May 31, 2014 | 18:56 GMT+7

“Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc đấu tranh pháp lý”

Nhật Minh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg về tình hình biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Bloomberg.<br>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Bloomberg.<br>
“Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này”.

Đó là thông điệp từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 30/5 tại Hà Nội.

Ông nêu rõ: việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực.

Việt Nam kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình. Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới trên biển Đông. Do vậy, với khoảng 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển qua đây, thì chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này, và các nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Trả lời câu hỏi về quan hệ  hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc trong tình hình hiện nay, Thủ tướng nói, các quốc gia hợp tác kinh tế với nhau đều trên cơ sở kinh tế thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam với Trung Quốc cũng như vậy.

“Đến giờ này quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Trung Quốc nhìn chung vẫn đang diễn ra bình thường”, ông nói.

Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam đã có một số tác động đến một vài lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, song “Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó thích hợp”.

Trả lời Bloomberg về tình hình kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2014, Thủ tướng cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng trưởng hơn 5,4%. Tình hình 5 tháng đầu năm 2014 đang trong chiều hướng phát triển tích cực, theo đúng mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát đã được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại tệ tăng cao, xuất khẩu tăng mạnh khoảng 16%, dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8%.

Về câu hỏi liên quan đến việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng và việc Chính phủ Việt Nam có xem xét việc tăng phần trăm sở hữu của người nước ngoài  đối với doanh nghiệp Việt Nam cao hơn tỷ lệ 49% hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa các thị trường, trong đó có thị trường tài chính, ngân hàng theo lộ trình thích hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và điều kiện cụ thể của nền kinh tế Việt Nam”.

Trong một diễn biến khác, hôm nay (31/5), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh những hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông đang gây mất ổn định cho khu vực. Ông Hagel đã lấy vụ việc Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam làm một ví dụ điển hình.

Trong khi Trung Quốc nói rằng họ mong muốn “sự hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên biển”, thì trong những tháng gần đây họ lại “tiến hành những hành động đơn phương, gây bất ổn định nhằm khẳng định chủ quyền ở biển Đông”, ông Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, diễn đàn an ninh được tổ chức thường niên tại Singapore.

Cũng tại hội nghị này hôm nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố, Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Ông cho rằng, “quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát”.

Trước đó, hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết ủng hộ Việt Nam và Philippines trong những tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, Thủ tướng Abe nói, Nhật Bản sẽ "hỗ trợ tối đa" các nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc đảm bảo an ninh trên biển và trên không, duy trì triệt để sự tự do đi lại trên biển và trên không.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate