Sau đại dịch, du lịch MICE đã phát triển mạnh mẽ, mở rộng và kết nối với các hoạt động khám phá, nghỉ dưỡng, sáng tạo sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá thương hiệu, và trở thành một loại hình quan trọng của du lịch. Ngoài phục vụ lợi ích cho ngành du lịch, thông qua việc cung cấp đa dạng các dịch vụ cho các đoàn khách, MICE còn có tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế khác.
LỢI ÍCH KINH TẾ LỚN
Do tính chất riêng biệt, khách MICE thường đi theo đoàn lớn, lên đến hàng nghìn người. Mức chi tiêu cho dịch vụ lưu trú, ăn uống của khách MICE cao hơn khách đi theo đoàn thông thường. "Một suất ăn của khách đoàn thông thường 200.000 - 300.000 đồng nhưng khách MICE có thể lên đến một triệu đồng hoặc hơn", CEO Nguyễn Tiến Đạt của AZA Travel, đơn vị lữ hành chuyên dẫn đoàn khách MICE quốc tế và nội địa chia sẻ. “Khách MICE cũng thường chọn cơ sở lưu trú 4 - 5 sao và nhiều dịch vụ đi kèm như gala dinner (tiệc tối), team building, mang lại doanh thu tốt hơn cho các đơn vị lữ hành và cung ứng”.
Tại Diễn đàn Du lịch với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến của Du lịch MICE" ngày 27/9, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình nhận xét MICE là sản phẩm du lịch mang lại những lợi ích kinh tế to lớn và vượt trội cho ngành. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cũng đồng tình rằng từ năm 2023 đến 2030, thị trường du lịch MICE toàn cầu được dự đoán tăng tốc đáng kể. Ngoài đông và chi tiêu nhiều, khách MICE còn sở hữu một thế mạnh vượt trội so với khách thông thường: ở dài ngày và không chịu tác động của yếu tố thời điểm. Khách MICE có thể đi du lịch mọi mùa trong năm.
Khẳng định tiềm năng phát triển của du lịch MICE, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xu hướng phát triển du lịch MICE gắn với điểm đến xanh, du lịch MICE bền vững, lĩnh vực du lịch MICE đang đứng trước nhiều cơ hội.
Dù nhiều tiềm năng, theo các chuyên gia, du lịch MICE tại Việt Nam còn vướng mắc khi các khu du lịch, khách sạn lớn không đủ cơ sở hạ tầng, ví dụ thiếu trung tâm hội nghị với sức chứa lớn. Mặc dù được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm đầu tư kinh doanh, nhưng cho đến nay phát triển du lịch MICE của Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự kết nối hệ thống ở cả khía cạnh liên ngành và liên vùng, còn hạn chế về tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh còn thua kém một số nước trong khu vực, do vậy chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển của du lịch Việt Nam như kỳ vọng của ngành du lịch.
TÌM KIẾM NHỮNG GIẢI PHÁP “TỰ THÂN”
Theo ông Vũ Thế Bình, du lịch MICE của Việt Nam cần được phát triển cho cả thị trường du lịch quốc tế (Inbound, Outbound) và thị trường du lịch nội địa; ở cả quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ. Cần xây dựng điểm đến cho từng phân khúc của du lịch MICE, kết nối sức mạnh của các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp tổ chức sự kiện, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tạo nên hệ sinh thái phát triển du lịch MICE ở Việt Nam trong tương lai gần nhất.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam Phùng Hữu Hoàng cho biết ngành du lịch đang tìm kiếm những giải pháp "tự thân" để không ngừng đẩy mạnh nguồn khách này. Tuy nhiên, vấn đề giá vé máy bay tăng cao đang trở thành thách thức lớn. Việt Nam cần đưa ra các giải pháp thực tiễn để khôi phục du lịch MICE đi bằng đường hàng không về mức như những năm 2018 - 2019. Thay vì hỗ trợ đêm nghỉ đầu cho khách bay sau 21h30 - 1,2h, các hãng cũng nên xem xét giảm trực tiếp vào giá vé để tạo thêm sự hấp dẫn cho dịch vụ.
Đối với thị trường khách du lịch MICE bằng đường thủy, đường bộ và tàu hỏa, cần tiếp tục bình ổn giá và đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Cung cấp nước uống, đồ ăn nhẹ và trái cây địa phương theo mùa, có thể tính phí hoặc miễn phí, sẽ tạo ấn tượng tích cực cho khách hàng. Đối với các điểm đến di chuyển bằng tàu thủy, đầu tư vào đội tàu riêng với mức giá hợp lý sẽ giúp giảm tải cho các phương tiện tàu chung và đảm bảo giờ giấc cho khách tham gia các hoạt động như họp, team building hay gala dinner.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học thuộc Đại học KHXHNV - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch MICE vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thị trường quốc tế. Việt Nam đang thiếu hụt đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn về quản lý sự kiện quy mô lớn. Đặc biệt, rất ít nhân viên sở hữu các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành như Certified Meeting Professional (CMP) hoặc Certified in Exhibition Management (CEM), những chứng chỉ cần thiết để quản lý và tổ chức các sự kiện MICE tầm cỡ toàn cầu.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Marketing, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam thông tin: "Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chính sách hỗ trợ du lịch MICE, đặc biệt là hỗ trợ các chính sách thị thực nhập cảnh. KTO luôn sẵn sàng hỗ trợ các đoàn khách, kể cả những đoàn từ 10 người. Với những đoàn lớn, KTO còn có cả chương trình chào đón tại sân bay hay bắt “trend” theo phim Hàn, đưa xe cà phê tới địa điểm team building của đoàn, hỗ trợ chương trình biểu diễn nghệ thuật, quà lưu niệm, chi phí tổ chức sự kiện..."
Từ đó, ông Nguyễn Đức Anh khẳng định để triển khai được du lịch MICE cần phải hiểu khách hàng, định vị khách hàng mới đi đến định vị được du lịch MICE ở Việt Nam, từ đó mới xác định được kế hoạch và giải pháp để phát triển du lịch MICE. “Du lịch MICE không phải dễ làm, dễ bán mà là kết tinh của tất cả giá trị để làm ra sản phẩm. Phải làm ra giá trị, khẳng định bằng giá trị thay vì giá,” ông Đức Anh nói.
“Chẳng hạn chúng ta tạo ra những sản phẩm du lịch kết tinh giá trị của du lịch MICE, rất trí tuệ nhưng rất rẻ trong khi đó vé máy bay đắt sẽ không giải quyết được vấn đề gì, vì điều quan trọng nhất của du lịch MICE là giá trị thì mình lại không bán được. Đo đó phải định vị ngay du lịch MICE của Việt Nam”.