Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng ưa thích “thực phẩm quê”, “thịt nhà nuôi rau nhà trồng”.., rất nhiều tiểu thương trên “chợ mạng” đã tung ra các thực đơn nhà làm. Trong dịp cận Tết 2025, chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “tên món ăn + nhà làm”, ngay lập tức hiện ra rất nhiều trang Facebook cá nhân, fanpage hay các hội nhóm rao bán loại thực phẩm này. Những thực phẩm thủ công được rao bán nhiều nhất là: giò chả, lạp xưởng, nem, pate, củ kiệu, khô gà/bò, các loại cá/tôm khô, bánh quy, kẹo hạnh phúc, các loại mứt…
Đa số các sản phẩm được người bán khẳng định 100% làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia và không phẩm màu độc hại. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát bằng mắt thường sẽ thấy các sản phẩm được đóng gói sơ sài, không có tem mác cũng như hạn sử dụng.
Mô hình kinh doanh này chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa người mua và bán. Do đó, bên cạnh những người bán hàng thực sự có tâm, lựa chọn những thực phẩm sạch để bán cho người quen, thì đã có không ít những người đã lợi dụng thói quen tiêu dùng này để bán hàng không đảm bảo chất lượng.
Trên thực tế, các thực phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm và không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần cũng như nguồn gốc nguyên liệu. Người bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Phần lớn các sản phẩm không được kiểm tra, kiểm soát chất lượng bởi cơ quan chức năng.
Cùng với nông sản, hàng loạt “đặc sản” các vùng được rao bán dưới danh nghĩa lấy từ quê gốc. Những đặc sản này được chủ các tài khoản rao bán qua mạng xã hội, cũng chưa từng trải qua cuộc kiểm tra nào liên quan đến an toàn thực phẩm. Các giấy tờ thủ tục kinh doanh cũng không cần thiết. Khi có sự cố thì người bán chỉ cần khóa tài khoản, biến mất. Trong khi đó, các chợ đầu mối vẫn nườm nượp xe hàng về lúc nửa đêm. Các chủ lò mổ gia súc gia cầm vẫn không nắm hết nguồn thịt nhập về...
Điểm nhấn trên thị trường Tết năm nay có thêm một số món ăn độc lạ để phục vụ việc biếu tặng hoặc đãi khách ngày Tết. Chẳng hạn như đùi dê ủ muối thảo mộc, rau khô tiến vua, vịt cỏ sấy khô ăn liền, khô ruột vịt, lạp vịt ăn liền... Những món thực phẩm độc lạ luôn được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn để làm quà tặng và làm phong phú hơn cho thực đơn ngày Tết. Tuy nhiên, khi mua sắm, người tiêu dùng cần phải lưu ý kỹ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Trao đổi với báo chí, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dịp tết là thời điểm nhiều loại thực phẩm "nhà làm" được sản xuất ra thị trường. Nhiều người đã làm bán quanh năm, nhưng dịp tết sẽ tăng số lượng lên hoặc chỉ làm bán vào dịp tết. Do nhà nhà, người người đều tham gia sản xuất bán hàng dẫn đến cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm định an toàn chất lượng.
Ông Thịnh nhận định mạng xã hội hiện nay cũng là phương thức để trao đổi hàng hóa, tuy nhiên đây là cách nhiều sản phẩm kém chất lượng được “tuồn” ra thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trường hợp lên mạng xã hội, nghe quảng cáo mua thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi không rõ nơi sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm. Do vậy đối với thực phẩm cần hạn chế việc mua bán trực tuyến, vì không có gì là đảm bảo, nếu mua phải là sản phẩm nhãn mác rõ ràng.
Ông Thịnh khuyến cáo trước khi mua bất kỳ một loại thực phẩm online nào người tiêu dùng cần lưu ý chọn mua sản phẩm có nguồn gốc uy tín, an toàn; có ngày tháng sản xuất, thời gian sử dụng, cách bảo quản, chế biến và thành phần chính trong thực phẩm... Với những thực phẩm có bao gói sẵn, dù không dán tem truy xuất nguồn gốc cũng cần lựa chọn sản phẩm có nhãn, mác đủ thông tin: thành phần cấu tạo; định lượng sản phẩm; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; cảnh báo an toàn (nếu có)...
Về phía cơ quan quản lý, vấn đề kiểm soát chất lượng nông sản tại nguồn và vai trò của các đơn vị quản lý càng được đặt ra sau vụ việc các cá nhân, đơn vị sản xuất giá đỗ ngâm chất cấm tại Đắk Lắk bị khởi tố. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định rằng vụ việc không chỉ giới hạn ở hệ thống phân phối mà có thể xảy ra ở nhiều nơi khác nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM đã triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm", kêu gọi sự tham gia của các nhà bán lẻ và nhà cung cấp nhằm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn.
Ông Đào Hà Trung, chủ tịch Hội Công nghệ TP.HCM, cho rằng ngoài việc áp dụng tăng cường truy xuất nguồn gốc, các hệ thống phân phối phải kiểm tra chặt nhà cung cấp hơn bằng việc kiểm nghiệm. "Đừng chỉ nhìn vào tờ giấy mà cho hàng vào, thay vào đó tăng tần suất kiểm tra đột xuất mới ra được nhiều vấn đề, và phải công khai kết quả lấy mẫu kiểm tra của hệ thống phân phối, của nhà cung cấp đó. Việc công khai mới tăng yếu tố giám sát, răn đe", ông Trung nhấn mạnh.
Thực tế, việc kiểm soát, hay xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh online không hề dễ dàng. Phần lớn người dùng nếu mua phải thực phẩm kém chất lượng sẽ phản ứng bằng cách không tiếp tục mua hàng nữa thay vì báo với cơ quan chức năng. Chính điều này càng gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm soát chất lượng thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hình thức kinh doanh online ngày càng phổ biến, trong đó có mặt hàng thực phẩm. Phương thức quảng cáo thực phẩm đã dần thay đổi từ trên các phương tiện chính thống, truyền hình, báo đài sang quảng cáo qua mạng và các nền tảng xã hội với đặc điểm rẻ, nhanh, khó kiểm soát. “Do đó, việc giám sát, quản lý, xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cần phải có những thay đổi phù hợp thực tiễn”, ông Long nhấn mạnh.