Trong 2 ngày trước kỳ nghỉ lễ dài, dự báo nhu cầu thanh khoản tăng, thông qua kênh mua bán kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời cung ứng một lượng tiền ra thị trường.
Cụ thể, trong tuần trước (29/8 – 31/8), chỉ trong 3 ngày giao dịch, nhà điều hành tiền tệ đã bơm ra khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng thông qua kênh OMO với lãi suất tăng lên 4,5% cho kỳ hạn 7 ngày.
Bên cạnh đó, nhờ lượng tín phiếu đáo hạn tương đối lớn (35 nghìn tỷ đồng), tổng cộng Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 53 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở trong tuần trước.
Mặc dù đã có hành động can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước nhưng thanh khoản hệ thống vẫn căng thẳng. Thể hiện rõ nhất ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được đôn lên mặt bằng mới. Lãi suất qua đêm nhảy lên mức 4,5%, tương đương tăng 1,05 điểm phần trăm so với tuần liền trước.
Các ngân hàng thương mại đang tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất khá cao, khoảng 4,5%/năm thay vì chỉ 2,5%/năm trước đây.
Và ngay phiên đầu tiên thị trường mở cửa trở lại sau lễ, trước diễn biến lãi suất VND tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 15.000 tỷ đồng qua OMO ngày 5/9, có tới 13 thành viên phải mượn vốn ở đây. Tất nhiên, ngoài việc bơm ròng trên OMO, Ngân hàng Nhà nước cũng đồng thời ngừng phát hành tín phiếu để dừng hút tiền về.
Cũng giống các phiên giao dịch tuần trước, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là chưa đủ. Lãi suất liên ngân hàng một lần nữa lại tăng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm dừng ở 5,17%/năm, lãi suất kỳ hạn dài hơn đã tiến gần mức 5,5%/năm.
Thậm chí, theo ghi nhận của một thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng ngày 6/9, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã chạm mức 5,44%/năm, mức cao nhất của gần 7 năm trở lại đây. Lần gần nhất, mức lãi suất này bật tăng như vậy là hồi đầu tháng 2/2016, tức rơi vào mùa cao điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Giới chuyên môn cho rằng, trong ngắn hạn, có 3 yếu tố chính đang đẩy lãi suất liên ngân hàng lên mặt bằng mới.
Thứ nhất, tính mùa vụ. Tính mùa vụ này được thể hiện tại thời điểm trước một kỳ nghỉ lễ, khi nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao; hoặc vào cuối mỗi quý trong năm, khi doanh nghiệp bắt đầu chi trả thanh toán cho các hợp đồng ký kết kinh doanh. Và như đã nêu, Việt Nam vừa trải qua kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài tới 4 ngày.
Thứ hai, nghiệp vụ bán ngoại tệ giao ngay và kỳ hạn vẫn thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước duy trì nhằm ổn định tỷ giá. Theo đó, khi USD được đẩy ra thị trường cũng đồng nghĩa một lượng VND đã bị hút bớt về.
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, hiện tỷ giá USD/VND vẫn chịu nhiều từ xu hướng mạnh lên của đồng USD quốc tế và không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD.
Thứ ba, chiều ngày 5/9, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các trường hợp có đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu đã giao đầu năm. Như vậy, nhiều khả năng, trong ngày hôm nay 6/9 hoặc muộn là 7/9, văn bản về điều chỉnh hạn mức tín dụng bổ sung sẽ chính thức tới tay các ngân hàng thương mại. Do đó, một số ngân hàng đã rục rịch cho mở lại hoạt động giải ngân vốn đã bị ùn ứ lâu nay. Điều này cũng phần lý giải cho diễn biến thanh khoản căng thẳng cục bộ vài ngày gần đây.