Sáng 28/10, Lễ Khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) chính thức diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ.
NIC CÓ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh kinh tế - xã hội, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng và cơ hội lớn để tham gia cuộc Cách mạng này.
Nắm bắt sớm tinh thần chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với khu vực và thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
Bên cạnh đó, đề xuất thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi cho Trung tâm; hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hàng nghìn chuyên gia, trí thức về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là một ý tưởng được nghiên cứu từ năm 2018 và đến ngày 2/10/2019 đã trở thành hiện thực khi được thành lập bởi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm sở hữu những điểm khác biệt riêng, như là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế đặc thù được quy định tại một Nghị định riêng của Chính phủ và được đầu tư, vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Những nét đặc trưng này được kỳ vọng sẽ biến Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thành hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để bứt phá vươn lên.
“Đến nay, có thể khẳng định rằng, Trung tâm đã đạt được những kết quả quan trọng, là một trung tâm của quốc gia và mang tầm vóc khu vực về đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng khẳng định.
HỘI TỤ HỆ SINH THÁI NĂNG ĐỘNG
Với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, Bộ trưởng cho rằng Trung tâm sẽ là nơi hội tụ một hệ sinh thái năng động trong khu vực, nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và nhân tài trong và ngoài nước, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, đưa các dự án đổi mới sáng tạo phát triển lên một tầm cao mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Lễ Khánh thành hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu sự hình thành của không chỉ một không gian đổi mới sáng tạo của Quốc gia, mà còn là biểu tượng, tượng trưng cho sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cao, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trung tâm không chỉ kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, mà còn kết nối với mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Theo Bộ trưởng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, hành trình đổi mới sáng tạo phía trước còn nhiều gian nan, thử thách và những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn.
Chia sẻ tại Lễ khánh thành, ông Chey Tae-won, Chủ tịch SK Group cho biết kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rất nhiều biến động khó lường như những bất ổn liên quan tới tình hình địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực… Để giải quyết những vấn đề này, các quốc gia cần những giải pháp liên quan tới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số, môi trường và chăm sóc sức khỏe…
“NIC được khánh thành sẽ nơi quy tụ các doanh nghiệp từ các quốc gia khác nhau, các quy mô khác nhau cùng hợp tác để tìm kiếm những giải pháp cho những lĩnh vực và công nghệ trọng tâm”, ông Chey Tae-won nói.
Theo đó, đại diện SK Group cho rằng sự hợp tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp, giữa NIC và SK sẽ mang lại cơ hội phát triển cho 2 bên, đặc biệt trong 3 lĩnh vực nhiều tiềm năng là chuyển dịch năng lượng, công nghệ số và phát triển bền vững.
“Thông qua những giải pháp trọng tâm như phát triển ngành năng lượng hydrogen xanh, thúc đẩy áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), kiến tạo giá trị gia tăng thông qua hỗ trợ khởi nghiệm và đầu tư vào các lĩnh vực môi trường, sản xuất thông minh, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp tiên tiến… Việt Nam có thể hướng tới cam kết net zero”, ông Chey Tae-won kiến nghị.
Cũng tại NIC Cơ sở Hòa Lạc, VIIE 2023 chính thức diễn ra diễn ra từ 28/10 - 1/11 với mục tiêu tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu, Triển lãm sẽ tạo ra sự tương tác và kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng và khám phá năng lực đổi mới sáng tạo, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tiềm năng.
VIIE 2023 tập trung giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến xoay quanh 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC bao gồm: nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen và công nghệ y tế.
VIIE 2023 có khoảng 200 gian hàng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của Việt Nam như Viettel, VNPT, Sovico, Masan, Becamex, VinFast, CT Group, Mobifone; các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, Signify, John Cokerill, và các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu...