July 29, 2016 | 15:00 GMT+7

"Lần đầu tiên Chính phủ thẳng thắn về nợ xấu"

Nguyên Vũ

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận xét Thủ tướng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Vũ Tiến Lộc.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Vũ Tiến Lộc.
Thủ tướng thừa nhận xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn, nợ Chính phủ đã vượt trần, lần đầu tiên hai hai vấn đề quan ngại bậc nhất liên quan đến sự ổn định của nền tài chính Quốc gia được đề cập thẳng thắn trong báo cáo của Chính phủ.

Nhận định này được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Vũ Tiến Lộc đưa ra sau khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, sáng 29/7.

Thủ tướng đã không né tránh

"Thủ tướng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khi đề cập tới những vấn đề lớn của đất nước và của nền kinh tế", ông Lộc bình luận.

Thủ tướng đã khẳng định nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt trần, xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Lần đầu tiên chúng ta có được những thông tin chính thức từ Chính phủ như vậy, vì xưa nay chúng ta vẫn nghĩ có vẻ như việc xử lý nợ công, nợ xấu đang nằm trong một lộ trình suôn sẻ, Chủ tịch VCCI nói cụ thể hơn.

Đặt câu hỏi  tại sao trong suốt 5 năm qua, nền kinh tế chưa thoát ra khỏi tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm, ông Lộc cho rằng có nguyên nhân từ việc chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế còn tồn đọng. Tình trạng thâm hụt ngân sách vẫn cao và vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán Quốc hội thông qua, nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay. Nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC, chưa thực sự được mua bán sang tên, đổi chủ bằng tiền tươi thóc thật.

Con số tăng trưởng tín dụng có lẽ cũng không thực chất. Khi chúng ta chưa rõ được bao nhiêu % là do các ngân hàng thương mại đảo nợ, bao nhiêu % là do các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Chính phủ. Bởi vậy, mặc dù tín dụng tăng trưởng cao nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn và vẫn phải trả với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát, ông Lộc phân tích.

Nếu lãng phí là sản phẩm của cơ chế

Tiếp cận nội dung khác từ báo cáo của Thủ tướng, đại biểu Phan Văn Tường (Thái  Nguyên) đề nghị đến kỳ họp cuối năm, báo cáo của Chính phủ cần có phụ lục, số liệu về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Báo cáo 6 tháng Chính phủ đánh giá là có chuyển biến tích cực, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường, hy vọng cuối năm 2016 các đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều thông tin từ Chính phủ để chứng minh nhận định trên, ông Tường phát biểu.

Theo đại biểu Tường thì Báo cáo của Chính phủ nên có đánh giá số liệu về sự lãng phí trong thời gian vừa qua, hàng loạt các dự án ngàn tỷ không vận hành được, nhiều công trình làm xong chỉ đáp ứng một phần nhỏ hiệu quả của dự án được lập... 

"Nếu lãng phí là sản phẩm của cơ chế thì Chính phủ cũng đánh giá thực chất tình hình hoặc đưa ra Quốc hội nghị bàn để tìm hướng đổi mới" ông Tường đề nghị.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu Tường nhấn mạnh là trách nhiệm người đứng đầu -vấn đề mà theo ông lâu nay nhận thức còn khác nhau, phần lớn là nêu khẩu hiệu.

Việc chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu được đại biểu Tường nhìn nhận cũng là một phần thể hiện sự lúng túng trong sự phân định thiếu rạch ròi giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm, đây cũng là kẽ hở để tồn tại việc thành công là của tôi và thất bại là của chúng ta. 

Đại biểu phân tích, sự không tương thích giữa quyền và trách nhiệm dẫn đến nhiều hệ lụy, hàng đầu là lạm quyền và đùn đổ trách nhiệm cho tập thể hoặc cho người khác. Khi quyền lợi luôn gắn liền với nhau mà trách nhiệm không rõ thì tất yếu xảy ra tiêu cực trong thực thi công vụ. Tiêu cực xảy ra ở chính người đứng đầu sẽ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn trong đời sống xã hội.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate