Trong hai tháng qua, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) đã bất ngờ hạ lãi suất hai lần với mức giảm 1 điểm phần trăm mỗi lần. Theo đó, lãi suất cơ bản tại quốc gia này được hạ xuống còn 12%, bất chấp lạm phát tháng 8 ở mức 80,2%.
“Lãi suất đã được giảm về mức 12%”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN Turk ngày 28/9. “Từ bây giờ chúng tôi sẽ không tăng lãi suất mà sẽ tiếp tục giảm. Việc này sẽ làm giảm lạm phát”.
Ông Erdogan bày tỏ hy vọng CBRT sẽ giảm lãi suất thêm trong tháng 10 tới và tiếp tục giảm sau đó, để lãi suất về mức một con số vào cuối năm nay. Ông nói rằng việc hạ lãi suất cũng giúp tăng cường sức mạnh của đồng nội tệ Lira.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu ủng hộ việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp, với quan điểm cho rằng lãi suất thấp là một cách để giảm lạm phát – điều đi ngược với quan điểm về chính sách tiền tệ truyền thống. Ông cho rằng bằng cách kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sản xuất để tạo ra nhiều hàng hoá hơn, việc hạ lãi suất sẽ làm cho lạm phát giảm. Trong vòng 4 năm qua, ông đã liên tiếp sa thải 3 thống đốc ngân hàng trung ương vì những bất đồng trong quan điểm về lãi suất.
Bất chấp những kỳ vọng của vị tổng thống với chính sách tiền tệ “ngược đời” của mình, việc hạ lãi suất liên tiếp trong bối cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai tăng lên và dự trữ ngoại hối đang gần cạn kiệt đã khiến đồng nội tệ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm.
Tính từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã mất hơn 27% giá trị so với đồng USD và giảm 80% trong 5 năm qua. Đồng Lira đã giảm xuống mức kỷ lục so với đồng USD hôm 22/9 sau động thái hạ lãi suất mới nhất của CBRT, giao dịch ở mức 18,379 Lira đổi 1 USD.
Các quyết định chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã luôn gây sốc cho giới đầu tư cũng như các nhà kinh tế học. Theo các chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tục hạ lãi suất bất chấp lạp phát cao kỷ lục đang gây nguy hiểm cho nền kinh tế nước này.
“Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Họ đang lo lắng cho tăng trưởng nhiều hơn là lạm phát”, Per Hammarlund, chiến lược gia trưởng tại tập đoàn tài chính SEB, nhận xét. “Áp lực bán đối với đồng Lira sẽ tăng lên. Istanbul sẽ phải có giải pháp để hỗ trợ đồng Lira mà không làm cạn kiệt nguồn dự trữ. Nếu nhìn vào áp lực giá năng lượng, lạm phát ở Thỗ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục tăng và gây áp lực lớn tới đồng Lira”.
“Dư địa để Thổ Nhĩ Kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đang ngày càng co hẹp do áp lực với đồng Lira và lãi suất thực tế”, ông Liam Peach, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics, nhận định. “Nước này đang thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và trở nên phụ thuộc vào dòng vốn của nước ngoài. Dự trữ ngoại hối thì đang thấp đến mức ngân hàng trung ương không thể can thiệp vào”.
Ông Peach cảnh báo niềm tin của nhà đầu tư sẽ xuống thấp đến mức kể cả dòng vốn nước ngoài đó cũng sẽ cạn kiệt.
“Việc giảm lãi suất khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó thu hút các dòng vốn đó hơn”, ông nói.
Trong thông cáo sau quyết định hạ lãi suất vào tuần trước, CBRT cho biết cơ quan này đã “đánh giá và kết luận rằng sự cập nhật chính sách tiền tệ này là phù hợp với triển vọng tăng trưởng ở thời điểm hiện tại”. CBRT nhấn mạnh rằng việc hạ lãi suất là cần thiết khi mà tốc độ tăng trưởng và nhu cầu trong nền kinh tế đang tiếp tục giảm xuống, còn rủi ro địa chính trị leo thang.
Trong khi đó, ông Erdogan tỏ ra lạc quan và dự báo lạm phát trong nước sẽ giảm vào cuối năm nay.
“Lạm phát không phải là một mối đe dọa kinh tế không thể vượt qua. Tôi là một nhà kinh tế học mà”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 20/9 dù trên thực tế ông không phải một nhà kinh tế đã qua đào tạo.