Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng 288.000 công nhân làm việc tại doanh nghiệp thuộc Ban quản lý. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 10/2021, con số này chỉ còn khoảng 135.000 người, bằng 46% tổng số công nhân trước dịch.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM nhận định: “Sau cao điểm chống dịch, số công nhân trở lại làm việc tại khu công nghệ cao sẽ gần như đông đủ. Nhưng các nhà máy trong khu chế xuất, khu công nghiệp chắc sẽ phải nỗ lực tìm đủ lao động để sớm hoạt động trở lại”.
NGƯỜI LAO ĐỘNG VỀ QUÊ, THÀNH PHỐ THIẾU NHÂN LỰC
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành phía Nam đã chính thức chuyển sang trạng thái "bình thường mới", điều chỉnh các biện pháp nhằm kiểm soát dịch hiệu quả và phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng được áp dụng, một làn sóng di chuyển lao động lớn chưa từng có đã xảy ra.
Hình ảnh cả nghìn người di chuyển trên những chiếc xe máy chở theo toàn bộ đồ đạc gia đình hướng về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, cho chúng ta thấy rõ quyết định khăn gói rời khỏi thành phố của những lao động ngụ cư này. Thậm chí có những đoàn người đi xe máy vượt gần 2.000 km ròng rã trong hơn 3 ngày để về các tỉnh miền núi phía Bắc. Số lượng lớn công nhân này hầu hết tập trung tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai - những nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này báo hiệu nguy cơ thiếu hụt lao động số lượng lớn trong thời điểm sắp tới.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng lực lượng lao động giảm 22,1% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số lao động giảm so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 44,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 32,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 31,3%...
Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, Bình Dương cho biết tỉnh này có thể thiếu hụt 40.000 - 50.000 lao động. Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu lao động làm việc tại hơn 50.000 doanh nghiệp. Thời gian qua, chỉ có khoảng 250.000 lao động làm việc “3 tại chỗ”, như vậy khoảng 950.000 người đã ngừng việc. Khi nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh để phục hồi, lại không ai dám chắc sắp tới sẽ không còn những đoàn người lũ lượt rời thành phố, về quê.
Mới đây nhất, Hiệp hội Dệt may nhận định, 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian "cực kỳ khó khăn" đối với ngành dệt may. Ngành này sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu lao động do người lao động có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay. "Thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35 - 37%. Mặc dù TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang dần mở cửa trở lại trong tháng 10 nhưng vẫn rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Chưa kể đến việc nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là rào cản trong việc tìm nguồn lao động thay thế. Đây là thách thức rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp khi chưa có phương án tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện bình thường mới," ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận.
NHIỀU ĐỀ XUẤT KHẢ THI
Dựa trên số liệu khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động về việc đáp ứng nguồn lao động trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp lên đến 43.600 – 56.800 người.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực sản xuất, các lao động hiện nay đã về quê tại các doanh nghiệp sẽ nhận được tin nhắn để quay trở lại thành phố. Đồng thời, người lao động phải đáp ứng được các điều kiện đặt ra tại bộ tiêu chí an toàn đã được Sở Công thương ban hành.
Cụ thể, tiêu chí đánh giá an toàn đối với người lao động tham gia sản xuất phải có thẻ xanh Covid-19 hoặc thẻ xanh Covid (giới hạn hoạt động), được xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc. Tần suất xét nghiệm cho các nhóm đối tượng lao động theo quy định của ngành y tế là 7 ngày/lần đối với nhóm thông thường và 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao.
Để giải quyết thiếu hụt lao động sau dịch, doanh nghiệp, địa phương phải bắt đầu ngay việc tái khởi động bằng một chiến lược hoàn toàn mới. Chìa khóa để doanh nghiệp thực hiện chiến lược này chính là truyền thông trung thực và mạnh mẽ các chính sách dân sinh, chăm sóc sức khỏe, các khoản phúc lợi hấp dẫn... Khi đó người lao động ắt sẽ tự quay trở lại và tự tìm đến.
Đối với lực lượng đang sinh sống trên địa bàn thành phố có nhu cầu tìm việc làm có thể tìm đến 127 đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn có giấy phép đăng ký hoạt động, trong đó Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM là nòng cốt. Các đơn vị này đang tiến hành khảo sát nhu cầu tìm việc để tư vấn, từ đó giới thiệu danh sách cụ thể của người lao động tới các doanh nghiệp.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thái Sơn nhận định: “Có đến 70 - 80% lao động tự do tại TP.HCM từ các tỉnh, thành khác đến, họ không được mua bảo hiểm, việc tiếp cận công nghệ cũng chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác… Theo tôi, thành phố cần xây dựng dữ liệu về các nhóm lao động đang làm việc tại TP.HCM”.
“Mặc khác, từ thực trạng nơi ở không đảm bảo của người lao động hiện nay, để đảm bảo nguồn lực lao động tại TP.HCM, trong tương lai, thành phố cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp phải truyền thông thường xuyên với người lao động, mời họ trở lại bằng các thông tin cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch (xét nghiệm, tủ thuốc F0…) để họ an tâm trở lại làm việc,” ông Trần Việt Anh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Long Rich (Khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức) thông tin: “Công ty tiếp tục nhắn tin mời người lao động ở các địa phương đi làm trở lại; những ai chưa tiêm vaccine sẽ được tiêm đủ. Tuy nhiên, việc đi lại giữa các địa phương còn khó khăn, đề nghị các cơ quan hữu quan sớm có phương án giải quyết vấn đề này”.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND TP.HCM cũng đã đề xuất UBND 4 tỉnh giáp ranh là Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai cho phép người cư trú trên địa bàn có đủ điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải được đi lại hằng ngày để làm việc tại TP.HCM; thống nhất tiêu chí đón người lao động từ ngoài vùng vào làm việc.
Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết: “Thành phố cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước để phối hợp đưa người lao động trở lại làm việc. Theo đó, những người này cần được địa phương nơi đi đồng ý cho đi; có đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi đến tiếp nhận. UBND TP. HCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các chuyến xe, chuyến tàu đưa người lao động trở lại thành phố làm việc theo từng đoàn, bảo đảm an toàn phòng dịch”.