December 16, 2020 | 11:29 GMT+7

Lại khổ vì thép nhập lậu

Mạnh Đức

Tình trạng thép nhập khẩu "đội lốt" thép hợp kim nhằm trốn thuế tràn vào thị trường Việt Nam, bán với giá rẻ, diễn ra gần 10 năm trước đây đã khiến nhiều DN thép trong nước điêu đứng. Nay, tình trạng này đang có nguy cơ tái diễn

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp chống gian lận đối với mặt hàng sắt, thép nhập khẩu.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), qua đấu tranh chống gian lận thương mại thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện một số DN nhập khẩu mặt hàng thép không hợp kim, dạng cuộn, cán phẳng khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá.

ĐA ĐẠNG CHIÊU TRÒ TRỐN THUẾ

Chiêu thức đầu tiên mà các DN sử dụng để gian lận thuế đó là lợi dụng sự phức tạp trong cơ cấu sản phẩm cũng như tên gọi, đặc biệt là những sản phẩm mới, là hỗn hợp của nhiều chất hoặc linh kiện khó có thể phân biệt bằng cảm quan để kê khai hàng hóa vào mã số có thuế suất thấp. Đặc biệt, để trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá... DN nhập khẩu cố tình khai sai tên hàng, chủng loại, mã hàng đối với nhiều lô hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu của các DN thường khai báo vào nhóm mã 7208, 7210 nhưng khai vào các mã hàng có mức thuế thấp (thuế suất nhập khẩu: 0% và 5% theo Biểu thuế ưu đãi) mà không khai đúng vào các dòng mã số HS có thuế suất nhập khẩu cao (thuế nhập khẩu: 10% theo Biểu thuế ưu đãi).

Tiếp đến, hàng hóa nhập khẩu của các DN khai báo vào các mã HS thuộc nhóm mã 7208, 7210 nhưng có mức thuế thấp (thuế suất nhập khẩu: 0% và 5% theo Biểu thuế ưu đãi) mà không khai đúng vào các dòng mã số HS có thuế suất nhập khẩu cao hơn để tránh khai vào nhóm mã số 7207 phải chịu thuế tự vệ 15,3%, hoặc các mã HS cùng thuộc nhóm mã số 7210 nhưng phải chịu thuế chống bán phá giá từ 3,17% đến 38,34%.

Thứ ba, hàng hóa khai báo là hàng loại 2 nhưng trên mác thép, trên hồ sơ hải quan không thể hiện là hàng loại 2. Việc này có dấu hiệu các doanh nghiệp lợi dụng khai phẩm chất hàng hóa loại 2 để khai báo trị giá tính thuế thấp, nhằm trốn thuế qua giá. Bên cạnh đó, hàng hóa khai báo là hàng mới 100% nhưng thực tế doanh nghiệp nhập khẩu hàng đã qua sử dụng, hàng tận dụng từ các nhà máy thép tại nước ngoài để nhập về, đa dạng về chủng loại, kích thước trên cùng một lô hàng được đóng trong container, nhằm tránh bị quản lý chính sách mặt hàng đối với sắt, thép phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất.

Trước tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, Tổng cục Hải quan vừa có yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát mặt hàng sắt, thép nhập khẩu. 

Theo đó, Tổng cục yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các Chi cục Hải quan tiến hành rà soát các lô hàng có dấu hiệu rủi ro để lựa chọn các lô hàng/tờ khai trọng điểm, chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa. Thực hiện tham vấn giá đối với các lô hàng khai báo là hàng loại 2 nhưng trên hồ sơ, chứng từ kèm theo bộ hồ sơ hải quan không thể hiện phẩm cấp hàng hóa loại 2. Bên cạnh đó, căn cứ nội dung cảnh báo, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện tại địa bàn quản lý nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tổng cục Hải quan nếu không làm hết trách nhiệm, để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận liên quan tới các hành vi nêu trên tại địa bàn được giao quản lý.

Tổng cục Hải quan giao Cục Thuế xuất nhập khẩu khẩn trương bổ sung các nhóm hàng này vào Danh mục rủi ro hàng hóa về phân loại và áp dụng mức thuế làm cơ sở để kiểm tra phân loại và áp dụng mức thuế đối với mặt hàng thép nêu trên.  Cục Điều tra chống buôn lậu đảm nhiệm rà soát các doanh nghiệp trọng điểm nhập khẩu các mặt hàng nêu trên, phối hợp với Cục Quản lý rủi ro, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan để chuyển luồng, kiểm tra thực tế hàng hóa.

BẢO VỆ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Liên quan đến mặt hàng thép nhập khẩu bị áp thuế chống bán phá giá, ngày 24/10/2019 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3198 áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đó, áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mã HS 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7212.40.11, 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.91, 7212.40.92, 7212.40.99, 7225.99.90, 7226.99.19, 7226.99.99. Mức thuế chống bán phá giá cao nhất được áp dụng là 34,27%, mức thuế thấp nhất được áp dụng là 2,53%.

Mới đây, ngày 10/11/2020, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định 2880 rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mã HS 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7212.40.11, 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.91, 7212.40.92, 7212.40.99, 7225.99.90, 7226.99.19, 7226.99.99 có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), những mặt hàng thép nhập khẩu được cơ quan hải quan cảnh báo về gian lận thuế nhập khẩu, né thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá... có thể liên quan mặt hàng thép không gỉ từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá, sản lượng thép không gỉ nhập từ các quốc gia này không có dấu hiệu tăng đột biến. Trước cảnh báo của cơ quan hải quan, chắc chắn Hiệp hội sẽ rà soát, đánh giá tình hình để trao đổi thông tin với các cơ quan chính xác hơn và nếu cần sẽ có kiến nghị nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong thương mại, bảo đảm cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 11,2 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá hơn 6,65 tỷ USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất cho Việt Nam với hơn 2,99 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD. Chiếm tỷ trọng hơn 26,5% trong tổng lượng và chiếm 28,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, giảm trên 35% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.

Sắt thép có xuất xứ từ Nhật Bản đứng thứ 2 thị trường, với 2,18 triệu tấn, tương đương 1,18 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng, tăng 3,8% về kim ngạch nhưng giảm 18,1% về giá so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau đó là thị trường Hàn Quốc đạt 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 1,06 tỷ USD, tăng 2,1% về lượng, nhưng giảm 10% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019; chiếm 13,3% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 16% trong tổng kim ngạch.

Đánh giá về năng lực sản xuất của doanh nghiệp thép Việt Nam, VSA cho biết, trong vài năm trở lại đây đã được cải thiện rất tốt, đặc biệt nhiều mặt hàng sản xuất trước đây doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia vào công đoạn cuối (nhập phôi để cán sản phẩm). Nay đã tham gia từ đầu (sản xuất từ quặng sắt hoặc phế liệu) có giá trị gia tăng cao hơn, sức cạnh tranh theo đó cũng tốt hơn. Tuy nhiên, VSA nhấn mạnh, để bảo vệ  thành quả đã đạt được, doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cần có sự cạnh tranh sòng phẳng. Nếu hàng nhập khẩu vào Việt Nam lẽ ra bị áp thuế chống bán phá giá mà doanh nghiệp lại lách được, hoặc chuyển đổi từ thị trường này sang thị trường khác để lách thuế thì thiệt hại với ngành thép Việt Nam rất lớn.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành thép, các công ty từ Trung Quốc, nhất là các công ty đang sản xuất sản phẩm thép bị áp thuế chống bán phá giá tại nhiều quốc gia, sẽ tìm nhiều cách thức né thuế để đưa hàng hóa vào Việt Nam. Chẳng hạn như lập công ty sang các nước chưa bị trừng phạt thuế, nhập khẩu ngược trở lại Việt Nam, hoặc làm giả xuất xứ...

Nếu có dấu hiệu trốn thuế chống bán phá giá, gian lận thuế nhập khẩu, thì cần áp dụng một số hình phạt mạnh như: cấm nhập khẩu, trừng phạt rút giấy phép, tự quyết điều tra phòng vệ thương mại... để bảo vệ được sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, nhập phế liệu sắt thép lại khai báo thép mới để hưởng lợi cũng cần phạt nặng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate