November 29, 2021 | 09:55 GMT+7

Kỳ vọng mới về dòng vốn FDI

Anh Nhi -

Những bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, những buổi đối thoại trực tiếp và thẳng thắn giữa doanh nghiệp FDI với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho sự hoạt động trở lại trong giai đoạn “bình thường mới” gần đây đem đến những kỳ vọng mới về sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI trong thời gian tới...

Đã có 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản được ký kết trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đã có 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản được ký kết trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô đã “rơi thẳng đứng” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, trái ngược với đà sụt giảm mạnh này, vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn duy trì ổn định; thậm chí, có thời điểm, nguồn vốn này bật tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước.

DÒNG VỐN MỚI VẪN KHÔNG NGỪNG TĂNG

Tính đến ngày 20/11/2021, theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, vốn đầu tư vào Việt Nam tiếp tục đà tăng, dù tốc độ tăng không cao. Đáng chú ý là vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm tiếp tục duy trì mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ bất chấp những hệ lụy từ tác động của đợt thứ tư đại dịch Covid-19.

Trong 11 tháng qua, có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

“Đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang sụt giảm và có nhiều điều chỉnh do tác động từ đại dịch Covid-19”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Kỳ vọng mới về dòng vốn FDI - Ảnh 1

Trước diễn biến của dòng vốn FDI thời gian qua cũng như triển vọng sắp tới, giới quan sát nhận định, xu hướng đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam từng bước quay trở lại “bình thường mới”, các bản thỏa thuận hợp tác về thương mại và đầu tư giữa các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài được tăng cường ký kết.

Đã có 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản được ký kết trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong số này, có các thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá nhiều tỷ USD như: thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Lạng Sơn trị giá 1,75 tỷ USD; dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD; thỏa thuận hợp tác phát triển khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá 250 triệu USD…

Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Những tập đoàn đã bày tỏ mối quan tâm, cũng như các cam kết đầu tư vào Việt Nam.

Chẳng hạn, Tập đoàn Shionogi mong muốn đầu tư một cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine và thuốc điều trị bệnh tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở đầu tiên của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Tập đoàn Hitachi đề xuất Chính phủ Việt Nam kế hoạch mở rộng đầu tư các dự án trong lĩnh vực môi trường, y tế, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Hay như Tập đoàn Sumitomo cũng mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến việc làm, y tế, giáo dục, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu…

VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA SẢN XUẤT QUAN TRỌNG

Không chỉ kỳ vọng về vốn FDI đăng ký mới, vốn FDI tăng thêm cũng được kỳ vọng bật tăng mạnh mẽ. Chia sẻ về kế hoạch đầu tư tại Việt Nam tại sự kiện “Gặp gỡ châu Âu” do Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức cuối tuần qua, ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, cho biết mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch bùng phát cuối tháng 4/2021, song Bosch vẫn xác định Việt Nam là thị trường đầu tư lâu dài của tập đoàn tại khu vực.

“Với tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển hàng đầu của Tập đoàn Bosch toàn cầu, chúng tôi có lộ trình mở rộng trong 5 năm tới thông qua việc tăng gấp đôi công suất của Trung tâm phần mềm cùng với việc thành lập một chi nhánh mới tại Hà Nội, mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai và thành lập văn phòng công ty tại TP.HCM”, ông Guru cho hay.

Kỳ vọng mới về dòng vốn FDI - Ảnh 2

Tương tự, ông Lionel Adenot, Giám đốc quốc gia Công ty Decathlon cho biết Việt Nam hiện đang là thị trường sản xuất lớn thứ 2 trên toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam luôn là quốc gia sản xuất quan trọng và ưu tiên của Decathlon.

Tuy nhiên, để mở rộng sự hiện diện của doanh nghiệp tại Việt Nam, theo ông Lionel, Việt Nam phải vững vàng bước qua đại dịch từ cấp độ người dân tới doanh nghiệp và Chính phủ. “Trong ngắn hạn, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ việc tiêm phòng đầy đủ cho công nhân làm việc trong tất cả các nhà máy cung ứng, từ đó giảm bớt các hạn chế đi lại cho những người được tiêm chủng, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Lionel nhấn mạnh.

Còn theo ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EC), dù Việt Nam đã cải thiện nhiều để có cải tiến môi trường kinh doanh, song 35% công ty EU đang kinh doanh vẫn cho rằng thủ tục hành chính là rào cản khi triển khai EVFTA.

Để thu hút thêm nhiều dự án FDI lớn từ châu Âu về Việt Nam, cần sửa đổi quy định thu hút đầu tư, vì hiện có những quy định, chính sách đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, ông Giorgio đề nghị.

“Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác, tức là tạo ra sân chơi bình đẳng”, ông Giorgio nhấn mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam cần tăng tốc việc nội địa hóa các hoạt động của chuỗi giá trị trong việc đảm bảo nguyên vật liệu sản xuất, sơ sợi... nhằm mang lại ảnh hưởng tích cực cho cả chuỗi cung ứng, cho phép doanh nghiệp Việt Nam tham gia rộng hơn và sâu hơn vào chuỗi giá trị. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thực hiện chuyển đổi tự động hóa và số hóa các hoạt động, nhằm đạt được năng suất, hiệu quả cao hơn, từng bước bắt nhịp với trình độ của các doanh nghiệp FDI.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate