January 08, 2025 | 09:12 GMT+7

Lãi suất cao khiến doanh nghiệp Mỹ phá sản nhiều nhất 14 năm

An Huy -

Số vụ phá sản doanh nghiệp ở Mỹ trong năm 2024 tăng lên mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, do lãi suất cao và nhu cầu tiêu dùng yếu đi khiến nhiều công ty không trụ nổi...

Lối vào một tòa án bảo hộ phá sản ở Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Lối vào một tòa án bảo hộ phá sản ở Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Tờ báo Financial Times dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu S&P Global Market Intelligence cho biết có ít nhất 686 công ty Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án nước này trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023 và nhiều hơn con số của bất kỳ năm nào kể từ 2010 - năm có 828 công ty Mỹ lâm cảnh phá sản.

Số doanh nghiệp phải tìm đến các biện pháp ngoài tòa án để ngăn chặn phá sản cũng tăng lên trong năm ngoái, với tỷ lệ 2-1 so với số vụ phá sản, theo dữ liệu của Fitch Ratings. Hệ quả là chủ nợ được ưu tiên của các doanh nghiệp có tổng nợ từ 100 triệu USD trở lên đạt được tỷ lệ thu hồi nợ thấp nhất kể từ ít nhất năm 2016.

Vụ sụp đổ của công ty bán lẻ hàng hóa phục vụ tiệc tùng Party City được coi là vụ phá sản doanh nghiệp điển hình ở Mỹ trong năm qua. Cuối tháng 12, công ty này nộp đơn xin bảo hộ phá sản lần thứ 2 trong vòng 2 năm, sau khi mới xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ - cho phép tái cơ cấu lại doanh nghiệp - vào tháng 10/2023. Lần phá sản mới nhất, Party City cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ 700 cửa hiệu trên toàn quốc do “môi trường kinh doanh đã trở nên rất khó khăn vì áp lực lạm phát đối với chi phí và mức chi tiêu của người tiêu dùng, bên cạnh các yếu tố khác”.

Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đã suy yếu khi các khoản tiền kích cầu thời đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được tiêu hết. Nhu cầu yếu đi đã gây tác động tiêu cực lên các công ty dựa vào chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng. Các vụ phá sản lớn khác vào năm ngoái bao gồm nhà sản xuất đồ bảo quản thực phẩm Tupperware, chuỗi nhà hàng Red Lobster, hãng hàng không Spirit Airlines và nhà bán lẻ mỹ phẩm Avon Products.

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY, cho biết: “Chi phí hàng hóa và dịch vụ liên tục tăng cao đang đè nặng lên nhu cầu của người tiêu dùng. Gánh nặng này đặc biệt lớn đối với các gia đình có mức thu nhập thấp hơn, nhưng ngay cả những hộ có mức thu nhập trung bình và cao hơn cũng thấy phải thận trọng hơn trong chi tiêu”.

Sức ép đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã giảm bớt phần nào khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu giảm lãi suất. Tuy nhiên, Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất chậm lại trong năm 2025, với tổng mức giảm chỉ nửa điểm phần trăm cho cả năm, thay vì 1 điểm phần trăm như dự báo trước đó.

Trong 2 năm 2021 và 2022, có tổng số 777 doanh nghiệp Mỹ phá sản. Đó là khoảng thời gian lãi suất ở Mỹ thấp hơn nhiều so với hiện nay do Fed giảm lãi suất để vực dậy nền kinh tế suy sụp vì đại dịch.

Con số doanh nghiệp phá sản ở Mỹ đã tăng lên 636 vào năm 2023 và tiếp tục tăng trong năm 2024 ngay cả khi lãi suất bắt đầu giảm vào cuối năm 2024. Theo S&P, ít nhất 30 doanh nghiệp trong số những công ty nộp đơn xin phá sản năm ngoái có khoản nợ ít nhất 1 tỷ USD tại thời điểm nộp đơn.

Về mặt lịch sử, nhìn chung số vụ phá sản ở Mỹ xấp xỉ ngang bằng với số doanh nghiệp phải tìm đến các biện pháp ngoài tòa án nhằm giảm nguy cơ phá sản.

Giám đốc cấp cao Joshua Clark của Fitch Ratings cho biết những biện pháp như vậy - hay còn gọi hoa mỹ là hoạt động quản lý nghĩa vụ nợ - ngày càng trở nên phổ biến và chiếm phần lớn trong số các vụ vỡ nợ doanh nghiệp Mỹ trong những năm gần đây. Xu hướng đó tiếp tục diễn ra vào năm 2024. Những biện pháp như vậy thường được coi là phương án cuối cùng để tránh việc phải xin tòa án bảo hộ phá sản. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp rốt cục vẫn phải phá sản vì không giải quyết được các vấn đề về hoạt động.

“Có thể lợi nhuận của công ty tăng lên, hoặc lãi suất giảm xuống, hoặc cả hai yếu tố này kết hợp, sẽ giúp chặn đứng nguy cơ phá sản”, ông Clark nói. Ông cho biết thêm rằng các biện pháp quản lý nghĩa vụ nợ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các chủ nợ của doanh nghiệp, vì sẽ làm gia tăng thêm mức nợ so với số nợ vốn có.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate