Dường như dịch bệnh Covid-19 đã không còn là mối lo hàng đầu của nhiều người trên thế giới, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Người ta giờ đây lo lắng nhiều hơn về những cuộc khủng hoảng mới đang gia tăng nhanh chóng sau khi chứng kiến hạn hán, nạn đói, chiến tranh ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng chóng mặt.
Theo một khảo sát với gần 20.000 người trưởng thành của Ipsos, có tới 50% người được hỏi nói rằng đại dịch là mối lo lớn nhất của họ hồi tháng 1/2021. Tuy nhiên, giờ đây, đại dịch chỉ là mối lo chính của khoảng 12% người tham gia khảo sát. Đây là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch được đưa vào cuộc khảo sát theo tháng này của Ipsos.
Trong khi đó, xu hướng đối với lạm phát thì ngược lại. Vào tháng 9/2020, chỉ có khoảng 8% người tham gia khảo sát nói đây là mối lo lớn nhất của họ. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng lên tới 40% vào tháng 9/2022. Những quốc gia có nhiều người xem lạm phát là mối lo lớn nhất bao gồm Ba Lan (67%), Argentina (65%), Thổ Nhĩ Kỳ (56%) và Anh (56%).
Bên cạnh lạm phát, dữ liệu mới nhất cho thấy nghèo đói và bất bình đẳng xã hội đứng thứ hai trong danh sách các mối quan tâm, lo lắng tính tới tháng 9/2022 với tỷ lệ gần 35% người được hỏi trên khắp thế giới lựa chọn. Hungary (46%), Hà Lan (46%), Brazil (42%), Indonesia (40%) và Thái Lan (40%) là những nơi ghi nhận tỷ lệ người dân nói rằng đây là mối lo lớn nhất.
Khi được hỏi liệu quốc gia của những người tham gia khảo sát có đang đi đúng hướng hay không, 2/3 trả lời là “không”. Trong đó, người Saudi Arabia (95%) và Indonesia (81%) đưa ra câu trả lời tích cực nhất, còn người Peru (10%) và người Argentina (10%) là kém lạc quan nhất. Riêng Anh và Pháp ghi nhận số người nói rằng Chính phủ đang đi đúng hướng giảm 9 điểm phần trăm so với thời điểm tháng 9/2020.