February 01, 2023 | 19:53 GMT+7

VNG chào sàn, lưu ý với khoản đầu tư vào ZaloPay

Kiều Linh -

Báo cáo tài chính quý 3/2022 cho thấy, tổng chi phí VNG đã đầu tư vào ZaloPay là 2.561 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 65,48%. Tuy nhiên, tổng chi phí dự phòng lũy kế tính đến tháng 9/2022 là 2.269 tỷ đồng. Nếu công ty ghi nhận 292 tỷ đồng chi phí dự phòng trong quý 4 năm 2022, khoản đầu tư vào ZaloPay sẽ bị xóa sổ hoàn toàn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG có phiên giao dịch mua bán đầu tiên sau gần nửa tháng chính thức niêm yết trên sàn UpCOM. Theo đó, vào lúc 10g sáng ngày 1/2/2023, 100 cổ phiếu VNZ đã được khớp lệnh trên UPCoM, ở mức giá trần 336.000/cổ phiếu - tương ứng giá trị giao dịch 33.6 triệu đồng. Biên độ tăng giá là 40%, do đây là phiên giao dịch có lệnh khớp đầu tiên của VNZ kể từ khi chính thức lên sàn.

Sức nóng hầm hập của VNZ suốt từ ngày lên sàn là do cầu đua mua khá lớn ở giá trần trong khi cung gần như không có. VNZ đang có tỷ lệ sở hữu cô đặc với trên 83% vốn do các cổ đông lớn và một thành viên ban lãnh đạo nắm giữ.

Theo phân tích của giới chuyên môn, mức giá hiện tại mà thị trường đang trả quá cao so với định giá thực, trong bối cảnh công ty này kinh doanh giảm sút, đặc biệt cần lưu ý nhiều hơn ở mảng đầu tư vào ZaloPay.

Báo cáo tài chính quý 3/2022 của VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.099,8 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn hàng bán, VNG báo lãi gộp 942,9 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý 3/2022, doanh thu hoạt động tài chính của VNG đạt 23,1 tỷ đồng, giảm 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính giảm mạnh từ mức 7,4 tỷ đồng trong quý 3/2021 xuống còn 0,69 tỷ đồng.

Ở chiều hướng ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG lần lượt tăng 12,2% và 29,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 714,8 tỷ đồng và 380,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNG còn chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng. Trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế quý 3/2022 ở mức 254,5 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của ‘kỳ lân’ công nghệ này.

Lũy kế 3 quý đầu năm, VNG lỗ 764,5 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã khiến vốn chủ sở hữu của VNG giảm mạnh từ 6.323 tỷ đồng chỉ còn 5.578 tỷ đồng.

VNG chào sàn, lưu ý với khoản đầu tư vào ZaloPay - Ảnh 1

Công ty cổ phần VNG được thành lập năm 2004 bởi nhà sáng lập Lê Hồng Minh. VNG Corporation là một công ty lớn trong lĩnh vực phát hành và phát triển trò chơi trong 18 năm qua. VNG Corp cũng đã khai thác mảng điện toán đám mây/trung tâm dữ từ 2006~2007 và nền tảng Zalo từ năm 2012. Nền tảng thanh toán điện tử ZaloPay được tạo ra trong năm 2016.

Khoảng thời gian từ 2011~2016, công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ mảng game và truyền thông. Tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận EBITDA của các mảng trò chơi và truyền thông của VNZ trong giai đoạn 2011~2016 phù hợp với các công ty cùng ngành.

Tuy nhiên, từ năm 2018 do đầu tư vào Tiki & ZaloPay, giá vốn hàng bán & chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh khiến tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận EBITDA giảm xuống.

Điều quan trọng cần lưu ý là đối với ZaloPay, báo cáo tài chính quý 3/2022 cho thấy, tổng chi phí VNG đã đầu tư vào ZaloPay là 2.561 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 65,48%. Tuy nhiên, tổng chi phí dự phòng lũy kế tính đến tháng 9/2022 là 2.269 tỷ đồng. Nếu công ty ghi nhận 292 tỷ đồng chi phí dự phòng trong quý 4 năm 2022, khoản đầu tư vào ZaloPay sẽ bị xóa sổ hoàn toàn.

VNG chào sàn, lưu ý với khoản đầu tư vào ZaloPay - Ảnh 2

Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu VNZ mới đây, SSI Research đã nhấn mạnh rằng, việc tiếp tục đầu tư vào ZaloPay có thể dẫn đến kết quả không tích cực cho công ty này và VNG có thể sẽ phát sinh khoản 292 tỷ đồng chi phí dự phòng cho ZaloPay vào quý 4/2022.

Cũng theo phân tích của SSI Research, trên thị trường hiện có quá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử đơn thuần. Những đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử này như ví điện tử đơn thuần (payoo, moca, vnpay, Qrpay, momo, onepay, ree pay, uc pay, mpayvn, true money, ting, vimo, appota, payon, vipost, my nextpay, bankplus , gpay), ví điện tử kết hợp (shopeepay, vnpt money, viettel pay, zalopay, viettinbank ipay, sacombank ipay, bidv pay+, viettel money, vtcpay).

Với chỉ những mục đích như nạp tiền điện thoại di động, chuyển/nhận tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, các nền tảng ngân hàng trực tuyến/internet có khả năng cung cấp các dịch vụ tương tự.

Khuyến mãi/giảm giá có thể thu hút người dùng nhưng không thể coi là lợi thế cạnh tranh của ví điện tử, nhất là khi các ngân hàng tăng tốc hoặc đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để cạnh tranh với các đối thủ ví điện tử này. Trong bối cảnh lãi suất tăng và cao, việc huy động vốn để mở rộng mảng ví điện tử có thể ít khả thi hơn.

Các chuyên gia phân tích của SSI Research cho biết, SSI không thể đưa ra các dự báo và giả định về lợi nhuận do thiếu thông tin chia sẻ từ Ban lãnh đạo để nắm được chiến lược của công ty.

"Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2023 của VNZ có thể trở lại mức của năm 2021 là 412 tỷ đồng, tương ứng với P/E năm 2023 là 16,7 lần, so với mức 22,8 lần của các công ty cùng ngành. Với giả định hiện tại về tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện và tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý giảm nhẹ, tỷ suất lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VNZ có thể được giả định ở mức 12% so với các công ty cùng ngành là 21%.

Chúng tôi cho rằng mức giá niêm yết 240.000 đồng/cổ phiếu là mức giá giao dịch hợp lý đối với cổ phiếu VNZ", ông Thái Gia Hào, chuyên gia phân tích mảng Công nghệ của SSI Research nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate