February 13, 2025 | 11:54 GMT+7

Kỳ nghỉ năm mới đầy thành công của du lịch và bán lẻ Trung Quốc

Mỹ An -

Tổng số du khách và chi tiêu liên quan đến du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục…  

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang dần lấy lại phong độ trong chi tiêu dịp Tết Nguyên đán năm nay. Theo dữ liệu mới được công bố từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025, có 501 triệu chuyến du lịch nội địa, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 20,7% so với mức trước đại dịch năm 2019.  

Tổng chi tiêu du lịch nội địa đạt 677 tỷ nhân dân tệ (tương đương 92,9 tỷ USD), tăng 7% so với năm 2024 và tăng 31,7% so với năm 2019. Mức chi tiêu bình quân đầu người cũng tăng 9% so với thời kỳ trước đại dịch. Những con số ấn tượng này được thúc đẩy bởi sự quan tâm trở lại đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc, xu hướng du lịch tại các thị trấn nhỏ và nhu cầu ngày càng cao đối với các trải nghiệm du lịch.  

Năm 2025 đánh dấu kỳ Tết Nguyên đán đầu tiên kể từ khi UNESCO đưa phong tục của lễ hội này vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2024, nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt văn hóa của dịp lễ này.  

Các thành phố và thị trấn giàu nghệ thuật dân gian và phong tục truyền thống tại Trung Quốc đang ngày càng thu hút du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ - lực lượng đi đầu xu hướng du lịch dịp lễ. Trong khi đó, thế hệ sinh sau năm 1980 là nhóm chi tiêu nhiều nhất cho du lịch, chiếm một nửa số chuyến đi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, theo dữ liệu từ Tuniu - công ty du lịch giải trí nổi tiếng tại Trung Quốc.

Kỳ nghỉ năm mới đầy thành công của du lịch và bán lẻ Trung Quốc - Ảnh 1

Bên cạnh việc tận hưởng những chuyến du lịch nhiều thế hệ cùng con cái và cha mẹ, du khách thuộc thế hệ 8X có xu hướng thực hiện các hành trình dài hơn để khám phá văn hóa và di sản địa phương. Thời gian lưu trú trung bình tại các điểm đến đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu trải nghiệm du lịch văn hóa sâu sắc và tránh xa những điểm đến phổ biến.  

Theo nền tảng du lịch Fliggy của Alibaba, mức độ quan tâm đến loại hình “du lịch di sản văn hóa phi vật thể” đã tăng 40% trong dịp Tết Nguyên đán. Trên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, hashtag “Tết Nguyên đán trong không gian văn hóa phi vật thể” đã thu hút hơn 330 triệu lượt xem. Theo thống kê từ Meituan Travel, lượng đặt vé máy bay đến các thành phố có di sản văn hóa phi vật thể như Đạt Đồng, Dương Châu, Tuyền Châu và Cảnh Đức Trấn đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước kể từ ngày 1/1/ 2025.

Tìm kiếm về “lễ hội đèn lồng năm Ất Tỵ” trên Ctrip đã tăng gấp đôi. Đáng chú ý, cổ trấn Tân Châu, tỉnh Sơn Tây (miền Bắc Trung Quốc), ghi nhận lượng đặt phòng khách sạn tăng vọt 82% so với cùng kỳ năm trước, sau khi trò chơi đình đám “Black Myth: Wukong” giúp địa danh này trở nên phổ biến hơn.  

“Những địa điểm văn hóa vừa lưu giữ ký ức lịch sử, vừa hòa nhập với cuộc sống hiện đại chắc chắn sẽ phát triển mạnh nhờ vào sự quan tâm và tham gia ngày càng lớn của giới trẻ,” ông Dai Bin, Giám đốc Học viện Du lịch Trung Quốc, nhận định về xu hướng này.

Kỳ nghỉ năm mới đầy thành công của du lịch và bán lẻ Trung Quốc - Ảnh 2

Dòng khách du lịch từ các thành phố lớn đổ về những điểm đến nhỏ, ít được biết đến, trong khi cư dân tại các thị trấn nhỏ cũng lên đường khám phá những vùng đất mới vào dịp Tết đã khiến du lịch nội địa Trung Quốc phát triển mạnh. Trong kỳ nghỉ Tết, số chuyến đi của người dân khu vực nông thôn đạt 123 triệu, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 24,6% tổng số du khách nội địa.

Việc các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn sẵn sàng chi tiêu cho du lịch vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh sự phục hồi của niềm tin tiêu dùng trong nền kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch, đồng thời cho thấy xu hướng chuyển dịch từ chi tiêu cho hàng hóa sang đầu tư vào trải nghiệm.  

BÁN LẺ VÀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC

Một dấu hiệu khác cho thấy niềm tin tiêu dùng đang cải thiện là sự tăng trưởng trong doanh số bán lẻ, đặc biệt là mảng trực tuyến. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh thu từ các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ ăn uống trọng điểm đã tăng 4,1%, trong khi doanh số bán lẻ trực tuyến tăng 5,8% trong kỳ nghỉ lễ.

Doanh số thương mại điện tử tăng trưởng là một trong những xu hướng nổi bật trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, vì nó đã “vượt qua sự chững lại thường thấy trong kỳ nghỉ lễ,” theo Jacob Cooke, CEO và nhà sáng lập nền tảng giải pháp thương mại điện tử WPIC có trụ sở tại Bắc Kinh. Sự thay đổi này phản ánh một số chuyển biến quan trọng trong bối cảnh tiêu dùng tại Trung Quốc. 

Kỳ nghỉ năm mới đầy thành công của du lịch và bán lẻ Trung Quốc - Ảnh 3

“Các thương hiệu và nền tảng thương mại điện tử đã có chiến lược hơn trong việc quản lý hàng tồn kho và thực hiện đơn hàng, đảm bảo hoạt động diễn ra suôn sẻ ngay cả trong giai đoạn cao điểm khi nhiều nhân viên logistics nghỉ Tết,” ông Jacob Cooke giải thích.  

Bên cạnh đó, các thương hiệu đã tận dụng các chương trình khuyến mãi theo chủ đề Tết Nguyên đán, chiến dịch lì xì trực tuyến và sự hợp tác với những người có ảnh hưởng để quảng bá các ưu đãi có thời hạn, giúp duy trì sức mua trong kỳ nghỉ lễ.

GIỚI TRẺ HƯỚNG VỀ TRUYỀN THỐNG

Chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc tăng mạnh một phần là nhờ thế hệ trẻ nơi đây chi nhiều tiền mua sắm trong dịp này. Các khảo sát gần đây cho thấy những xu hướng mới trong cách thế hệ trẻ Trung Quốc đón Tết Nguyên đán, bao gồm ưu tiên sum họp gia đình hơn là đi du lịch, chủ động mua sắm Tết, tự tay chuẩn bị bữa cơm tất niên và tìm kiếm những điểm đến giàu giá trị văn hóa.  

Tờ Southern Metropolis Daily, một nhật báo có trụ sở tại Quảng Châu, đã thực hiện một khảo sát trực tuyến vào tháng 1/2025 với nhóm dân số sinh sau năm 1990. Hơn 40% số người tham gia cho biết họ đã tăng ngân sách chi tiêu cho Tết Nguyên đán, chủ yếu dành cho quà tặng, lì xì và mua sắm hàng hóa Tết (nianhuo).  

Kỳ nghỉ năm mới đầy thành công của du lịch và bán lẻ Trung Quốc - Ảnh 4

Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, thế hệ Gen Z – vốn am hiểu công nghệ và có ý thức tiết kiệm – đang tìm cách nâng cấp các thiết bị gia dụng đã lỗi thời của cha mẹ. Hơn 20% người tham gia khảo sát dự định mua sắm các sản phẩm nhà thông minh và thiết bị kỹ thuật số trong dịp lễ, tận dụng các chương trình trợ giá của Chính phủ và chính sách đổi cũ lấy mới.

Điều này có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp, bởi riêng nhóm Gen Z đã đóng góp khoảng 40% vào thị trường tiêu dùng của Trung Quốc. Theo khảo sát của The Beijing News, 47% người tiêu dùng trẻ lựa chọn mua sắm hàng hóa Tết tại cửa hàng để tận hưởng không khí lễ hội, trong khi 43% vẫn ưu tiên mua sắm trực tuyến.

Các cửa hàng truyền thống có thể tận dụng xu hướng này bằng cách cung cấp các sản phẩm đặt riêng theo nhu cầu gia đình, đồng thời hợp tác với đầu bếp và nghệ nhân địa phương để tạo ra những trải nghiệm mua sắm độc quyền.  

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate