Sáng 27/11/2024, Học viện Cán bộ TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY
Phát biểu mở đầu tọa đàm, PGS-TS. Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, dẫn lại nội dung trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 25/11/2024, Tổng Bí thư đã quán triệt những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và những việc cần làm ngay.
Trong chuyên đề, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về định hướng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới. Từ đó, làm cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định mục tiêu, nhiệm vụ - giải pháp để tự định vị mình, xác lập mục tiêu cùng với lộ trình, giải pháp phù hợp để phát triển, đóng góp và hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Phát nhấn mạnh TP.HCM là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn của cả nước về kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo. Trong mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt hay tình huống khó khăn, TP.HCM đều có những mô hình, cách làm mới mang tính đột phá, sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo cho các địa phương khác.
Trong giai đoạn hiện nay, có thể kể đến những mô hình, giải pháp mà TP.HCM thực hiện trước cả nước và vì cả nước, như: mô hình chính quyền đô thị; thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, các khu công nghệ cao…
"Thực tế này minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, năng động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP HCM", ông Phát nhấn mạnh.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TP.HCM PHẢI CAO HƠN 1,5 LẦN CẢ NƯỚC
Cho rằng cần có nhận thức thống nhất về khái niệm, nội hàm kỷ nguyên vươn mình để từ đó có thể đặt ra những mục tiêu cụ thể, theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đó có thể là kỷ nguyên để TP.HCM vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến lên nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao…
Để tham gia vào kỷ nguyên vươn mình, theo ông Trực TP.HCM cần xử lý ba “điểm nghẽn” hiện nay.
Thứ nhất, giao thông đô thị. Ông Trực cho rằng một thành phố có hơn 10 triệu dân cần hướng tới giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.
Thứ hai, giải quyết rác thải.
Thứ ba là giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.
“Đất đai là sở hữu toàn dân thì toàn dân phải có nhà ở, nhà nước quản lý ra sao mà người không có nhà ở, người thì quá nhiều nhà”, ông Trực nêu ý kiến.
Ông Trực cũng cho rằng TP.HCM cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang tăng trưởng thương mại, dịch vụ… tiến tới nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, hạn chế hóa chất. Sự phát triển của thành phố cần có liên kết vùng; đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 một cách có chọn lọc; chuyển mạnh qua giao thông xanh…
Nhận định trong 03 thập niên qua, vị trí, vai trò của TP.HCM đang ngày càng đi xuống, TS Trần Du Lịch, Nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng đây là kỷ nguyên mang ý nghĩa một thời kỳ mà dân tộc Việt Nam nỗ lực hết mình nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới, nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
"Giai đoạn 2026 - 2035 là giai đoạn có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của dân tộc", ông Lịch nhấn mạnh.
TP.HCM là nơi có điều kiện chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững. Do đó, thành phố cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24, tiếp tục đổi mới quản lý chính sách kinh tế vĩ mô, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Để làm được điều này, ông Lịch cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM ít nhất phải cao hơn trung bình cả nước từ 1,2 - 1,5 lần thì mới thể hiện vai trò dẫn dắt.
Hoạt động kinh tế TP.HCM cũng phải có tính thị trường cao nhất cả nước, mô hình kinh tế XHCN phải được hình thành rõ nét trên 03 khía cạnh: tăng trưởng kinh tế bền vững, tiến bộ công bằng xã hội, phúc lợi người dân và môi trường.
Ngoài ra, TP.HCM phải nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Ba yếu tố này phải vượt trội.
“Lâu nay, TP.HCM là nơi lập nghiệp của nhiều người. Trong thời đại mới, thành phố phải là nơi khởi nghiệp của khu vực”, ông Lịch nêu ý kiến.
LƯỢNG HÓA CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CHÍNH
TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng thành phố cần xác định các chỉ số phát triển để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM trong kỷ nguyên mới.
Chẳng hạn, về chỉ số hạ tầng giao thông, trước năm 2022, TP.HCM gần như không có đường vành đai nào. Tuy nhiên, hiện tại thành phố đã khởi công xây dựng vành đai 3 và trình vành đai 4, khép kín vành đai 2.
Như vậy, trong vòng 05 năm tới, thành phố có hệ thống vành đai tương đối hoàn chỉnh và có thể vận hành trong 10 năm tới. Vành đai 3 cũng mở ra một quỹ đất hơn 2.000 ha mà có thể làm TOD, tạo ra quỹ đất và tạo ra không gian đô thị mới thành phố.
Sắp tới, TP.HCM cũng bắt đầu thực hiện chỉ tiêu hoàn thành 07 tuyến metro còn lại, dài 183 km. TP.HCM cũng đã có kết luận về metro, quyết tâm vận hành metro 2 từ nay đến năm 2030 hay thực hiện chỉ tiêu quyết tâm xóa 46.000 hộ trên kênh rạch trong vòng 05 năm, 10 năm tới.
“Kỷ nguyên vươn mình của TP.HCM phải là lượng hóa bởi các chỉ số hiện tại", ông Vũ nói.
Ngoài ra, chỉ số GRDP của TP.HCM hiện nay nên đạt con số nào để đạt chuẩn của các nước phát triển, trong khi thành phố phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 13.000 USD.
“Trong dự thảo văn kiện của TP.HCM có 05 nhóm trọng tâm và 25 chính sách, trong đó có những vấn đề chính quyền đô thị, đường sắt… nhưng quan trọng nhất là làm sao huy động nguồn lực để thực hiện”, ông Vũ nêu.
Về nguồn nhân lực, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho rằng thành phố có 13 triệu người, lực lượng lao động và tri thức công nghệ chuyên gia, chất xám là thế mạnh và phải được ưu tiên phát huy nguồn vốn này. Đây là nguồn lực vật chất vừa có khả năng đột phá, vừa là yếu tố căn bản cho phát triển bền vững.
Do đó, TP.HCM phải đầu tư cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Nghiên cứu cho phép đột phá vào chuỗi giá trị cao, nắm lấy vị thế quan trọng nhất về kinh tế.
Về chính quyền hành động, TP.HCM phải hướng đến hành động vì nguyện vọng, lợi ích của người dân. Trong đó việc cần làm nhanh là đầu tư vào hạ tầng giáo dục, y tế và nhà ở, giao thông và nâng cao chất lượng cuộc sống.