

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có những mục tiêu về khát vọng làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược, công nghệ lõi của Việt Nam. Là doanh nghiệp về công nghệ và đeo đuổi chiến lược làm chủ công nghệ, ông cảm nhận như thế nào về những khát vọng được đưa ra trong Nghị quyết quan trọng nêu trên?
Phải khẳng định mong ước làm chủ công nghệ là mong ước của tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam, cũng là mong ước muôn đời của tất cả các dân tộc trên thế giới không muốn bị thống trị, không muốn bị áp bức, lệ thuộc.
Lâu nay chúng ta hay nói đến làm chủ công nghệ nhưng làm chủ công nghệ gì, có cạnh tranh quốc tế hay không. Thử kiểm đếm trong từng ngành: cơ khí chính xác, tự động hóa, sinh học, y tế, công nghệ thông tin,… thì ngành nào là mũi nhọn, ngành nào cạnh tranh quốc tế được, hay ngành nào làm chủ được công nghệ.
Như vậy, trong từng ngành phải xác định mũi nhọn là gì? Ai làm? Làm chủ công nghệ là như thế nào? Liệu điều đó có kiếm được tiền hay không, có khả năng cạnh tranh quốc tế được hay không? Tại MK Group, đây chính là những câu hỏi quan trọng để chúng tôi giải bài toán làm chủ công nghệ của mình.

Quan điểm cũng như chủ trương làm chủ công nghệ đã được đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết trước đây, nhưng tại Nghị quyết 57 có rất nhiều nội dung mới mang tính “phá rào cơ chế” hay táo bạo như “mua bán, sao chép công nghệ tiên tiến của thế giới”. Ông nhìn nhận như thế nào về cách tiếp cận làm chủ công nghệ, khoa học và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại Nghị quyết 57?
Theo tôi, đây là góc nhìn mới, chấp nhận rủi ro, chấp nhận đầu tư và mở cho các nhà khoa học để phát triển, nghiên cứu. Tuy nhiên, cần phát triển theo kiểu đơn hàng, ví dụ đất nước đang có những vấn đề gì và đổi mới sáng tạo, công nghệ có thể giúp gì những vấn đề đó, ai là người có thể làm, giải pháp như thế nào, Nhà nước đầu tư tiền ra sao.
Đó phải là hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Đơn cử như Nhà nước cần làm căn cước công dân thì mời tất cả những doanh nghiệp làm thẻ (căn cước) giỏi nhất, Nhà nước trả tiền, doanh nghiệp tự đầu tư và tất nhiên dựa trên nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Nhà nước đang tính làm đường sắt tốc độ cao, là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước trong thời gian tới. Vậy thì người Việt có làm được đường sắt tốc độ cao hay không? Cái gì là công nghệ mấu chốt của đường sắt cao tốc? Doanh nghiệp nào tham gia được? Nếu không thì hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài và làm một phần và doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Như thế, Nhà nước là người tạo ra chính sách, tạo ra cuộc chơi và để người Việt Nam đóng vai trò làm chủ và có cơ hội hấp thụ các công nghệ của nước ngoài, tiến tới làm chủ công nghệ đó trong tương lai.
Cuộc chơi phải như thế. Nhà nước tạo ra sân chơi và có hội đồng có chuyên môn cao. Những cá nhân xuất sắc sẽ giải quyết tất cả những vấn đề đó.
Trong giới khoa học, công nghệ và rất nhiều người làm về đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp rất phấn khích về Nghị quyết 57 của Trung ương Đảng, nhưng cuối cùng vẫn là hành động. Phải có những nhà công nghiệp, nhà chiến lược, những nhà công nghệ,…cuối cùng vẫn phải là nội lực.
Chúng ta cũng cần kéo những Việt kiều xuất sắc về Việt Nam, để “chơi cuộc chơi” trong nước và hiểu các vấn đề của Việt Nam, những vấn đề thay đổi hàng ngày, hàng giờ và muốn làm.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các mâu thuẫn, quyền lợi, cạnh tranh vị thế và cả xung đột trên thế giới cơ bản đều xoay quanh các vấn đề về công nghệ như chip bán dẫn, AI, công nghệ an ninh mạng,… thì việc Việt Nam đặt vấn đề làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, có ý nghĩa như thế nào, theo góc nhìn của ông?
Bối cảnh địa chính trị hiện nay thay đổi rất nhiều, trên chuỗi cung ứng cũng thay đổi nhiều. Việt Nam đang có những lợi thế nhất định về địa chính trị, có quan hệ với tất cả các nước và một nền kinh tế rất mở.
Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên tới hơn 100 tỷ USD nhưng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng tăng lên một cách đáng kể, điều đó cho thấy sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI đang có nhà máy ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Công nghiệp của Việt Nam đang phát triển theo hướng đó, nhưng doanh nghiệp FDI làm chủ chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam. Vậy Việt Nam đang ở đâu? Có bao nhiêu kỹ sư đang tham gia đóng góp trong chuỗi ấy hay chỉ là kỹ sư đứng máy? Ai là người làm R&D, ai làm điện tử, làm cung ứng,… hay tất cả đều của nước ngoài?
Nền kinh tế xuất khẩu lớn sẽ không thiếu ngoại tệ nhưng cũng dễ bị tác động. Trong một chuỗi giá trị rất nhiều thứ thì từng ngành sẽ làm gì. Trên thế giới anh “ăn” được nhiều nhất không phải là sản xuất mà là người có công nghệ lõi. Nguyên vật liệu cũng là công nghệ lõi và có những loại vật liệu rất đặc biệt, giá trị.
Vấn đề của các nhà khoa học là phải nhìn rất rõ, nếu là khoa học ứng dụng thì phải ra kết quả, phải làm được cái gì hoặc cuối cùng phải có bứt phá. Những người kiếm được nhiều thường có cái gì đó rất bứt phá, như có nhiều người dùng, nhiều người xem. Tiktok là một điển hình.
Muốn làm gì cũng phải có sự bứt phá. Bứt phá còn để tạo ra sự khác biệt. Không cạnh tranh được bằng khác biệt thì phải cạnh tranh bằng thương hiệu. Ở thành phố Boston, Mỹ, hãng Nike tuyển hàng trăm nghìn người Việt làm việc cho họ và quản lý chủ yếu là người Đài Loan, chi phí làm ra sản phẩm chỉ hết 20 USD nhưng bán tới 100 USD vì thương hiệu của họ. Cuối cùng họ bao phủ thị trường, bao phủ khách hàng và làm chủ cả chuỗi. Đó là sự khác biệt.
Trong buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đầu tháng 3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ về vấn đề tạo đột phá cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có nêu "người dân và doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm". Tôi hoàn toàn đồng tình với chia sẻ này. Ở nhiều quốc gia, Nhà nước thường làm những gì mà tư nhân không làm được, những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm.

Nghị quyết 57 đặt ra những mục tiêu, kế hoạch rất tham vọng và cũng đầy khát vọng, ví dụ như từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh… Vậy theo ông, khả năng nội tại của Việt Nam để thực hiện các mục tiêu hay khát vọng trên là như thế nào?
Theo tôi, nên tạo ra nhiệm vụ cụ thể, giống như chuyển đổi số, trước có Ban chỉ đạo 06 họp thường xuyên, làm thường xuyên, ép từ trên xuống dưới từ dưới lên trên nên đạt được trong thời gian rất ngắn. Khi triển khai căn cước công dân mọi người không nghĩ là có thể làm được.
MK chúng tôi là đối tác của Bộ Công an để sản xuất thẻ căn cước công dân. Trong chiến dịch làm căn cước công dân, có ngày chúng tôi in được 430 nghìn thẻ, để làm được như vậy thì hoàn toàn phải tự động, kiểm tra kiểm soát, làm sao dữ liệu in trên thẻ, dữ liệu ảnh, dữ liệu dấu vân tay, dữ liệu trên chip phải đồng nhất trên cơ sở dữ liệu và trên thẻ. Để làm được thì MK đã phải chuẩn bị từ 10 năm trước.
Theo quan sát của tôi, có rất nhiều người Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc làm ở vị trị quản lý cấp cao của các tập đoàn toàn cầu, sau đó đã bước ra khởi nghiệp và phát triển thành những công ty lớn mạnh đa quốc gia. Đơn cử như các công ty công nghệ hầu hết ở Ấn Độ, phát triển ở tầm cao và nhiều công ty chứ không phải ít ỏi.
Người Việt Nam làm quản lý cho các công ty đa quốc gia cũng nhiều, người Việt lại rất đam mê công nghệ, nhưng chúng ta không có khát vọng lớn, không có khát vọng bứt phá, hoặc bằng lòng với những gì mình có, bởi vậy có rất ít người Việt làm trong các công ty đa quốc gia này đứng ra khởi nghiệp và phát triển thành những startup thành công ở tầm thế giới. Đây cũng là điều mà chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu, nếu phía trước là mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam có tầm và vị thế cao trên thế giới.

Như đề cập ở trên, trong Nghị quyết 57, Việt Nam đặt mục tiêu từng bước làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược. Vậy theo ông, như thế nào thì được xem là công nghệ lõi, công nghệ chiến lược?
Công nghệ lõi có rất nhiều, ví dụ như công nghệ về vũ trụ (space), về chip, những công nghệ sinh học, công nghệ y tế giúp sức khỏe làm sao kéo dài tuổi thọ, chữa bệnh,… đều là lõi và lõi ở đây có tính cạnh tranh lâu dài. Tại MK Group chúng tôi có một số công nghệ lõi tiêu biểu như công nghệ cơ điện tử để làm con quay hồi chuyển, camera AI, động cơ tua-bin khí, các công nghệ máy làm trong các khâu mà con người không có lợi thế, như: khâu kiểm tra, phát hiện, loại bỏ lỗi trong quá trình sản xuất, nghiệm thu sản phẩm hay theo dõi để đưa ra các cảnh bảo an ninh an toàn trong quá trình vận hành sản xuất.
Tất nhiên ngày hôm nay là công nghệ lõi, như quả tên lửa chẳng hạn, vì có tiền cũng không mua được. Nhưng quả tên lửa ấy sau cải tiến có thể cũng không phải lõi nữa, do đó rất liên quan tới thời điểm.
Cái gì mà tạo ra giá trị cao và chiến lược cho một quốc gia, như về quân sự, kinh tế, y tế, hay vật liệu mới, năng lượng mới… thì đều là công nghệ lõi. Công nghệ lõi, công nghệ chiến lược phải là: (i) giải quyết cấp thiết, cần thiết và chiến lược lâu dài cho một đất nước; (ii) mang lại giá trị lâu dài, bền vững và tạo ra thay đổi vị thế của một dân tộc, đất nước.
Công nghiệp quốc phòng cũng rất quan trọng về “lõi” và vị thế của đất nước. Tôi yêu quí đất nước nào thì mới có những hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với đất nước đó chứ không phải có tiền là mua được. Trong ngành văn hóa xã hội, hay kinh tế cũng vậy, phải có những nhà chiến lược. Chiến lược ở đây là tầm quốc gia, tầm thế giới.

Nhìn rộng ra toàn cầu, hiện nay các quốc gia đang đầu tư, tập trung vào những công nghệ chiến lược, công nghệ lõi gì, thưa ông?
Đầu tiên, các quốc gia phát triển công nghệ họ có các quỹ đầu tư, đó là động lực để họ phát triển. Họ cũng có những cá nhân rất xuất sắc. Chẳng hạn như Mỹ xác định AI là quan trọng thì đã không ngại đầu tư đến 500 tỷ USD vào lĩnh vực này.
Do vậy, đất nước muốn phát triển thì theo tôi cần phải xác định điều gì là quan trọng, điều gì có thể thay đổi một cuộc chơi. Thực ra cũng hiếm quốc gia nghĩ ra được điều đó. Các nước xung quanh Việt Nam vẫn đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình vì chưa tìm ra được thế mạnh, yếu tố giúp họ thay đổi cuộc chơi.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, vậy Việt Nam có thể thay đổi cuộc chơi về nông nghiệp nhờ công nghệ hay không?
Tôi nghĩ Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn. Đó là đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân vì không đáp ứng được nguồn cung điện. Truyền thông cũng đã đề cập đến vấn đề này. 10 năm trước đây, chúng ta cũng đã nghĩ đến điện hạt nhân nhưng thế giới lúc đó có những khủng hoảng nên Việt Nam chưa thể thực hiện. Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất vẫn còn phải chịu giá điện cao, nguyên nhân vì không thể tránh phải dùng giá điện giờ cao điểm.
Hay như quy định không được nhập những công nghệ sản xuất quá 10 năm vào Việt Nam, vì không tiết kiệm năng lượng, ảnh hưởng đến môi trường,… Tôi nghĩ không nên đánh đồng. Có những loại công cụ, máy móc sản xuất ở Hàn Quốc, Nhật Bản có tuổi đời 11 – 12 năm nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng chiểu theo quy định, doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể nhập.
Do đó, Việt Nam cần phải học hỏi thêm các nước, ví dụ như Trung Quốc, họ trọng dụng người tài rất tốt. Muốn giữ chuyên gia thì phải tạo cho họ một môi trường phát triển thuận lợi, những ưu đãi về tài chính, hay thể chế,...
Trong nước mình cũng có rất nhiều chuyên gia giỏi. Nhưng họ vẫn còn thiếu cơ hội để được phát triển, cống hiến. Tiếng nói của họ phải được lắng nghe, tôn trọng thì họ mới tâm huyết. Những ý kiến, đóng góp của họ không đến được những người đưa ra quyết định, không có ảnh hưởng hay tác động thì họ cũng không còn động lực cống hiến. Thực ra, rất nhiều nhân tài muốn đóng góp cho Việt Nam, không phải vì tiền mà là họ muốn được đóng góp, cống hiến, tạo ra giá trị cho đất nước.
Như tôi đã chia sẻ, thách thức của Việt Nam là vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Nếu chỉ để ăn đủ, mặc đủ thì quá dễ dàng. Nông nghiệp cũng có thể làm được. Nhưng để có cuộc sống hạnh phúc hơn, có tầm vóc, vị thế hơn, thì phải bứt phá và muốn bứt phá phải có đội hình làm được điều đó.

Gần như trong các văn bản chính thống chưa từng đề cập đến việc tiếp cận, mua các bí mật công nghệ hay sao chép công nghệ tiên tiến của nước ngoài, nhưng điều này được đề cập rất cụ thể trong Nghị quyết 57. Vậy ông đánh giá như thế nào về việc đặt vấn đề “mua các bí mật công nghệ và sao chép công nghệ tiên tiến” của Việt Nam?
Khi tôi hỏi ChatGPT làm thế nào để Hàn Quốc trở thành nhà cung ứng xuất khẩu công nghệ quốc phòng, ChatGPT trả lời là hợp tác quốc tế. Hàn Quốc từ trước đây rất lâu đã hợp tác với Liên Xô. Lúc ấy Hàn Quốc xuất khẩu rất nhiều đồ điện tử sang cho Liên Xô nhưng Liên Xô không có tiền để trả lại, khi ấy Hàn Quốc mới đề nghị Liên Xô chuyển giao công nghệ tên lửa. Sau này, Hàn Quốc còn hợp tác với rất nhiều nước khác như châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc cũng học hỏi, sao chép rất nhiều nhưng rất chiến lược.
Trong ngành công nghệ “sao chép” là từ ngữ rất nguy hiểm. Muốn sao chép, học hỏi công nghệ từ các nước khác thì phải có sự đồng ý của họ, mà muốn họ đồng ý thì phải chơi với họ rất thân và họ phải có lợi ích thì họ mới sẵn sàng, còn nếu không thì rất khó để phát triển được.
Việt Nam có thể chưa phải là một đất nước có nhiều sáng chế xuất sắc, nhưng chúng ta có khả năng đặc biệt là thay đổi, xây dựng tốt hơn trên nền công nghệ đã cũ. Do vậy, câu chuyện chuyển giao hay có những hợp tác sâu rộng với quốc tế chính là động lực để Việt Nam phát triển công nghệ.
Ví dụ dự án đường sắt tốc độ cao tới đây, hãy cứ để doanh nghiệp FDI tham gia, mình là người tổ chức cuộc chơi, nhưng ít nhất Việt Nam phải nắm 70% công nghệ mấu chốt. Ngoài đèn tín hiệu hay điều khiển, công nghệ ổn định cũng rất quan trọng, đó chính là con quay hồi chuyển. Công nghệ này phải hợp tác và tiếp cận công nghệ từ các nước đã làm được. Việt Nam phải có những chuyên gia, cá nhân cực kỳ xuất sắc. Tôi nghĩ họ phải sẵn sàng cống hiến 18 - 20 tiếng/ngày. Phải làm việc như vậy thì mới có sự thay đổi.

Liệu có quốc gia nào, ví dụ như trong chiến lược hay cách thức “mua các bí mật công nghệ, sao chép công nghệ tiên tiến của nước ngoài” mà Việt Nam có thể học hỏi không, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng không có một hình mẫu chính xác nào để Việt Nam có thể học hỏi. Vì mỗi nước có một lịch sử hình thành phát triển khác nhau, họ có những thành công nhưng cũng có những thời điểm họ đã sai lầm.
Có rất nhiều chiến lược mình đã đặt ra nhưng đến nay kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Luật Chuyển giao công nghệ khuyến khích các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài nhưng lại đánh thuế nhà thầu 10%. Vậy thì mua công nghệ mới lại đắt hơn 10% vì thuế.
Công nghệ chiến lược phải xuất phát từ Nhà nước, nhưng việc nhận chuyển giao công nghệ nên để tư nhân làm theo đặt hàng của Nhà nước. Ví dụ, nếu cần công nghệ tên lửa, nhưng nước ngoài chào giá đến vài trăm triệu USD. Thay vì chấp nhận giá này, Nhà nước có thể đặt giá thấp hơn, nếu doanh nghiệp nào có được công nghệ này thì sẽ mua.
Việc chuyển giao công nghệ nên để cho doanh nghiệp thực hiện vì họ là người hiểu nhất giá trị công nghệ, nhưng phải có nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Có thể đầu tư thất bại, nhưng biết đâu mai sau khoản đầu tư ấy lại ra một điều gì đó. Đôi khi cũng phải chấp nhận những rủi ro nhất định. Nghiên cứu khoa học chính là thử nghiệm, mà đã thử chưa chắc thành công, nhưng nếu không bắt đầu, thì không bao giờ có kết thúc.
Theo tôi, có nhiều cách Nhà nước đồng hành cùng các doanh nghiệp thực hiện việc này. Ví dụ như để khuyến khích phát triển ứng dụng AI thì Nhà nước có thể xem xét để xây dựng các AI Data Center, nhà nước đầu tư, tạo thành sân chơi cho các doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ, sinh viên. Họ cùng nhau tận dụng các nguồn tài nguyên tính toán dồi dào để thử nghiệm và phát triển các mô hình AI mới, khám phá các ứng dụng tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của chính nước mình.
Để thu hút những cá nhân có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm đặc biệt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, nước ta nên xem xét xây dựng chính sách “Visa Talent” với quyền lợi được làm việc và sinh sống lâu dài, được tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội của Việt Nam. Tôi thấy chính sách này được nhiều quốc gia hiện nay đang sử dụng.

Ở góc độ chiến lược, theo ông, Việt Nam cần có những chính sách, cơ chế như thế nào trong việc tiếp cận, mua bán bí mật công nghệ và sao chép công nghệ tiên tiến của thế giới?
Năng lực công nghệ của Việt Nam đang thấp hơn so với rất nhiều nước. Các nước Đông Nam Á khác đang thay đổi rất nhiều chính sách để đổi mới sáng tạo. Đây là một cuộc cạnh tranh để vượt lên bẫy thu nhập trung bình. Tôi cho rằng nên có quỹ hỗ trợ để đưa những công nghệ chiến lược về Việt Nam, chẳng hạn để hỗ trợ doanh nghiệp mua lại các công ty công nghệ lõi của nước ngoài. Nhà nước nên có chiến lược giúp các công ty Việt Nam mua lại các công ty nước ngoài có công nghệ lõi và mang nhân tài của họ về Việt Nam.
Nếu mình hợp tác mà chỉ ở dưới thì không phát triển được mà phải hợp tác sòng phẳng và cũng không chỉ hợp tác với một bên. Ví dụ như dự án đường sắt, hãy gọi những công ty tốt nhất tham gia, nhưng Việt Nam quản cuộc chơi và phân chia cho các bên các nhiệm vụ và yêu cầu các bên phải chuyển giao công nghệ. Còn nếu cứ để họ vào đầu tư, xây dựng mà Việt Nam vẫn làm thợ thì không lắng đọng bất kỳ công nghệ nào vào Việt Nam.

VnEconomy 21/04/2025 07:00