Một làn sóng Covid-19 mới đang nổi lên ở châu Âu, dẫn tới những cảnh báo về sự bùng nổ số ca nhiễm tại Đức và buộc thủ đô Paris của Pháp phải ban lệnh phong tỏa.
Theo tin từ CNBC, biến chủng phát hiện đầu tiên tại Anh được xem là nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm mới này. Giới khoa học cho rằng biến chủng Anh có mức độ lây lan mạnh mẽ hơn nhiều so với các biến chủng trước đó.
Paris và một số vùng thuộc phía Bắc của nước Pháp đã phong tỏa từ hôm thứ Sáu, nhưng các trường học và cửa hiệu bán hàng hóa thiết yếu vẫn mở cửa. Trong tuần trước, số ca nhiễm Covid-19 mới bình quân mỗi ngày ở Pháp tăng vượt mức 25.000 ca lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel trước đây tuyên bố sẽ bắt đầu dỡ phong tỏa trong tháng 3. Nhưng đó là khi số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong 7 ngày là 65 ca trên 100.000 dân. Hiện nay, con số này là 96 và có một nỗi lo thực sự rằng số ca nhiễm mới trong dịp lễ Phục sinh sắp tới có thể vọt lên tương tự như ở lễ Giáng sinh năm ngoái.
"Số ca nhiễm mới gia tăng có thể cản trở những bước mở cửa tiếp theo trong mấy tuần tới đây", Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn phát biểu trong một cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu tuần trước. "Thay vì mở cửa, chúng tôi thậm chí có thể phải có những bước lùi".
Italy đã tạm dừng các kế hoạch cho lễ Phục sinh bằng cách tái áp lệnh phong tỏa toàn quốc do Thủ tướng Mario Draghi công bố. Nước này là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 6 trên thế giới, đến nay đã lên tới ít nhất 103.855 ca, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Ba Lan cũng đang đối mặt với số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh, trong đó khoảng 52% số ca nhiễm mới thuộc biến chủng Anh. Tổng số ca nhiễm ở nước này đã vượt ngưỡng 2 triệu ca vào hôm thứ Sáu tuần trước, với 25.995 ca được ghi nhận trong vòng chỉ 1 ngày.
Làn sóng Covid-19 mới nổi lên ở châu Âu trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang cố gắng thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Đến nay, chiến dịch tiêm phòng Covid của châu Âu diễn ra chậm chạp so với ở Mỹ và Anh.
Vấn đề nguồn cung và hậu cần là những nguyên nhân chính gây trở ngại, bên cạnh việc một loạt nước trong khu vực đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca vì lo ngại vaccine này gây đông máu. Tuần trước, nhiều nước châu Âu gồm Đức và Pháp đã nối lại việc tiêm vaccine này sau khi nhà chức trách EU tuyên bố vaccine này an toàn, nhưng cải thiện niềm tin của công chúng được cho là một công việc không dễ dàng.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức cũng cảnh báo rằng châu Âu không có đủ vaccine Covid để ngăn chặn làn sóng thứ ba này.