Phát biểu tại Tọa đàm với chủ đề “Bắc Ninh trên đường công nghiệp hóa” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh quan điểm: "Với các "nam châm" hút FDI, lợi thế không bất biến nên cần có định hướng dài hạn".
Bắc Ninh là một điển hình thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho các địa phương khác tham khảo. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển đánh giá cao các tiêu chí "tiêu chí 2 ít - 3 cao - 5 sẵn sàng" của Bắc Ninh thời gian qua.
"2 ít" là ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất.
"3 cao" là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao.
"5 sẵn sàng" gồm sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch.
Tuy nhiên, ông Vịnh cũng lưu ý cần bổ sung thêm tiêu chí "1 không" - tức là không ô nhiễm môi trường. Bởi mỗi địa phương có tiềm năng vị trí lợi thế khác nhau. Với Bắc Ninh, trong dài hạn cần xem xét lại các nhìn và đánh giá tiềm năng lợi thế, do đây không phải điều bất biến và phụ thuộc vào góc nhìn và lựa chọn tương lai của tỉnh.
"Ví dụ, nhìn vào Bắc Trung Bộ, rõ ràng nếu ngày xưa phát triển kinh tế nông nghiệp thì không có lợi thế gì bởi nhiều thiên tai, dân đông, đất ít… Nhưng nếu lựa chọn phát triển nông nghiệp và dịch vụ thì đây lại là khu vực có lợi thế. Vì vậy, muốn có định hướng dài hạn, thì phải xác định mình muốn gì trong tương lai và đánh giá lại các tiềm năng lợi thế, từ đó đưa ra các định hướng", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cho biết.
Bên cạnh việc thu hút vốn FDI, giữ chân nhà đầu tư cũng như tận dụng cơ hội từ các hợp đồng FDI cũng là những mục tiêu quan trọng của các tỉnh phát triển công nghiệp như Bắc Ninh.
Theo ông Vịnh, mục tiêu tối cao của các nhà đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận và họ tận dụng tất cả những gì thuận lợi để mang lại lợi ích lớn nhất cho họ. Do đó, nếu muốn tận dụng cơ hội từ các FDI, các doanh nghiệp địa phương cần nâng cao năng lực để có thể kết nối với các chuỗi giá trị FDI. "Với Bắc Ninh, một tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tôi thấy cần phải nhìn nhận vấn đề khác đi, phải đặt an sinh xã hội, đời sống, môi trường, phát triển đô thị lên hàng đầu", ông Vịnh nhận định.
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với sự hội nhập diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, hiện tại trong nước vẫn chưa chuyển hóa được để hấp thu trọn vẹn cơ hội từ các hiệp định này.
"Kể cả từ chính sách của Chính phủ, địa phương và cả doanh nghiệp cũng chưa đủ thông tin và năng lực để nắm bắt các cơ hội. Do đó, có rất nhiều việc phải làm. Cần phải làm sao để doanh nghiệp có kiến thức và tri thức, được tư vấn về hệ thống luật pháp quốc tế, điều chỉnh các chính sách sao cho hòa nhập với hệ thống quốc tế", ông Vịnh lưu ý.
Theo đó, doanh nghiệp phải có thông tin đầy đủ, được tư vấn, làm sao để tiếp cận được doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực, tăng khả năng kết nối. Phải có các chính sách giúp họ nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ phải gắn liền với một chuỗi và một nhà sản xuất chính, và bản thân nhà sản xuất đó phải có nhu cầu. Cùng với đó, quy mô thị trường cũng phải phù hợp.
Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có những chia sẻ, hiến kế giải pháp để Bắc Ninh tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao nhằm đưa tỉnh trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại, công nghệ cao trong tương lai.
Theo ông Bùi Hoàng Mai - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, có nhiều nhà đầu tư lớn đến Bắc Ninh tìm hiểu nhưng sau đó lại đến các tỉnh khác. Do đó, tỉnh nhìn nhận rằng, khi vị trí địa lý như nhau thì không còn là lợi thế, quan trọng nhất là hạ tầng, một là hạ tầng cứng như đường sá, cầu cống, điện nước và hạ tầng mềm là con người, hệ thống quản trị thủ tục hành chính.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, trong bối cảnh hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bắc Ninh cần nỗ lực thực hiện các nhóm giải pháp để nông nghiệp thực sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh đến giải pháp cần đẩy mạnh đào tạo cho bà con nông dân theo hướng “trí thức hóa nông dân”, gắn với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, rút bớt lao động ra khỏi khu vực nông thôn và giữ lại đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp”.