January 15, 2023 | 08:31 GMT+7

Kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá vùng tích lũy sau kỳ nghỉ Tết

Hà Anh -

Nhà đầu tư nội có tâm lý “nghỉ tết” sớm là nguyên nhân chính khiến thanh khoản ở mức thấp. Trong khi đó, khối ngoại vẫn tranh thủ mua ròng mạnh (ngoại trừ giao dịch thỏa thuận EIB ở phiên hôm nay 13/1/2023)...

TVSI dự báo chỉ số đi ngang hiện tại có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần tới và VN-Index cần sau kỳ nghỉ lễ mới thay đổi trạng thái.
TVSI dự báo chỉ số đi ngang hiện tại có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần tới và VN-Index cần sau kỳ nghỉ lễ mới thay đổi trạng thái.

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần từ 16-19/01/2023.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, VN-Index tăng +3.78 điểm, đóng cửa 1060.17 điểm. Trong khi đó, HNX-Index -0.68 điểm, đóng cửa 211.26 điểm.

Tận dụng rung lắc, điều chỉnh để trading hoặc mua tích luỹ

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Trong bối cảnh dòng tiền tiếp tục bị suy yếu ở thời điểm cận tết, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co đi ngang trong biên độ hẹp kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Thanh khoản thị trường sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng thấp trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch.

Nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh, rung lắc của thị trường ở thời điểm hiện tại để thực hiện các hoạt động trading hoặc mua tích lũy cổ phiếu”.

Khả năng VN-Index vẫn sẽ đi ngang và có thể sẽ rung lắc mạnh hơn trong những ngày cận Tết

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC)

"Thị trường tiếp tục giằng co trong vùng 1,050-1,065 phiên thứ 7 liên tiếp với thanh khoản ở dưới mức trung bình 20 phiên. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 8/19 ngành tăng điểm. Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành, hôm nay các ngành tăng tốt có thể kể đến Thực phẩm và đồ uống, Ngân hàng, Dịch vụ tài chính,…

Khối ngoại quay đầu bán ròng trên sàn HSX trong phiên cuối tuần, chấm dứt chuỗi mua ròng nhiều ngày trước đó. Mã bị bán ròng nhiều nhất là EIB (-3.4 nghìn tỷ đồng). Trong tuần tới, nhiều khả năng VN-Index vẫn sẽ đi ngang trong vùng 1,050-1,065 và có thể sẽ rung lắc mạnh hơn trong những ngày cận Tết".

VN-Index không có nhiều biến động trong tuần cuối trước khi nghỉ Tết Nguyên đán

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội - SHS)

“Sau tuần giao dịch đầu năm bùng nổ, tuần này thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá mặc dù đà tăng không mạnh mẽ nhưng tạo được trạng thái vận động tích cực, là tuần giao dịch sát kỳ nghỉ tết nguyên đán nên khối lượng giao dịch toàn thị trường trong tuần vừa qua không cao. Chốt tuần VN-Index tăng +8,73 điểm (+0,83%) và đóng cửa ở 1.060,17 điểm.  

Trong 4 tuần cuối cùng của năm 2022 thị trường vận động trong trạng thái điều chỉnh sau đợt hồi phục mạnh trước đó, bước sang năm 2023 VN-Index đã tăng liên tiếp 2 tuần, xu hướng tăng đang được hỗ trợ bởi gian đoạn tích lũy là 4 tuần điều chỉnh, đo đó hoàn toàn có thể kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục có đợt sóng tăng (mang tính chất hồi phục, chưa phải uptrend) tiếp theo.

Với góc nhìn trung - dài hạn, rõ ràng sau giai đoạn dài (1 năm) trong downtrend đã làm mặt bằng giá cổ phiếu giảm mạnh và trở nên hấp dẫn hơn. Mặc dù xét dưới góc độ vĩ mô năm 2023 có thể vẫn còn nhiều khó khăn như: lãi suất có xu hướng tăng và neo cao, nguồn tiền rẻ cạn dần, kinh tế toàn cầu vẫn chưa có tín hiệu tích cực... nhưng mặt bằng giá cổ phiếu đã chiết khấu về mức hấp dẫn như hiện tại sẽ mở ra những cơ hội đầu tư nắm giữ trung dài hạn hấp dẫn.

Việc lựa chọn danh mục cổ phiếu đầu tư trung dài hạn cần tiến hành cẩn trọng và kỹ lưỡng, nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới.

Kết thúc 2 tuần đầu năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực, thị trường mở ra cơ hội giải ngân cho cả ngắn, trung và dài hạn. Tuần tới là tuần giao dịch cuối cùng của năm âm lịch, có thể thị trường sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên nhà đầu tư đặc biệt là những người theo trường phái đầu tư trung, dài hạn (nắm giữ) có thể tiếp tục giải ngân dần để đón đầu giai đoạn tích cực như chúng tôi phân tích vùa nhận định (liên tục trong thời gian qua)”.

Dòng tiền chưa có nhiều cải thiện

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)

"Thị trường vẫn chưa thể vượt được vùng cản 1.065 điểm của VN-Index và lùi bước. Tuy nhiên, thị trường vẫn giữ được mức cân bằng với trạng thái giằng co giữa cung và cầu cho thấy áp lực cung vẫn còn hạn chế. Dự kiến thị trường vẫn còn cơ hội thử thách vùng 1.065 điểm. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng cản để đánh giá trạng thái của thị trường do tín hiệu dòng tiền vẫn chưa có nhiều cải thiện".

Sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index có thể mới thay đổi trạng thái

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)

“Mặc dù có đà tăng tốt trong phiên sáng nhưng áp lực chốt lời tại vùng kháng cự đã nhanh chóng thu hẹp đà tăng trở lại. Sang đầu giờ chiều, áp lực bán mạnh của khối ngoại đã phần nào thu hẹp đà tăng của chỉ số trở lại. Kết phiên, thị trường duy trì tăng nhẹ nhờ lực đỡ của nhóm ngân hàng.

VN-Index kết phiên ở 1060.17 điểm (+3.78 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1069.86 điểm (+3.62 điểm). Thanh khoản giao dịch trong phiên hôm nay tăng trở lại do áp lực chốt lời tại kháng cự với giá trị khớp lệnh trên sàn HSX ghi nhận ở mức 7889 tỷ đồng. Số lượng mã giảm điểm hôm nay vẫn tạm chiếm ưu thế khi trên HSX số mã tăng chỉ chiếm 37.5%, số mã giảm chiếm 44% và còn lại 18.5% là số mã tham chiếu. Khối nhà đầu tư ngoại đã có phiên bán ròng mạnh trở lại sau nhiều ngày mua ròng với giá trị bán ròng lên đến 3045 tỷ đồng trên sàn HSX, chủ yếu do giao dịch thỏa thuận EIB. Lực mua ròng tập trung vào các cổ phiếu: HPG, VHM, VCI, VIC, CTG…Ở chiều ngược lại, họ bán ròng ở các cổ phiếu: EIB, DCM, SAB, NLG, HDB…

VN-Index vẫn tiếp diễn trạng thái như các phiên trước đó khi kết phiên với cây nến Doji cho thấy sự cân bằng giữa cả hai phe mua và bán. Thanh khoản cải thiện trở lại khi áp lực chốt lời gia tăng tại vùng kháng cự khi chỉ số tiệm cận trong phiên sáng. VN-Index tạm thời tiếp tục duy trì vẫn động vùng đi ngang 1.050 - 1.070 biên độ hẹp như chúng tôi đã nhận định trước đó.

Chúng tôi dự báo chỉ số đi ngang hiện tại có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần tới và VN-Index cần sau kỳ nghỉ lễ mới thay đổi trạng thái”.

VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm lên trên mốc 1.060

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)

“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số như VN-Index, VN30, VNMidcap, VNSmallcap hay HNX-Index vẫn duy trì ở mức Tích cực, không thay đổi so với phiên trước đó. Tuy nhiên, VN-Index và VN30 đang nằm khá gần kháng cự trung hạn MA100 ngày.

Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index có thể tiếp tục thể hiện những nỗ lực tăng điểm để bứt lên trên mốc 1060 điểm. Tuy vậy, khi tiệm cận vùng kháng cự quanh 1075 điểm của đường MA100 ngày, lực bán ở vùng giá cao một lần nữa sẽ xuất hiện và tạo ra sự giằng co, phân hóa trên thị trường.

Nếu lực cầu giá cao đủ mạnh để giúp VN-Index đóng cửa trên mốc 1060 điểm, VN-Index có thể hình thành kênh dao động từ 1060-1080 điểm trước kỳ nghỉ Tết âm lịch. Ngược lại, nếu VN-Index đảo chiều giảm để duy trì đóng cửa dưới 1060 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ điều chỉnh giảm để kiểm định hỗ trợ MA10 tại 1050 điểm và thấp hơn là MA20 tại 1035 điểm”.

Nhiều khả năng đà hồi phục sẽ được mở rộng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI – SSI)

“Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục diễn biến đi ngang cho đến khi xuất hiện các phiên xác nhận xu hướng. Trường hợp chinh phục trở lại MA 20 tuần (1.070 – 1.072 điểm), nhiều khả năng đà hồi phục sẽ được mở rộng với vùng mục tiêu gần là 1.080 – 1.100 điểm. Ngược lại, chỉ số có khả năng sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ đầu tiên là MA 20 ngày (quanh vùng 1.033 - 1.035 điểm)”.

Kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá vùng tích lũy sau Tết Nguyên đán

(Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS)

“Thị trường trong nước hoàn tất một tuần đi ngang với thanh khoản sụt giảm so với tuần trước đó. Nhà đầu tư nội có tâm lý “nghỉ Tết” sớm là nguyên nhân chính khiến thanh khoản ở mức thấp. Trong khi đó, khối ngoại vẫn tranh thủ mua ròng mạnh (ngoại trừ giao dịch thỏa thuận EIB ở phiên hôm nay).

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 13.688 tỷ đồng, tăng 36,7% so với phiên hôm qua, tuy vậy bình quân thanh khoản tuần này vẫn thấp hơn 7% so với tuần trước. Đáng chú ý trong phiên hôm nay là giao dịch thỏa thuận ở cổ phiếu EIB đóng góp rất lớn trong mức tăng thanh khoản.

Thị trường có bước khởi đầu thuận lợi ở 2 tuần đầu năm, chỉ số VN-Index tăng 5,27% lên trên ngưỡng 1.060 điểm dù thanh khoản chỉ bằng ½ bình quân năm 2022. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu đã giúp thị trường có sự phân hóa tích cực, nổi bật là các nhóm cổ phiếu như: đầu tư công, chứng khoán, thép, bất động sản, …

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có 2 tuần tăng liên tiếp, vùng cận trên ở 1.064 điểm vẫn là ngưỡng cản khá mạnh khi không có sự ủng hộ từ thanh khoản. Với độ rộng thị trường khá tích cực, nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá vùng tích lũy sau tết âm hoặc vẫn tiếp tục sideway-up nhưng có cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ”.

Cung cầu khá cân bằng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV)

“VN-Index đảo chiều giảm điểm giằng co trong phiên trước khi hồi phục về cuối phiên. Sự hình thành của mẫu nến "doji" cho thấy tương quan cung cầu hiện vẫn đang khá cân bằng và không cung cấp nhiều tín hiệu về mặt xu hướng. Mặc dù rủi ro xuất hiện các nhịp điều chỉnh vẫn còn lấn át trong các phiên tới, cơ hội hồi phục sau đó tại vùng hỗ trợ gần quanh 104x vẫn được chúng tôi đánh giá cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị khống chế tỷ trọng ở mức an toàn và chỉ gia tăng tỷ trọng khi xuất hiện tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn”.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate