Kể từ tháng 9/2021, Zuckerberg đã mất hơn một nửa tài sản – tương đương mức giảm 76,8 tỷ USD – và tuột khỏi vị trí thứ ba trong danh sách 400 người giàu nhất tại Mỹ (Forbes 400). Ông cũng là tỷ phú mất nhiều tài sản nhất tại Mỹ năm qua.
Trong danh sách năm nay, ông đứng thứ 11 với tài sản 57,7 tỷ USD, tính theo giá cổ phiếu Meta (công ty mẹ Facebook) ngày 2/9.
Theo đó, Zuckerberg xếp sau người thừa kế Walmart – ông Jim Walton, tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg và các tỷ phú công nghệ khác như cựu CEO Microsoft Steve Ballmer và hai người đồng sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page.
Lao dốc theo xu thế giảm chung của thị trường, cổ phiếu Meta đã mất hơn 57% giá trị kể từ đầu tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, mức giảm của mã này vượt xa các cổ phiếu công nghệ khác như Microsoft (14%), Alphabet (25%) hay Amazon (27%). Trong cùng giai đoạn, chỉ số Nasdaq và S&P 500 giảm lần lượt 9,8% và 13,5%.
Năm ngoái, việc Apple cập nhật chính sách quyền riêng tư trên thiết bị di động của mình ảnh hưởng đáng kể tới doanh số quảng cáo của Meta. Theo đó, doanh thu quý 2 của công ty mẹ Facebook giảm 1% xuống còn 28,8 tỷ USD. Đây là quý giảm doanh thu đầu tiên trong lịch sử công ty này.
“Phần lớn doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo và giờ đây họ không còn tiếp cận được những dữ liệu để chạy quảng cáo nữa”, Mark Zgutowicz, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư và nghiên cứu Benchmark, nhận xét. “Tất cả những tín hiệu từ dữ liệu đó đã biến mất, về cơ bản đồng nghĩa rằng các nhà quảng cáo sẽ gặp khó khăn trong việc xác định liệu một chiến dịch quảng cáo có thành công hay không”.
Không chỉ gặp rắc rối với vấn đề dữ liệu, Meta còn đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những nền tảng mới nổi như TikTok. Nền tảng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc đang hấp dẫn đông đảo nhà quảng cáo nhờ sức hút mạnh mẽ đối với người dùng trẻ. Hồi tháng 2, Meta công bố quý đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm về lượng người dùng hoạt động hàng ngày. Theo một báo cáo nội bộ gần đây, tính năng Instagram Reels tương tự như TikTok của Meta đang gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ.
Trong những tình huống bình thường, doanh thu giảm nhẹ có thể kiểm soát được, nhưng điều này xảy ra đúng lúc Meta đang đầu tư mạnh vào công nghệ thực tế ảo và metaverse. Điều này kéo lợi nhuận hoạt động của công ty đi xuống. Năm 2021, bộ phận phụ trách metaverse của Meta - Meta Reality Labs - lỗ 10 tỷ USD.
“Dù metaverse chiếm trọn sự quan tâm của Zuckerberg, các nhà đầu tư không mấy mặn mà với lĩnh vực này”, ông Zgutowicz nói: “Đó là một khoản đầu tư dài hạn nhưng ở thời điểm hiện tại, metaverse giống như một cỗ máy đốt điền”.
Zuckerberg trở thành tỷ phú lần đầu tiên vào năm 2008, chỉ bốn năm sau khi đồng sáng lập Facebook. Ở tuổi 23, ông là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới thời điểm đó và xếp thứ 321 trong Forbes 400 với tài sản 1,5 tỷ USD. Tới năm 2011, tài sản của ông tăng gấp gần 12 lần lên 17,5 tỷ USD.
Năm nay không phải là năm đầu tiên tài sản của tỷ phú này giảm mạnh. Sau thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) gây thất vọng năm 2012, Zuckerberg đã tụt từ vị trí 14 xuống 36 trong danh sách Forbes 400. Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu. Năm sau đó, tài sản của Zuckerberg phục hồi và tiếp tục tăng.
Dù vấp phải nhiều tranh cãi và bê bối, cỗ máy quảng cáo của Facebook vẫn mang lại doanh thu đủ lớn để gây ấn tượng với các nhà đầu tư, giúp tài sản của CEO công ty tăng vọt lên 134,5 tỷ USD trong năm ngoái. Đây là mức tài sản lớn nhất từ trước tới nay của Zuckerberg.
Theo danh sách Forbes 400 vừa được công bố, Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla tiếp tục là người giàu nhất ở Mỹ với tài sản 251 tỷ USD. Theo sau là Jeff Bezos, người sáng lập công ty thương mại điện tử Amazon, với tài sản 151 tỷ USD. Các vị trí còn lại trong top 5 thuộc về Bill Gates (106 tỷ USD), Larry Ellison (101 tỷ USD) và Warren Buffett (97 tỷ USD).