Trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã "hốt bạc" nhờ kinh doanh hoa, cây cảnh.
Ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước, trồng hoa, cây cảnh không chỉ là hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp đô thị mà còn góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo.
Hiện một số loại cây đang được "lùng" nhiều như: lộc vừng, sanh, đa, đuối, si... Nắm bắt được thị hiếu đó, không ít hộ gia đình ở các tỉnh bắt đầu tận dụng quỹ đất gia đình để trồng cây giống. Bởi lẽ, nếu trồng ngay từ ban đầu giá thành rất rẻ: những hạt giống chỉ từ khoảng 2-5 nghìn đ/kg.
Tuy nhiên, khi về phải lựa chọn khá kỹ lưỡng, công phu để đãi lấy những hạt tốt, cứ ba tháng một lần bón phân lân, tính sơ sơ công đoạn bán cây non cho khách cũng phải đến 2 năm, thời điểm này giá thành sẽ vào khoảng 70-80 nghìn đồng/cây, cá biệt có những cây lên tới từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Anh Nguyễn Tiến Thuỷ (Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết, trước đây gia cảnh của anh thuộc dạng nghèo trong huyện, nhưng với quyết tâm vượt qua đói nghèo, anh chọn con đường kinh doanh hoa, cây cảnh. Ban đầu, anh đi mua các cây cảnh từ các tỉnh, sau đó về bán tại chợ Bưởi, Hà Nội hoặc chở đi Móng Cái, Quảng Ninh, mỗi tháng trừ chi phí cũng được vài triệu đồng.
Anh kể: vụ thắng đậm nhất là khi anh mua được cây sanh ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình. Đó là vào năm 1998, trong một lần đi mua cây, anh phát hiện tại một gia đình có gốc sanh cổ trên 100 tuổi nhưng bị chặt từ lâu. Với mắt "nghề nghiệp", anh biết đây là vật báu.
Không ngần ngại, anh đặt mua với giá 7 triệu đồng, còn chủ nhà thì cứ ngơ ngác không hiểu sao cái gốc cây xấu xí, gồ ghề, thô ráp kia lại có giá bằng cả một gia tài như vậy. Ngày ấy, với số tiền như vậy, ở quê có thể tậu được cả cái nhà chứ chẳng chơi. Sau một năm chăm sóc và tạo dáng, gốc sanh trăm tuổi của anh đã được một đại gia Sài Gòn mua lại với giá 120 triệu đồng.
Giờ đây, trong nhà anh có trên 30 chậu hoa, cây cảnh các loại. Đồng thời tận dụng 2 sào đất, anh trồng thêm 50 chậu cây cảnh, hơn 500 cây đủ loại: sung, sấu, cau vua, cau lùn... Cây nhỏ bán với giá 80.000 - 100.000 đồng, cây to bán với giá 200 nghìn đồng đến tiền triệu. Hàng năm, anh thu về từ 80 đến 100 triệu đồng. Ngôi nhà mới đang xây, xe máy, ti vi... và tiền nuôi dạy con cái ăn học đều từ kinh doanh hoa, cây cảnh mà có.
Hiện trong huyện đã có rất nhiều nhà theo anh chuyển sang sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh.Theo số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2007, kim ngạch xuất khẩu hoa, cây cảnh cả nước theo đường chính ngạch ước đạt 400 nghìn USD.
Lớn nhất vẫn là thị trường Nhật Bản, chiếm tới 77% kim ngạch xuất khẩu, sau đó là Trung Quốc. Đây là hai thị trường rất khó tính, bởi lẽ chính nghệ thuật cây cảnh vốn đã được người Trung Quốc tạo lên từ lâu đời, rồi qua tay người Nhật, cây cảnh đã thực sự được quốc tế hoá thành nghệ thuật "bonsai" điêu khắc sống.
Theo ông Vũ Kiên Chỉnh, Giám đốc Công ty Tùng Lâm, Hà Nội thì trong thời gian vừa qua, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu đại trà mallsai - tạm dịch là bonsai bán ở siêu thị, giá từ 5-10 Euro/cây cho Tập đoàn Veri Green của Nhật.
Tại lễ hội sinh vật cảnh tổ chức tháng 9/2007 vừa qua tại Tp.HCM, ông Võ Văn Cương, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam nhấn mạnh, việc quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu phải theo hướng tập trung tại các tỉnh, thành phố kết hợp với chuyên gia để nâng cấp thành những sản phẩm có giá trị cao.
Chắc chắn, đây sẽ là ngành kinh tế có thu nhập cao trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate