UNDP vừa công bố Bản đồ cơ hội đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Việt Nam. Bản đồ được thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm thực hành và đầu tư tạo tác động (CIIP), đối tác chính trong sáng kiến SDG Impact của UNDP tại khu vực ASEAN.
XÁC ĐỊNH CÁC LĨNH VỰC CÓ CƠ HỘI ĐẦU TƯ Ở 6 NGÀNH
Sử dụng phương pháp luận của SDG Impact, bản đồ đã xác định được 14 Lĩnh vực có cơ hội đầu tư trên 6 ngành cần ưu tiên đầu tư SDG và phù hợp với các chính sách của Chính phủ, gồm giáo dục, y tế, thực phẩm và đồ uống, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và dịch vụ tài chính.
Bản đồ cũng xác định 7 cơ hội mở là các lĩnh vực có tiềm năng đầu tư, phù hợp với nhu cầu phát triển của quốc gia nhưng Chính phủ cần cải thiện hơn nữa chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.
Theo đó, trong ngành giáo dục, ước tính nhu cầu giáo dục ở Việt Nam trên 20 tỷ USD (8% tổng GDP Việt Nam, trong đó chi tiêu chính phủ chiếm khoảng 5-6% và phần còn lại là chi tiêu của các hộ gia đình). Do đó, công nghệ giáo dục Edtech, cung cấp dịch vụ đào tạo nghề từ xa thông qua ứng dụng công nghệ cao (áp dụng thực tế ảo tăng cường, ứng dụng giải pháp tương tác số trong đào tạo trực tuyến) và cơ sở đào tạo nghề là những lĩnh vực có cơ hội.
6 ngành cần ưu tiên đầu tư SDG và phù hợp với các chính sách của Chính phủ, gồm: Giáo dục, y tế, thực phẩm và đồ uống, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và dịch vụ tài chính.
Trong ngành y tế, ước tính, nhu cầu y tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn; chi phí chăm sóc sức khỏe/đầu người ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 170 USD năm 2017 lên 400 USD năm 2027.
Do đó, các lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe (dịch vụ khám chữa bệnh từ xa); dược phẩm (sản xuất nguyên liệu, thuốc hoặc thực phẩm chức năng từ thảo dược) và công nghệ y tế (sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe gia đình với chi phí hợp lý) là những ngành có cơ hội.
Với ngành thực phẩm đồ uống, cơ hội tiềm năng với các giải pháp công nghệ nông nghiệp cải thiện hiệu quả sản xuất, thuốc trừ sâu sinh học, kho lạnh để cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, chế biến nước ép rau quả và chiếu xạ thực phẩm.
Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các mảng công nghệ cấp nước sạch, điện rác, xử lý rác thải và chất thải, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng xác định là có nhiều cơ hội ưu tiên đầu tư. Bên cạnh đó là lĩnh vực năng lượng tái tạo và thay thế, xây mới và mở rộng các nhà máy điện mặt trời, thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời giá rẻ, xây mới và mở rộng nhà máy điện gió, trạm sạc điện, truyền tải điện…
Riêng trong ngành tài chính, ưu tiên cơ hội mở với các công nghệ dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp và cá nhân, cung cấp các giải pháp cho vay ngang hàng (P2P) hoặc gây quỹ cộng đồng để cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó là phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp cho doanh nghiệp nông nghiệp như giải pháp kỹ thuật số để tăng cường chia sẻ thông tin và truy cập dịch vụ cho người dân ở vùng sâu vùng xa…
CƠ SỞ ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ THEO MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bản đồ là cơ sở để Việt Nam định hướng đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên theo mục tiêu phát triển bền vững. Cung cấp thông tin thị trường về các cơ hội đầu tư, kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.
Bản đồ sẽ giúp định hướng cho khu vực tư nhân về các lĩnh vực đang cần đầu tư nhất trong nước, đồng thời khuyến khích áp dụng đổi mới khoa học công nghệ và nỗ lực để hiện thực hóa các lĩnh vực có cơ hội đầu tư nhằm phát triển bền vững.
Bản đồ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả bằng cách đảm bảo tính bền vững trong các hoạt động kinh doanh; các tổ chức kinh doanh mong muốn điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới hoặc thu hút đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Đây cũng là thông tin hữu ích với các nhà hoạch định chính sách mong muốn xây dựng khung chính sách tiến bộ, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức và phát triển bền vững.
Đại diện CIIP, cho biết bản đồ nhà đầu tư SDG Việt Nam cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho các nhà đầu tư mong muốn đầu tư bền vững vào Việt Nam.
Các bên tham gia khu vực công và tư nhân có thể sử dụng bản đồ nhằm hướng nguồn vốn đến các lĩnh vực tạo tác động lớn và góp phần đạt được các mục tiêu SDG của Việt Nam. Cùng với UNDP và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, CIIP mong muốn tạo ra nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác để thúc đẩy đầu tư bền vững tại Việt Nam, đại diện CIIP chia sẻ.
Ngoài 6 lĩnh vực mà bản đồ cơ hội đã nêu, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cần phải nghiên cứu mở rộng thêm các lĩnh vực khác ở Việt Nam. Điều này rất cần sự hỗ trợ, tham mưu chia sẻ kiến thức từ UNDP và các chuyên gia.
Theo các chuyên gia, muốn xác định đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiệu quả hay không cần phải xây dựng bản đồ nhận diện các cơ hội đầu tư ở các lĩnh vực. Phải xác định các lĩnh vực, ngành nghề, địa điểm cần xác định ưu tiên và có cơ hội đầu tư; đồng thời phải tính được bài toán hiệu quả kinh tế khi thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư...