July 05, 2021 | 17:21 GMT+7

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 7/2021?

Gần đây có đề xuất đưa lãi suất tiết kiệm về 0%, tuy nhiên thị trường lại cho thấy biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng không những giảm mà còn có xu hướng tăng...

Như VnEconomy đã đưa, động thái tăng lãi suất tiết kiệm xuất hiện nhiều hơn trong tháng trước. Thậm chí, tại biểu lãi suất tháng 7/2021, đã có “ông lớn” điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp điều chỉnh giảm nhẹ.

ĐÃ CÓ "ÔNG LỚN" TĂNG LÃI SUẤT

Ghi nhận trên thị trường tiền tệ tuần cuối tháng 6/2021, lãi suất liên ngân hàng dao động chủ yếu theo xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 30/6, các mức lãi suất dừng tại qua đêm 1,14%; 1 tuần 1,34%; 1 tuần 1,44% và 1 tháng 1,54%.

Tại diễn biến khác, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/6/2021, tăng trưởng tín dụng và huy động so với đầu năm lần lượt là 5,47% và 3,13%.

Chỉ báo lãi suất liên ngân hàng tăng cho thấy tiền không còn dồi dào như trước. Cùng với việc tăng cho vay nhưng huy động chậm, nhiều ngân hàng đang phải kéo co thanh khoản.

Đáng chú ý, có khoảng 10 ngân hàng đã nộp đơn xin phép nới room tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đang xem xét.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, trường hợp các ngân hàng được nới room tín dụng, đồng thời đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm, trong khi lãi suất huy động thấp sẽ khiến chênh lệch huy động – cho vay càng ngày càng nới rộng.

“Khi đó, thanh khoản các ngân hàng có thể chưa căng thẳng ngay nhưng sẽ không còn dồi dào như trước”, ông Tuấn Anh nhận định.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng ngay từ đầu quý 3/2021 với mức tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm. Trên thực tế, xu hướng tăng lãi suất huy động đã có từ cuối quý 2/2021.

Gần nhất và điển hình nhất, Viecombank vừa tăng lãi suất huy động tiết kiệm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, lãi suất huy động ngân hàng này kỳ hạn 1 và 2 tháng nhích lên 3,1%/năm; 3 tháng lên 3,4%/năm; 6 tháng là 4%/năm.

Trước đó một số ngân hàng tăng biểu lãi suất huy động hoặc thêm sản phẩm tiết kiệm mới có lãi suất cao hơn như SHB, BacABank, TPBank…

Tuy nhiên, cũng còn trường hợp giảm nhẹ lãi suất huy động như Sacombank. Ngân hàng này giảm lãi suất huy động 0,2 điểm phần trăm, kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3%/năm; 3 tháng còn 3,4%/năm; 6 tháng còn 4,8%/năm, 12 tháng còn 5,5%/năm…

Hay như tại VPB cũng giảm nhẹ lãi suất huy động 0,1 điểm phần trăm, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3 - 3,4%/năm, 3 tháng từ 3,6 - 4%/năm. Nhưng lãi suất ở các kỳ hạn trên 6 tháng của ngân hàng này lại tăng trên 0,2 điểm phần trăm như 6 tháng lên 4,5 - 5%/năm; 12 tháng lên 6 - 6,5%/năm…

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?

Về bảng xếp hạng mức lãi suất cao nhất tháng 7/2021, ngân hàng OCB vẫn duy trì ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng.

Tiếp sau là ACB với mức 7,4%/năm. Ngân hàng này áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.

Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn được Techcombank ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm.

Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; MBBank và VietABank cùng 6,9%/năm… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên.

Ở phía cuối của bảng xếp hạng là nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Trong đó BIDV, VietinBank, Agribank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.

Riêng Vietcombank trong tháng 7 có động thái tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn gửi. Song mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này vẫn ghi nhận được ở mức 5,5%/năm. Đồng thời đây cũng đang là mức lãi suất huy động thấp nhất trong số 30 ngân hàng được khảo sát.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 7/2021? - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate