Theo báo cáo ngành bất động sản của Công ty chứng khoán Mirae Asset, hiện nay Chính phủ đang tích cực tìm hướng ra cho ngành bất động sản. Vì vậy một trong những điều mà Mirae Asset kỳ vọng là Nghị định 65 được sửa đổi để giúp thị trường phần nào bớt khó khăn.
Đơn vị này cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 với nhiều đề xuất như: lùi thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm lại 1 năm, thay vì áp dụng ngay như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu nhưng không quá 2 năm so với kỳ hạn công bố ban đầu. Những kiến nghị này, Mirae Assets cho rằng có nhiều khả năng được chấp thuận, từ đó giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp từ quý 3/2023.
Ngoài ra, đơn vị kỳ vọng mặt bằng chung lãi suất không tăng trong năm nay, trường hợp xấu nhất có thể chỉ tăng nhẹ 1%. “Trước đây, khi lãi suất tăng nhanh đã gây nhiều khó khăn cho thị trường khiến người có nhu cầu mua nhà gần như phải tạm hoãn kế hoạch. Nay lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường, giảm bớt áp lực lãi vay cho cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp”, chuyên gia của Mirae Assets bày tỏ.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đặt mục tiêu xây hơn 1 triệu nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 và đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, cùng nhiều chủ trương khuyến khích người có thu nhập thấp như: hỗ trợ 2% lãi suất cho nhà dưới 2 tỷ trở xuống, sửa đổi Luật Nhà ở, theo đó thắt chặt quy định giao dịch thứ cấp nhà ở xã hội, mặt khác quy định địa phương phải bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội khi lập quy hoạch… cho thấy sự chú trọng đối với phân khúc nhà ở xã hội. Đây có thể là giải pháp phá băng khi cùng lúc giải quyết nhu cầu thực, lại vừa giúp thị trường vượt qua khủng hoảng.
Liên quan đến gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội gói tín dụng này (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt ở giai đoạn 2013-2016 trước đây). Trong đó, chủ đầu tư dự án được dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng vay ưu đãi; dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê, mua nhà vay.
Theo nhiều chuyên gia, gói tín dụng này có ý nghĩa rất quan trọng, vì làm 1 dự án nhà ở xã hội đôi khi phức tạp hơn cả nhà ở thương mại. Dù đồng tình với quan điểm nhà giá rẻ sẽ là động lực giúp lan tỏa sức nóng trở lại cho bất động sản, nhưng doanh nghiệp cần những ưu đãi cụ thể, nhanh chóng. Do đó, gói tín dụng không chỉ làm giảm phần nào áp lực nguồn vốn cho doanh nghiệp, mà còn tạo thêm nguồn vay mua nhà cho người dân, từ đó, thị trường nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có xu hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, các chính sách sách này cần đến đúng đối tượng mới phát huy hiệu quả.
"Nhà ở xã hội giúp các doanh nghiệp có thêm được một phân khúc bất động sản mới trong thời gian tới để cùng tháo gỡ khó khăn cho đầu ra, thay vì quá nhiều sản phẩm tập trung ở phân khúc trung và cao cấp như hiện nay. Việc san sẻ bớt qua phân khúc nhà ở xã hội là nhu cầu thực tế mà người lao động đang cần”, chuyên gia nhận định.