FiinGroup nhận định tăng trưởng ngắn hạn của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG-HOSE) có thể gặp trở ngại do ngành hàng ICT (đóng góp gần 1/3 tổng doanh thu của MWG) không còn hưởng lợi lớn như trong giai đoạn giãn cách xã hội và sức ép lạm phát làm giảm nhu cầu đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu. Trong khi đó, doanh thu/cửa hàng của chuỗi Bách Hoá Xanh vẫn chưa cải thiện, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4/2022.
Lợi nhuận sau thuế của MWG tháng 4/2022 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng dưới 10% và là mức tăng thấp nhất trong vòng 8 tháng gần đây.
Theo FiinGroup, việc thay đổi layout tại chuỗi Bách hóa xanh làm gián đoạn hoạt động kinh doanh tại cửa hàng trong khoảng 3-5 ngày, khiến doanh thu của chuỗi trong tháng 4/2022 gần như đi ngang so với cùng kỳ (+0,9%). Tỷ trọng đóng góp của Bách Hoá Xanh trong tổng doanh thu tháng 4/2022 đạt 18,9%, thấp hơn so với tháng 3/2022 (19,3%).
Tính chung 4 tháng năm 2022, MWG đạt 1,8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (+7,6%) và hoàn thành 29% kế hoạch năm 2022.
Theo FiinGroup, đây là mức khá thấp nếu so với tỷ lệ hoàn thành cho cùng giai đoạn trong năm 2021 (36%) và 2019 (40%), không tính đến năm 2020 vì đây là năm đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội do Covid-19.
FiinGroup nhận định tăng trưởng lợi nhuận trong các tháng tới đây sẽ khó có đột biến và phụ thuộc vào chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh (thường có biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với chuỗi Bách Hoá Xanh). Lý do là Bách Hoá Xanh dự kiến sẽ tiếp tục thay thế layout cho khoảng 1.680 cửa hàng còn lại, dự kiến hoàn tất vào quý 3, trong khi các chuỗi khác chưa đóng góp đáng kể vào doanh thu chung của MWG.
Việc thay thế layout, theo như FiinGroup ước tính, có thể khiến Bách Hoá Xanh hụt thu khoảng 220 tỷ đồng trong ngắn hạn (tương đương 10% doanh thu tháng của Bách Hoá Xanh) do hoạt động kinh doanh tại cửa hàng bị gián đoạn 3-5 ngày. Điểm tích cực đó là những cửa hàng hoạt động ổn định tối thiểu 30 ngày với layout mới có doanh thu trung bình theo ngày tăng 10% so với trước khi thay đổi.
Mức giá hiện tại của cổ phiếu MWG đang thấp hơn 4% so với đỉnh cũ thiết lập trong phiên 14/4 là 80.870 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh việc trả cổ tức bằng cổ phiếu).
Giá cổ phiếu tăng 27,2% từ mức đáy 9 tháng thiết lập vào ngày 16/5/2022, kéo định giá P/E trượt 12 tháng tăng lên mức 22,5 lần. Đây là mức khá cao so với trung bình giai đoạn từ 2018 đến nay.
FiinGroup đánh giá động lực tăng giá cho cổ phiếu ngành bán lẻ nói chung và MWG nói riêng hiện khá hạn chế do tăng trưởng lợi nhuận đang chậm lại.
Về dài hạn, MWG vẫn là cổ phiếu bán lẻ ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài và thường ở trạng thái kín room ngoại nhờ đà tăng trưởng dự kiến sẽ duy trì với triển vọng lạc quan của ngành Bán lẻ, sức khỏe tài chính lành mạnh và hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả nhất trong số các nhà bán lẻ đa kênh hiện nay giúp tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho và vận hành hệ thống logistics.
Tuy nhiên, hai tuần gần đây khối ngoại đang bán ròng MWG. Trong tuần 13-17/6/2022, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 127 tỷ đồng cổ phiếu MWG, gấp đôi giá trị bán ròng trong tuần trước đó.
MWG hiện vẫn hút dòng tiền nhưng xu hướng tăng này đang yếu đi, bằng chứng là hiện tại giá chưa phá được qua đỉnh. Giá cổ phiếu MWG đang ở vùng cản và cần lực cầu đủ mạnh để tiếp tục xu hướng hiện tại.