Trong kỳ, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ VNG ghi nhận 2.258 tỷ đồng tăng 406 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên 28 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhờ đó VNG báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 74 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí khác tăng bất thường cùng với khoản lỗ khác 8,7 tỷ đồng, VNG sau khi trừ đi chi phí phát sinh, thuế báo lỗ 31 tỷ đồng trong quý đầu năm, đánh dấu quý thứ 10 liên tiếp thua lỗ. Mặc dù vậy, con số lỗ này cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước lỗ 90 tỷ đồng.
Trong giải trình, VNZ cho biết việc tiết giảm chi phí đã giúp Doanh nghiệp giảm lỗ sau thuế và có lãi ròng. Tuy nhiên, việc thúc đẩy hoạt động quảng cáo với các sản phẩm mới khiến chi phí neo cao, bào mòn lợi nhuận Doanh nghiệp.
Kết thúc quý 1, giá trị tổng tài sản của VNZ đạt gần 11 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, với gần 6.200 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn tăng 13%. Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ gần 4.600 tỷ đồng tăng so với đầu năm 15%.
VNG đầu tư vào các công ty liên kết trong đó ghi nhận nhiều doanh nghiệp mất trắng số vốn. Trong đó, VNG đầu tư 510 tỷ đồng vào Tiki Global nhưng lỗ và mất sạch khoản đầu tư này; tương tự khoản đầu tư 33 tỷ vào Rocketeer 33 tỷ đồng cũng bị mất trắng; Khoản đầu tư 35 tỷ đồng vào Beijing Youtu cũng bị mất sạch.
Trong khi đó, các khoản đầu tư khác bị thua lỗ như Ecotruck đầu tư vào đó 143 tỷ đồng lỗ 42 tỷ đồng; Khoản đầu tư 515 tỷ vào Telio lỗ còn 210 tỷ; Funding Asia đầu tư 512 tỷ lỗ còn 414 tỷ; OCG đầu tư 104 tỷ lỗ còn 98 tỷ. Tổng cộng các khoản đầu tư trong danh mục này 1.992 tỷ nhưng thua lỗ còn 969 tỷ đồng.
Đối với khoản đầu tư vào công ty con, đáng lưu tâm nhất vẫn là khoản đầu tư vào Công ty CP Zion với nền tảng thanh toán trung gian Zalopay.
Trên báo cáo tài chính riêng, giá trị đầu tư vào công ty con của VNZ tăng 4% so với đầu năm, lên hơn 5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư tại Zion đơn vị sở hữu ZaloPay tăng nhẹ, từ 72,65% lên 73,75%, tương ứng tổng giá trị đầu tư hơn 3.550 tỷ đồng.
Trích lập dự phòng tăng nhẹ từ 3.300 tỷ đồng lên hơn 3.400 tỷ đồng. Công ty không thuyết minh chi tiết khoản dự phòng này kể từ quý 4/2022, nhưng theo báo cáo tài chính quý 3/2022, ít nhất 2.270 tỷ đồng là dành cho CTCP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay).
Về tình hình tài chính, vay ngắn hạn VNG tăng gấp rưỡi trong 3 tháng đầu năm, lên 1.330 tỷ đồng còn vay dài hạn giảm 7% xuống 577 tỷ đồng. Tổng cộng, vay nợ của VNG tăng 38% so với đầu năm.
Công ty cổ phần VNG được thành lập năm 2004 bởi nhà sáng lập Lê Hồng Minh. VNG Corporation là một công ty lớn trong lĩnh vực phát hành và phát triển trò chơi trong 18 năm qua. VNG Corp cũng đã khai thác mảng điện toán đám mây/trung tâm dữ từ 2006~2007 và nền tảng Zalo từ năm 2012. Nền tảng thanh toán điện tử ZaloPay được tạo ra trong năm 2016.
Khoảng thời gian từ 2011~2016, công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ mảng game và truyền thông. Tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận EBITDA của các mảng trò chơi và truyền thông của VNZ trong giai đoạn 2011~2016 phù hợp với các công ty cùng ngành.
Tuy nhiên, từ năm 2018 do đầu tư vào Tiki & ZaloPay, giá vốn hàng bán & chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh khiến tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận EBITDA giảm xuống.
Trên thị trường chứng khoán, bất chấp kinh doanh lao dốc, thị giá VNZ vẫn đang được trả mức giá cao nhất thị trường 475.000 đồng/cổ phiếu. Với giá này, VNZ đã giảm mạnh so với thời điểm sau khi niêm yết cách đây 1 năm đạt 1.200 triệu đồng/cổ phiếu tuy nhiên đây vẫn là cổ phiếu có mức cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.