Giá nguyên liệu tăng đột biến bắt đầu từ sự cố chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19. Hiện tại, vấn đề này còn gây thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng bởi chiến sự ở Ukraine. Đối với các hộ gia đình ở châu Á, điều này khiến họ thấy áp lực bởi đi ăn nhà hàng - với ưu điểm về chất lượng mà giá cả phải chăng - là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế.
Ngày 20/9, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố báo cáo cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng của nước này trong tháng 8 vừa qua đã tăng lên mức 2,8% - mức cao nhất trong vòng 8 năm qua trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô tăng cao và đồng Yên mất giá. Điều này đang làm tăng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình.
Tờ Japan Times cho biết, đầu tháng 9, đồng Yên đã chạm mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD và gia tăng sức ép lên người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vốn đang vật lộn với đà tăng giá hàng tạp hóa và nhiên liệu. Chi phí nhân công tăng cao cũng là thách thức cho lĩnh vực nhà hàng khi việc tuyển dụng nhân viên trở nên khó khăn hơn do nhiều nhà hàng cắt giảm giờ mở cửa hoặc đóng cửa tạm thời dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Theo một cuộc khảo sát đối với 122 chuỗi nhà hàng Nhật Bản do công ty nghiên cứu tín dụng tư nhân Tokyo Shoko Research tiến hành, tính đến đầu tháng 9, 71 công ty đã tăng giá hoặc công bố kế hoạch tăng giá trong năm nay. Chuỗi nhà hàng Nhật Bản Yayoiken, điều hành hơn 360 quán ăn trên toàn quốc, đã tính phí cao hơn đối với các món ăn từ tháng 9 do giá thịt bò và thịt lợn nhập khẩu tăng. Chuỗi nhà hàng Denny's cũng tăng giá một số món trong thực đơn kể từ ngày 6/9 và cho biết thật khó để đạt được sự cân bằng giữa giá cả và chất lượng trong bối cảnh chi phí nguyên liệu tăng cao.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc giá thực phẩm tăng cao cũng đang gây áp lực lên ví tiền của người tiêu dùng. Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, giá tiền trung bình cho món gà rán – một món ăn được coi là bình dân của nước này - đã tăng 11,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số trên cũng cao hơn mức tăng của các mặt hàng ăn uống phổ biến khác như canh hầm kim chi hay thịt bò nướng.
Theo bà Yunjin Park, chuyên gia phân tích cấp cao về thực phẩm tại Euromonitor, các chuỗi cửa hàng gà rán hàng đầu Hàn Quốc đã tăng giá thực đơn lên trung bình 2.000 won (khoảng 1,5 USD). Bà đánh giá điều này khiến giá gà rán tăng khoảng 10% đến 15%. Sự thay đổi này có vẻ không nhiều nhưng nó khiến khách hàng sẽ phải bỏ ra gần 22 USD cho một bữa ăn đơn giản. "Người Hàn Quốc từng có thể ăn gà rán thoải mái, nhưng giờ nó không phải món có thể gọi dễ dàng mà không cần cân nhắc", bà Park cho hay.
Theo CNBC, một trong những lý do khiến Hàn Quốc phải đối mặt với những vấn đề lạm phát như trên là nước này phải nhập khẩu gần một nửa lương thực. Hồi tháng 6, các chuyên gia kinh tế tại Euromonitor đã cảnh báo Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế châu Á chịu nhiều rủi ro nhất về việc giá cả tăng trên thế giới vì phải phụ thuộc vào các quốc gia khác với nhiều loại thực phẩm. Ngoài ra, Singapore, Philippines và Hong Kong cũng dễ bị tổn thương.
Và bây giờ, điều đó đã thành sự thật. Lợi nhuận của nhà hàng lẩu cay Ma Hong đã giảm 20% kể từ khi ông mở tại trung tâm HongKong vào năm ngoái. Nguyên nhân là giá thịt bò ba chỉ tăng hơn 50% và chi phí các nguyên liệu khác cũng tăng cao. "Chúng tôi không tăng giá trong thực đơn bởi lạm phát đang ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Tại HongKong, chúng tôi không phải là nhà hàng duy nhất chịu thiệt thòi", ông Ma nói.
Nằm gần các trung tâm mua sắm hào nhoáng dọc theo Orchard Road của Singapore, Adina Serviced Apartments đã quyết định thu hút du khách bằng cách chiêu đãi khách lưu trú bỏng ngô và đồ uống miễn phí. Trong khi mới tháng trước, khách sạn này đã tặng phiếu ăn uống trị giá 72 USD cho khách hàng. “Sau đại dịch lại đến lạm phát, việc không có khách du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến chúng tôi”, đại diện cơ sở lưu trú này nói.
Tại huyện đảo Koh Lanta của Thái Lan, Pimalai Resort and Spa 5 sao đang giảm giá tới 30% cho những du khách tìm nơi nghỉ dưỡng gần các bờ biển. Ngay cạnh đó, Pimalai Resort cũng triển khai chương trình ở 5 đêm thanh toán 4 đêm với những du khách đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có thể nói, rất nhiều khách sạn trong khu vực Đông Nam Á đang tung ra hàng loạt chiến dịch marketing để thu hút du khách. Tại Bali, khu nghỉ mát của InterContinental đã giảm giá 20% cho dịch vụ giặt là với du khách đặt phòng dài ngày.
Thế nhưng, theo Nikkei, khó có gì đảm bảo những nỗ lực trên sẽ thành công. Các hạn chế về nhập cảnh có thể đã được nới lỏng, cho phép du lịch hồi sinh, nhưng một vấn đề đáng lưu ý là nhu cầu đi lại có khả năng sụt giảm do chi phí nhiên liệu cao, kéo theo chi phí cho ăn uống và mua sắm cũng tăng cao. Michael Marshall, Giám đốc thương mại của một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Malaysia, cho biết: "Đã có sự tập trung mạnh mẽ vào các chiến dịch marketing ở từng khu vực để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, giá cả của việc ăn uống và đi lại tăng cao khiến cho việc giảm giá phòng có vẻ không đủ ấn tượng với du khách".
Hiện nhiều chiến lược khác nhau đang được chính phủ các nước đưa ra, từ xóa nợ sinh viên cho đến tăng lương tối thiểu... nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đối với người dân. Nhật Bản đã tăng lương tối thiểu lên mức kỷ lục 3,3% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023. Chính phủ cũng đang nỗ lực kiểm soát để không tăng giá lúa mì xuất khẩu và giảm tác động của lạm phát đến người dân.
"Việc kinh doanh rất khó khăn vì giá cả tăng cao, mọi người ở nhà chứ không ra hàng quán ăn nữa. Hy vọng chính phủ sẽ tạo được môi trường thuận lợi, khuyến khích người dân ăn uống tiêu dùng nhiều hơn", chị Yuuka Tamagawa, Quản lý nhà hàng, Tokyo, Nhật Bản, cho biết. Chính phủ Malaysia cũng dự kiến sẽ chi khoản tiền trợ cấp cao kỷ lục lên tới hơn 17 tỷ USD và viện trợ tiền mặt cho người dân trong năm nay nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả leo thang.