Trong bối cảnh kinh tế từng chịu nhiều tác động tiêu cực, việc người dân sẵn sàng chi tiêu hơn cho dịp lễ hội là dấu hiệu đáng khích lệ, phản ánh sự phục hồi nhất định của thu nhập và niềm tin vào tương lai kinh tế. Bên cạnh đó, thương mại điện tử bùng nổ giúp thúc đẩy việc sắm Tết online tiện lợi, khiến nhiều người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào "chợ mạng".
Báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết do Metric thực hiện mới đây cho thấy, trong dịp Tết 2025, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử là thực phẩm, đồ uống, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh kẹo, đồ uống không cồn. Tuy nhiên, bên cạnh giá cả, an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng cần được người tiêu dùng ưu tiên hàng đầu.
Trên “chợ mạng” những ngày này, có thể nói từ khóa “bò Aukobe” đang phủ sóng. Giới buôn bán online không ngừng quảng cáo với những lời hoa mỹ như: thịt bò thượng hạng, thịt bò ngon nhất thế giới, vân mỡ cẩm thạch giúp miếng thịt bò mềm ngọt và tan chảy khi ăn... Với chất lượng “tuyệt hảo” như quảng cáo, nhưng thay vì có giá tiền triệu, giá thịt bò Aukobe Úc lại rẻ giật mình, chỉ 220.000 - 270.000 đồng/kg.
Thực tế, Aukobe là tên gọi dành cho loại thịt bò được sản xuất theo quy trình chăn nuôi dựa trên kỹ thuật Wagyu trứ danh của Nhật Bản, kết hợp với quy trình chăn nuôi tiên tiến của Úc. Giống bò Aukobe cũng được lai tạo từ bò Wagyu Nhật Bản với bò Angus của Úc, sau đó được nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn khắt khe, đảm bảo chất lượng thịt đạt chuẩn cao nhất. Tuy nhiên, thịt bò Aukobe tự nhiên, nhập chính ngạch thường có giá dao động từ 500.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng/kg tùy loại.
Còn với thịt bò Aukobe giá rẻ hiện nay, đại diện một số cửa hàng phân phối thực phẩm nhập khẩu cho rằng có thể là hàng sắp hết hạn sử dụng, được các kho hàng xả hàng. Ngoài ra, trên thế giới còn có công nghệ bơm mỡ vào thịt bò để tạo ra những lớp mỡ đan xen phần nạc mà mọi người hay gọi là vân cẩm thạch. Vì sử dụng công nghệ bơm mỡ vào phần thịt nạc nên khi chế biến, miếng thịt bò sẽ hơi bở chứ không săn chắc như miếng thịt bò tự nhiên. Do đó, giá thành của những loại thịt bò này cũng rẻ hơn rất nhiều.
Tương tự, đùi heo muối Tây Ban Nha được coi là nằm trong phân khúc thực phẩm cao cấp, là món ăn khai vị được giới nhà giàu ưa chuộng. Thế nên, năm nào cũng vậy, khi thị trường bước vào cao điểm vụ Tết, nhu cầu mua quà biếu tặng tăng cao, cũng là lúc đùi heo muối đổ bộ thị trường Việt.
Hiện trên thị trường, có giá cao nhất là đùi sau (chân sau) của heo Iberico Bellota thuần chủng 100%, được gắn nhãn heo đen. Loại heo này chăn thả tự do trên cánh đồng, thức ăn chính là hạt dẻ sồi, đậu, thảo dược và ngũ cốc với quy trình chăn nuôi rất khắt khe. Phần đùi heo được ướp muối biển tự nhiên trong vòng 7 - 10 ngày, sau đó được đem rửa sạch và để khô tự nhiên.
Tiếp theo, đùi heo sẽ trải qua quá trình ủ muối 48 tháng huyền bí của người Tây Ban Nha, một chiếc đùi heo ban đầu có trọng lượng 13 - 15 kg cho đến khi là thành phẩm cân nặng chỉ còn 7 - 10 kg. Loại đùi heo có xương trọng lượng 10 kg/chiếc được bán với giá gần 4 triệu đồng/kg. Còn đùi heo muối rút xương có trọng lượng 4,5 - 6 kg thì mức giá dao động trong khoảng 29 - 38 triệu đồng/kg.
Ở phân khúc tầm trung, đùi heo muối làm từ heo trắng, đùi mini… còn đắt khách hơn vì giá chỉ 1 - 6 triệu đồng/chiếc, hợp với túi tiền chi tiêu Tết của nhiều gia đình. Đáng chú ý, không chỉ có khách lẻ, những loại đùi heo muối này còn đắt khách mua sỉ. Đại diện một cửa hàng chuyên bán đùi heo muối Tây Ban Nha online cho biết cửa hàng đang có gần 50 khách mua sỉ và cộng tác viên bán đùi heo muối dịp Tết Ất Tỵ này. Do đó, lượng hàng bán ra mỗi ngày đều rất lớn, lên tới 200 - 300 chiếc đùi heo các loại.
Hết thịt lại đến rau, những ngày này có một loại rau khô Trung Quốc được quảng cáo là “đặc sản tiến vua”. Tại một chợ đầu mối online có hơn 150.000 thành viên, loại rau tiến vua này được rao bán với giá 270.000 đồng/kg. Các bài viết cho biết cho biết rau tiến vua còn được gọi là rau công sôi, rau cần biển hay rau cần khô, có nguồn gốc từ tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Rau khô này chỉ cần ngâm trong nước cho nở ra rồi có thể đem chế biến thành các món xào, nộm, muối chua…
So với giá các loại rau khô khác, rau tiến vua là mặt hàng đắt đỏ. Do đó, nhiều gia đình còn coi là đặc sản quý, không chỉ mua về dùng mà còn làm quà biếu tặng dịp lễ Tết. Ở nước ta hiện nay, loại rau tiến vua này được trồng ở nhiều tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Song, trên thị trường rất khó phân biệt đâu là hàng nội địa sản xuất và đâu là hàng có xuất xứ Trung Quốc.
Với thị trường trái cây, kiwi là loại quả kén người mua, lượng hàng bán ra không nhiều vì chỉ phục vụ cho giới nhà giàu. Thế nhưng, kiwi có xuất xứ từ Trung Quốc đang được rao bán tại Việt Nam thời gian gần đây lại có giá rẻ không tưởng. Trên chợ mạng, một thùng kiwi xanh 10kg được rao bán 200.000 đồng, tương đương 20.000 đồng/kg. Điều đáng nói, không ít tài khoản mạng xã hội đã mập mờ, đánh lừa người tiêu dùng về nguồn gốc của sản phẩm.
Nhìn ngoại hình của kiwi có thể thấy đó là những trái kiwi xuất xứ Trung Quốc nhưng lại được gắn mác kiwi Zespri - một sản phẩm nổi tiếng của New Zealand. So với các loại kiwi trồng ở New Zealand, Australia thì quả kiwi trồng tại Trung Quốc không ngọt và thơm bằng. Kiwi xanh có hương vị đậm hơn và hơi chua trong khi kiwi vàng có vị ngọt dịu nhiệt đới.
Có thể thấy, cùng với thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm nhập khẩu cũng đang ồ ạt đổ vào thị trường cận Tết. Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, bước vào cao điểm mua sắm Tết, Sở đang tập trung vào các chiến dịch: Tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn; Phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là rượu; Tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm...
Nhiệm vụ của Sở ATTP đặt ra là phải tuyên truyền cho người dân về thông tin các thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, không nên ham rẻ, mua bất chấp vì như thế là tiếp tay cho những sản phẩm bất hợp pháp, hàng hóa kém chất lượng. Bà Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ mong muốn cộng đồng người tiêu dùng ủng hộ những doanh nghiệp hợp pháp, lưu tâm đến vấn đề quản lý chất lượng những sản phẩm ăn uống mỗi ngày. Mỗi người phải tự có trách nhiệm với bếp ăn của gia đình mình, ưu tiên hàng đầu là lựa chọn thực phẩm sạch cho chính mình và gia đình.