Các quốc gia Đông Nam Á từng kỳ vọng sẽ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay, vừa phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của mình trong bối cảnh lạm phát leo thang và tình hình phong tỏa phòng chống Covid-19 phức tạp tại Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, Thái Lan và Philippines đều vừa báo cáo tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1/2022 nhưng dự báo tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng trước đó thời gian tới.
Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) ngày 17/5 công bố GDP thực tế quý 1 đạt 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý tăng trưởng dương thứ hai liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế quý 4/2021 của nước này là 1,8%.
Lĩnh vực dịch vụ của Thái Lan phục hồi mạnh mẽ khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 và cho phép khách quốc tế nhập cảnh. Xuất khẩu tiếp tục duy trì mạnh mẽ nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi.
Tuy nhiên, NESDC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay của Thái Lan xuống còn khoảng 2,5-3,5% từ mức dự báo 3,5-4,5% trước đó do giá cả leo thang trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine.
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá nhiên liệu và thực phẩm tại Thái Lan tăng mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của nước này tăng 5,73%. Chi tiêu tiêu dùng của Thái Lan được dự báo sẽ suy yếu khi thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng trong đại dịch.
Theo một chủ sạp thực phẩm tại thủ đô Bangkok, giá thịt lợn khô tại thành phố này đã tăng khoảng 20% trong tháng 2.
"Thịt lợn và dầu đang đắt lên chưa từng thấy”, người này cho biết. “Khách hàng ngày càng tiết kiệm hơn và doanh thu vẫn giảm kể cả khi tôi tăng giá”.
Còn tại Philippines – quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng, triển vọng kinh tế cũng đang trở nên u ám.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của nước này tăng trưởng 8,3% nhờ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch và sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng. Quốc gia này đã đặt mục tiêu tăng trưởng 7-9% cho cả năm. Tuy nhiên, theo ông Ramon Lopez, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines, GDP của nước này sẽ chỉ tăng khoảng 6% trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine.
Giá cả hàng hóa leo thang lại là cú hích cho các quốc gia xuất khẩu tài nguyên. Indonesia – nước xuất khẩu than và dầu cọ hàng đầu thế giới – ghi nhận tăng trưởng kinh tế quý 1 đạt 5%, đánh dấu quý tăng trưởng dương thứ 4 liên tiếp.
Tuy nhiên, giá cả thực phẩm và nhiên liệu đã giáng một đòn trực tiếp vào ví tiền của các hộ gia đình Indonesia. Để xoa dịu nỗi bất bình trong dân chúng, vào cuối tháng trước, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh cấm xuất dầu cọ - động thái có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu cũng như động lực kinh tế chủ chốt của quốc gia Đông Nam Á này.
Số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng lên tại Trung Quốc cũng gây ra nhiều quan ngại. Việc nhiều thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa đã làm chậm tăng trưởng kinh tế của nước này và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Với các nền kinh tế Đông Nam Á có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc, tác động sẽ lan ra toàn khu vực.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm khoảng 20% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam cũng suy giảm trong bối cảnh xuất khẩu sang Nga giảm mạnh, cũng như các vấn đề về hải quan và chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tháng trước dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2022, nhưng cũng cho rằng kịch bản này có thể không trở thành hiện thực.
Cùng với đó, động thái siết chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ cũng tăng thêm áp lực với các nền kinh tế Đông Nam Á. Các lần tăng lãi suất mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy dòng vốn chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi và làm suy yếu tiền tệ của các nước này, từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng lạm phát.
Các ngân hàng trung ương tại Đông Nam Á đối mặt áp lực ngày càng lớn phải “nối gót” Mỹ từ bỏ chính sách lãi suất thấp từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) hôm 11/5 đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 4 năm từ 1,75% lên 2%.
Còn Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) tháng trước cũng tuyên bố sẽ “thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ của mình”.
"Trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), rủi ro tài chính của nhiều nền kinh tế vẫn ở mức cao do đại dịch Covid-19”, Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng tại Văn phòng Nghiên cứu Vĩ mô ASEAN+3, nhận định. “Chính sách tài chính vĩ mô tại các nước này sẽ tiếp tục được tập trung vào việc giảm bớt tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp và hỗ trợ sự phục hồi kinh tế”.