều đánh giá khá lạc quan về tình hình kinh tế. Thế còn đánh giá của ông?


Đúng là tình hình kinh tế năm 2015 có triển vọng phát triển khá lạc quan. Khi nhìn lại năm 2014, với những tác động của tình hình trong nước và thế giới, những vấn đề bức xúc mà chúng ta đang phải xử lý, đặc biệt là những yếu kém, hạn chế tồn tại nhiều năm thì thấy rằng nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rất tốt.

Tình hình phục hồi khá toàn diện. Chiều hướng đi lên của nền kinh tế khá rõ rệt, phục hồi rõ hơn, toàn diện hơn, cả kinh tế-xã hội, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu.

Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát, sức mua, ổn định kinh tế vĩ mô... đã bắt đầu đi vào giải quyết các vấn đề dài hạn, như cải cách cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế... Đó là những kết quả mà theo tôi, vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt, vừa bắt đầu đi vào dài hạn, giải quyết các yếu tố bền vững.

Từ năm 2011-2013, nền kinh tế của chúng ta rất khó khăn, chững lại. Đến năm 2014 là năm đầu tiên sau cả một giai đoạn khó khăn, nền kinh tế có chiều hướng đi lên rõ và đều.

Liệu có thể tin rằng, nền kinh tế của chúng ta đang được thay áo mới?


Theo tôi, nếu vui lúc này e là quá sớm.

Bởi nếu đặt năm 2014 trong mục tiêu dài hạn của kế hoạch 5 năm, tình hình kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ những vấn đề rất lớn.

Kết quả thực hiện các mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu nền kinh tế cũng chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, về kiềm chế lạm phát năm 2014 ở mức tăng rất thấp là 1,84%. Tháng 1/2015, lạm phát chỉ còn tăng trưởng âm.

Có mừng có lo quanh diễn biến của lạm phát, nhưng nhìn chung, không thể phủ nhận thực tế rằng, nền kinh tế vẫn trong tình trạng chưa vượt lên được, tổng cầu yếu quá.

“Nợ xấu còn đeo đẳng”


Tái cơ cấu nền kinh tế đang được đặt ra như một giải pháp mang tính đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện giải pháp này?

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta được tiến hành quá chậm chạp. Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể và các đề án chi tiết, nhưng hành động rất chậm.

Nhìn tổng thể, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã tiến lên được một bước nhưng chưa rõ hình hài những vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững.

Mục tiêu của tái cấu trúc nền kinh tế là chuyển nền kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, từ tốc độ sang hiệu quả... nhưng thực tế lại chưa tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ.

Chẳng hạn, tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty nhà nước đến nay còn chưa rõ mô hình, chưa có đột phá để tạo động lực cho các năm sau. Hay liên quan đến vấn đề nợ công, chúng ta chống được dàn trải, giải quyết được tình trạng tạm ứng, dây dưa nhưng nợ công vẫn đang tăng lên sát ngưỡng sàn an toàn...

Việc sắp xếp các ngân hàng cũng thế. Chúng ta đã giải quyết được những ngân hàng yếu kém, tránh được đổ vỡ hệ thống ngân hàng nhưng toàn bộ hệ thống ngân hàng đi vào chất lượng, khả năng cạnh tranh và bảo đảm khả năng hội nhập hay chưa thì vẫn còn một khoảng cách.

Nói cách khác, chúng ta mới giải quyết được vấn đề giữ ổn định nền kinh tế, làm cho nền kinh tế khỏi đổ vỡ chứ tạo yếu tố để phát triển đột phá trong thời gian tới thì chưa rõ... Đó là những vấn đề cần phải suy nghĩ và có biện pháp xử lý hiệu quả hơn.

Những khó khăn lớn của năm 2015 trong tái cơ cấu kinh tế là gì, theo ông?


Năm nay, chúng ta phải tiếp tục tiến hành tái cơ cấu kinh tế trong bối cảnh toàn bộ quá trình tái cơ cấu thực hiện những năm qua, đặc biệt trong năm 2014 chưa gắn được tái cơ cấu với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo tôi đây là một thách thức lớn.

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, như về đầu tư, hệ thống cơ chế chính sách để chúng ta thu hút vốn đầu tư là chưa rõ ràng, chưa có hệ thống và chưa tạo ra được động lực. Hệ thống chính sách để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, kể cả tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài, cũng chưa mạnh mẽ, chưa đáp ứng được.

Cơ chế phân bổ dẫn dắt thông qua nợ công hay thông qua đầu tư để tạo nên chuyển biến cơ cấu kinh tế cũng chưa rõ.

Hay như về sắp xếp ngân hàng, một tồn tại của lĩnh vực này hiện nay đang làm khó cho không chỉ hệ thống ngân hàng mà còn khó cho nền kinh tế đất nước, đó là vấn đề nợ xấu, nó còn đeo đẳng chúng ta không phải chỉ trong năm 2015 mà còn tiếp tục những năm sau. Trong khi, hệ thống pháp lý chưa đảm bảo để giải quyết nợ xấu, vốn để giải quyết nợ xấu không có, vốn hỗ trợ để xử lý trong đó có cả ngân sách Nhà nước chưa có chủ trương rõ ràng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate