Công ty CP VNG (VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với nhiều thông tin tài chính đáng chú ý về kỳ lân công nghệ này.
ĐẦU TƯ 6 CÔNG TY NGOẠI QUỐC ĐỀU KHOẢN THUA LỖ NẶNG
Theo đó, trong quý 2, VNG ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.245 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi khấu trừ giá vốn, lãi gộp đạt gần 1.146 tỷ đồng, tăng hơn cùng kỳ 26%.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 45% còn 24 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh lên 84 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ, do ghi nhận thêm dự phòng đầu tư dài hạn và chi phí lãi vay tăng mạnh. Mặc dù vậy, chi phí bán hàng giảm mạnh 26%, còn hơn 554 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VNZ giảm được khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết còn 22 tỷ đồng cùng kỳ lỗ 47 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận 119 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 228 tỷ đồng.
Doanh nghiệp giải thích, quý 2 có lãi nhờ vào các sản phẩm trò chơi mới thành công, và tiết giảm được chi phí quảng cáo. Khoản lợi nhuận này cũng cho phép VNZ “ngắt chuỗi” thua lỗ 5 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý 2/2022.
Phần lỗ trong công ty liên kết không được VNG thuyết minh chi tiết, song báo cáo tài chính cho thấy, ở thời điểm hiện tại, VNG đầu tư tổng cộng gần 2.000 tỷ đồng vào 8 công ty, trong đó, có 6 công ty ngoại quốc, 2 công ty trụ sở tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, 6 công ty ngoại quốc đều thua lỗ riêng 2 khoản đầu tư tại 2 công ty mất trắng vốn. Với hai công ty trong nước thì một công ty lãi, một công ty lỗ.
Theo đó, VNZ đầu tư 510,1 tỷ đồng vào Tiki Global đến nay khoản này lỗ sạch, trắng vốn. Tiki Global trụ sở tại Singapore, tính đến thời điểm cuối tháng 6, Tiki nắm 14,61% quyền sở hữu tại doanh nghiệp này. VNZ đầu tư 35,3 tỷ đồng vào Beịing Youtu (Trung Quốc) và OCG (Singapore) 104,2 tỷ đồng.
4 công ty bị lỗ nhưng vẫn còn giá trị gồm: Rocketeer đăng ký tại đảo Cayman - được biết đến là thiên đường thuế với giá trị đầu tư 33 tỷ đồng đầu tư, lỗ còn 24 tỷ đồng; Ecotruck (Tp.HCM) với 131 tỷ đồng đầu tư lỗ còn 98 tỷ đồng; Telio trụ sở Singapore đầu tư 515 tỷ đồng lỗ còn 416 tỷ đồng; Funding Asia trụ sở Singapore đầu tư 512 tỷ đồng lỗ còn 443 tỷ đồng.
Duy nhất khoản đầu tư vào Dayone (Tp.HCM) là có lãi. Như vậy, với khoản đầu tư 1.876 tỷ đồng, VNG lỗ còn lại 1.229 tỷ đồng.
Ngoài ra, VNG còn đang phải trích lập dự phòng cho toàn bộ số vốn 47 tỷ đồng cho công ty Wild Games trụ sở tại Hoa Kỳ, đồng nghĩa khoản đầu tư này cũng có nguy cơ bay sạch.
KHÔNG NGỪNG ĐỐT TIỀN CHO ZALOPAY
Đối với khoản đầu tư vào công ty con, đáng lưu tâm nhất vẫn là khoản đầu tư vào Công ty CP Zion với nền tảng thanh toán trung gian Zalopay. VNG liên tiếp phải rót thêm vốn vào công ty này, tính tới cuối tháng 6 giá trị đầu tư lên tới 2.964 tỷ đồng tăng 403 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 65,67% lên 69,996%.
Chi phí dự phòng cho khoản đầu tư này tính đến nay cũng ngót nghét 2.900 tỷ đồng. Tức là VNG ném bao nhiêu tiền vào Zalopay thì đều tiêu tan sạch bấy nhiêu giống như một cuộc chơi đốt tiền cho nền tảng thanh toán trung gian vốn dĩ đầy cạnh tranh, khốc liệt.
Công ty cổ phần VNG được thành lập năm 2004 bởi nhà sáng lập Lê Hồng Minh. VNG Corporation là một công ty lớn trong lĩnh vực phát hành và phát triển trò chơi trong 18 năm qua. VNG Corp cũng đã khai thác mảng điện toán đám mây/trung tâm dữ từ 2006~2007 và nền tảng Zalo từ năm 2012. Nền tảng thanh toán điện tử ZaloPay được tạo ra trong năm 2016.
Khoảng thời gian từ 2011~2016, công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ mảng game và truyền thông. Tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận EBITDA của các mảng trò chơi và truyền thông của VNZ trong giai đoạn 2011~2016 phù hợp với các công ty cùng ngành.
Tuy nhiên, từ năm 2018 do đầu tư vào Tiki & ZaloPay, giá vốn hàng bán & chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh khiến tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận EBITDA giảm xuống.
SSI Research đã nhấn mạnh rằng, việc tiếp tục đầu tư vào ZaloPay có thể dẫn đến kết quả không tích cực cho công ty này
Cũng theo phân tích của SSI Research, trên thị trường hiện có quá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử đơn thuần. Những đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử này như ví điện tử đơn thuần (payoo, moca, vnpay, Qrpay, momo, onepay, ree pay, uc pay, mpayvn, true money, ting, vimo, appota, payon, vipost, my nextpay, bankplus , gpay), ví điện tử kết hợp (shopeepay, vnpt money, viettel pay, zalopay, viettinbank ipay, sacombank ipay, bidv pay+, viettel money, vtcpay).
Với chỉ những mục đích như nạp tiền điện thoại di động, chuyển/nhận tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, các nền tảng ngân hàng trực tuyến/internet có khả năng cung cấp các dịch vụ tương tự.
Khuyến mãi/giảm giá có thể thu hút người dùng nhưng không thể coi là lợi thế cạnh tranh của ví điện tử, nhất là khi các ngân hàng tăng tốc hoặc đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để cạnh tranh với các đối thủ ví điện tử này. Trong bối cảnh lãi suất tăng và cao, việc huy động vốn để mở rộng mảng ví điện tử có thể ít khả thi hơn.