Cung cầu của thị trường luôn biến động và người tham gia nếu dự báo cũng như hành động đúng xu hướng diễn biến cung cầu có thể thu lợi nhuận cao và ngược lại sẽ phải chịu bị lỗ. Ngắn gọn là “ lời ăn, lỗ chịu” chứ không ai có trách nhiệm phải giải cứu ai. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc góc nhìn chủ quan của cá nhân tôi về vấn đề này với mong muốn nhận được những ý kiến phản biện để học hỏi đồng thời đóng góp thêm thông tin đa chiều cho các cơ quan quản lý xem xét đưa ra các chính sách phù hợp, hiệu quả.
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC
Thực tế cho thấy, bên cạnh “bàn tay vô hình” thì rất cần “bàn tay hữu hình” của Nhà nước. Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề này như thế nào để hài hoà lợi ích và nhận được sự đồng thuận của xã hội mới là điều quan trọng.
Vai trò của Nhà nước là phải quản trị hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi, tạo ra lợi thế cạnh tranh giúp cho kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh và bền vững, phục vụ đắc lực người dân.
Quản trị nhà nước tốt, có hiệu quả là các chủ thể quản trị có thể đối mặt và giải quyết thành công mọi thay đổi. Những thay đổi có thể diễn ra bên trong hệ thống quản trị nhà nước của mỗi quốc gia, cũng có thể có sự tác động của môi trường quốc tế đòi hỏi quản trị nhà nước phải có sự thay đổi linh hoạt, không chỉ thể hiện ở sự kịp thời, đúng đắn của các quyết định quản trị, quy định của pháp luật và chính sách được ban hành mà còn biểu hiện rõ nét ở khả năng, sự sáng tạo, linh hoạt đưa ra các giải pháp, các quyết định quản trị có chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi cũng như mong đợi của người dân.
Đại dịch bệnh toàn cầu và chiến tranh là những thay đổi lớn và rủi ro có tính khách quan, bất khả kháng, nằm ngoài tầm kiểm soát của cả Chính phủ và doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch kéo dài hơn hai năm vừa rồi đều gặp khó khăn mang tính khách quan bất khả kháng do bị ngưng trệ, đứt gẫy hoạt động kinh doanh, dẫn đến suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền.
Đây là vấn đề không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trong và sau đại dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Vì vậy, song song với việc điều tra xử lý các doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm để lành mạnh hoá thị trường thì việc Chính phủ chỉ đạo các bộ rà soát để hỗ trợ, tháo gỡ đồng bộ các khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính là rất cần thiết.
Vì vậy, song song với việc điều tra xử lý các doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm để lành mạnh hoá thị trường thì việc Chính phủ chỉ đạo các bộ rà soát để hỗ trợ, tháo gỡ đồng bộ các khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính là rất cần thiết.
Không những thế, cần phải khẩn trương bởi nếu không, sẽ làm mất cơ hội phục hồi phát triển của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung, nhất là trong bối cảnh Chính phủ các nước đều cạnh tranh đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn khách quan cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch.
Để có được một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo ra các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng, có sức cạnh tranh trên thị trường và được khách hàng chấp nhận là không hề dễ dàng mà thường phải qua quá trình cạnh tranh, sàng lọc khốc liệt của thị trường.
Nếu có 1.000 doanh nghiệp thành lập mới năm nay thì sau 5 năm, không ai biết còn bao nhiêu trong số đó có thể tồn tại và thực sự phát triển hiệu quả.
Vì vậy, những doanh nghiệp vượt qua sự sàng lọc phải được xem là tế bào cấu thành nên hạ tầng của nền kinh tế. Họ cần được bảo vệ để duy trì, tạo nền móng vững chắc cho nền kinh tế vận hành một cách hiệu quả.
Nếu chúng ta không thực hiện rà soát, phân tích, đánh giá, nhận diện đúng nguyên nhân khó khăn để phân loại nhằm xử lý, tháo gỡ kịp thời, đồng bộ cho các doanh nghiệp mà để tâm lý cứ thấy doanh nghiệp có biểu hiện khó khăn, suy yếu khả năng thanh toán là nghĩ ngay đến sai phạm là có thể chúng ta sẽ vô tình tự làm tổn thương nền tảng hạ tầng kinh tế đã mất bao nhiêu công sức, thời gian xây dựng.
CHỈ QUẢN LÝ ĐƯỢC KHI ĐO LƯỜNG TỐT
Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp vay vốn kinh doanh sẽ có 3 kịch bản xảy ra.
Kịch bản 1: Sử dụng vốn hiệu quả, kinh doanh thuận lợi và trả gốc lãi đầy đủ;
Kịch bản 2: Sử dụng vốn không hiệu quả, hoạt động kinh doanh không thuận lợi và gặp khó khăn trong việc trả nợ gốc lãi. Sau khi phân tích tìm hiểu thì đánh giá thấy nếu có tháo gỡ, hỗ trợ về quản trị, khách hàng, cơ cấu tài chính… thì doanh nghiệp sẽ có nhiều khả năng phục hồi phát triển kinh doanh hiệu quả để trả gốc lãi vay đầy đủ.
Kịch bản 3: Hoạt động không hiệu quả, gặp khó khăn trong việc trả nợ gốc lãi. Sau khi phân tích tìm hiểu thì đánh giá thấy doanh nghiệp không có khả năng phục hồi dù có giải pháp ứng cứu hay nếu có thì chi phí, công sức ứng cứu quá lớn, không tương xứng với kết quả đem lại.
"Việc cần nhất lúc này là phải rà soát, tìm hiểu, đánh giá để nắm được, hiểu được thực tế khó khăn, cơ hội và phân loại được các doanh nghiệp.
Với nhóm doanh nghiệp nằm ở kịch bản 1 và 2 thì Chính phủ cần thực thi đồng bộ, kịp thời các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ cả về pháp lý, thủ tục hành chính, cơ cấu lại tài chính nói chung và nợ nói riêng cùng với cơ chế khuyến khích… để các cộng đồng kinh doanh chân chính không bị ngưng trệ, đứt gãy hoạt động".
Điều quan trọng nhất là làm sao để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động để vừa tạo sản phẩm hàng hoá, dịch vụ cho xã hội vừa tạo ra sự luân chuyển hiệu quả dòng tiền trong nền kinh tế.
Ngược lại, nếu ngưng trệ, đứt gãy kéo dài thì sớm muộn sẽ cạn kiệt nguồn lực và có thể dẫn đến phá sản kéo theo hàng loạt hệ luỵ như vỡ nợ, sa thải lao động, suy yếu nền kinh tế…
Cùng đó, với nhóm doanh nghiệp rơi vào kịch bản 3 thì cần có cơ chế cho giải quyết phá sản hoặc được mua bán, sáp nhập nhanh nhất để giải phóng nguồn lực của xã hội đang được sử dụng kém hiệu quả. Từ đó, chuyển đến các chủ thể khác có thể sử dụng hiệu quả hơn giúp tối ưu hoá nguồn lực trong nền kinh tế.
Nếu ví nền kinh tế như một cơ thể sống thì chính sách về phá sản doanh nghiệp sẽ có thể được xem như cái dạ dày để sàng lọc giữ lại các doanh nghiệp tốt và đào thải nhanh chóng các doanh nghiệp yếu kém giúp nền kinh tế phát triển khoẻ mạnh.
Nếu chính sách không sàng lọc và xử lý nhanh chóng, hiệu quả các doanh nghiệp yếu kém sẽ tạo ra hiện tượng ăn không tiêu và tích tụ các chất độc hại gây bệnh cho cơ thể.
VỚI NHÓM BẤT ĐỘNG SẢN THÌ SAO?
Phải thấy rằng bất động sản luôn là một trong các lĩnh vực giữ vai trò thiết yếu, có tính nền tảng đối với sự phát triển của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới.
Quản lý tốt, phù hợp, hiệu quả, lĩnh vực này không chỉ tạo ra sự phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản mà còn tạo ra chất xúc tác tích cực đối với cả nền kinh tế.
Theo đó, quy hoạch tốt, sử dụng hiệu quả quỹ đất cho phát triển sản xuất và nhu cầu dân sinh, không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào quan trọng đối với hầu hết hoạt động kinh doanh mà còn tạo ra cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tiếp cận nhu cầu về nhà ở và không gian sinh hoạt một cách công bằng, chất lượng.
Ngược lại, nếu quy hoạch và quản lý yếu kém, lĩnh vực bất động sản không chỉ dẫn tới sự phát triển không lành mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà còn làm tăng chi phí đầu vào của mọi hoạt động kinh doanh khác, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế.
Đồng thời, không đáp ứng được hiệu quả nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của các tầng lớp người dân trong xã hội; thậm chí, còn tạo ra nhiều sự méo mó và bất công đối với mọi chủ thể trong việc tiếp cận thị trường.
Vì vậy, việc giải cứu, tháo gỡ các khó khăn mang tính khách quan, bất khả kháng cho các doanh nghiệp bất động sản hoạt động chân chính, có sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường là rất rất cần thiết, nhằm thúc đẩy sự phát triển hiệu quả, lành mạnh của nền kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, muốn có giải pháp phù hợp, hiệu quả để giải cứu các doanh nghiệp bất động sản cũng phải bắt đầu từ việc rà soát, đánh giá, nhận diện đúng các khó khăn của họ đang hoạt động, công bằng như các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.
Chúng ta không thể giải cứu chung chung, đại trà mà cần giải cứu, hỗ trợ đúng đối tượng bằng các giải pháp phù hợp, đồng bộ với từng đối tượng doanh nghiệp bất động sản.
Ở đó, không chỉ “giải cứu”, hỗ trợ thông qua các giải pháp về vốn, cơ cấu nợ mà còn cung cấp các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ về pháp lý, quy hoạch, thủ tục hành chính, thuế, khách hàng…
Nếu chỉ chú trọng về giải pháp vốn mà không xử lý đồng bộ về pháp lý, quy hoạch, thủ tục, thuế, khách hàng… thì càng bơm thêm vốn sẽ có thể càng mất thêm tiền.