Cuối chiều qua 26/5/2019, tuyến cáp quang biển quốc tế APG lại gặp sự cố và đã gây ảnh hưởng đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Đây là thứ 4 trong năm nay tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố. Trước đó, liên tiếp trong 3 ngày 26, 27 và 28/2, 3 nhánh S1.9, S1.8 và S3 của tuyến cáp quang biển APG đã lần lượt gặp sự cố, sau đó được khắc phục trong tháng 3 và tháng 4.
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho VnEconomy biết, trong lần gặp sự cố này, vị trí lỗi cáp được xác định cách trạm cập bờ DNG (Đà Nẵng - PV) 132 km. Theo đó, với vị trí lỗi cáp ở khu vực trạm cập bờ DNG nên đã gây ảnh hưởng toàn bộ dung lượng trên tuyến APG kết nối tới Việt Nam.
"Hiện doanh nghiệp đang thu thập thông tin về nguyên nhân sửa chữa và quá trình khắc phục", vị đại diện này cho biết.
Được biết Ban quản trị hệ thống cáp biển APG cũng đang tích cực xử lý tuy nhiên vẫn chưa có có dự kiến thời gian khắc phục xong sự cố.
Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway - APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư.
Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
Tuyến cáp này có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.