November 26, 2021 | 13:09 GMT+7

Lao đao vì Covid-19, thưởng Tết 2022 sẽ thế nào ?

Nhật Dương -

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021, các chuyên gia, doanh nghiệp dự báo “bức tranh” thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi thời điểm cuối năm đang cận kề, câu chuyện thưởng Tết lại là vấn đề khiến không ít doanh nghiệp đau đầu để cân đối chế độ chăm lo tốt hơn cho người lao động. Nhận định mức thưởng Tết trong năm 2022 theo các chuyên gia là khó tăng, chỉ trừ số doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

MỨC THƯỞNG TẾT KHÓ TĂNG

Là doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng, ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Trà Cozy cho biết, cũng như các doanh nghiệp khác, năm qua đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên ban giám đốc công ty dự kiến vẫn sẽ có thưởng Tết 2022 là tháng lương thứ 13 cho người lao động.

Ngoài ra sẽ có khoản thưởng thêm cho các đơn vị, công ty thành viên, song mức thưởng còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cuối năm. Ông Tuấn Anh đánh giá, mức thưởng Tết của đơn vị này dự kiến không thay đổi nhiều so với năm ngoái, trung bình người lao động sẽ nhận được một tháng lương. Trong năm 2021, đối với công nhân mức thưởng dao động từ 7 – 10 triệu đồng, nhân viên từ 15 – 25 triệu đồng, còn các vị trí nhân sự cấp trung trở lên mức thưởng sẽ cao hơn.

Còn theo bà Vũ Thị Hạnh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty Cổ phần đầu tư công nghiệp Thuận Phát, hiện doanh nghiệp này cũng đang xây dựng kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, dự kiến gồm tháng lương thứ 13 kèm quà tặng là giỏ quà hay đồ gia dụng thiết yếu.

Bà Hạnh cho biết, năm ngoái mức thưởng Tết của đơn vị này trung bình từ 5 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào vị trí, phòng ban và kết quả hoạt động trong năm, tất cả các yếu tố này đều được cân nhắc để đảm bảo người lao động nhận được mức thưởng tương xứng.

“Trong năm 2021 dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng quy mô lao động trong nhà máy sản xuất của chúng tôi không bị ảnh hưởng, do chế độ cho cán bộ nhân viên vẫn được đảm bảo. Mặc dù thời điểm dịch kéo dài hơn nhưng doanh số của công ty lại tăng vượt trội so với năm ngoái từ 20 – 30%, nên dự kiến mức thưởng của người lao động sẽ cao hơn”, bà Hạnh thông tin.

Lý giải về mức thưởng của doanh nghiệp năm 2022 dự kiến tăng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác cho rằng mức thưởng sẽ rất thấp, hoặc chỉ mang tính chất động viên, bà Hạnh cho rằng do đặc thù doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Vì vậy, hầu như không bị ảnh hưởng nhiều, có chăng gặp trở ngại do lệnh hạn chế đi lại trong thời điểm giãn cách khiến lượng hàng xuất đi các tỉnh bị sụt giảm, song số này không lớn.

Mức thưởng Tết cho người lao động năm 2022 dự kiến sẽ khó khăn. Ảnh minh họa - Nhật Dương. 
Mức thưởng Tết cho người lao động năm 2022 dự kiến sẽ khó khăn. Ảnh minh họa - Nhật Dương. 

Cũng nhận định về mức thưởng Tết năm 2022, qua tìm hiểu của phóng viên, một số doanh nghiệp cũng tiết lộ nhìn chung sẽ vẫn có thưởng cho người lao động dù chưa thể đưa ra mức cụ thể, nhưng sẽ thấp hơn năm ngoái. “Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, mức thưởng sẽ còn tùy theo tình hình thực tế và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ kém hơn”, đại diện một doanh nghiệp nhìn nhận.

NHIỀU NGÀNH NGHỀ DỰ KIẾN KHÔNG CÓ THƯỞNG?

Là đơn vị thường xuyên có hoạt động kết nối, tương tác với các doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nói đến câu chuyện thưởng Tết ở thời điểm hiện nay là “còn quá sớm và rất khó” để đưa ra nhận định về dự kiến mức thưởng so với các năm.

“Nhìn chung mức thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn, theo quan sát của chúng tôi với những lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp thì được biết dù có thưởng Tết hay không họ cũng chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu là trước mắt giữ được việc làm, thu nhập để đảm bảo cho cuộc sống và vì sự phát triển chung của doanh nghiệp”, ông Thành đánh giá.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, pháp luật không quy định cụ thể về việc doanh nghiệp phải chi trả lương tháng 13 cho người lao động. Tuy nhiên, nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về lương tháng 13 trong hợp đồng lao động, hoặc ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp bắt buộc phải chi trả khoản tiền này.

Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Hương dự kiến nhiều ngành nghề có thể không có thưởng Tết. Trong bối cảnh đó, cả người lao động và doanh nghiệp nên cùng chia sẻ với nhau, bởi khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì giữ được việc làm là điều quý giá nhất.

Theo quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản, hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, và phải được công khai tại nơi làm việc.

Trước đó, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán là 1,07 tỷ đồng tại một doanh nghiệp dân doanh ở TP. HCM.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức tiền lương, tiền thưởng cao chủ yếu tập trung vào các ngành có lợi thế, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Tài chính - ngân hàng, hóa mỹ phẩm, điện tử - công nghệ thông tin, y tế...

Tiền thưởng dù không phải là khoản tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải trả cho người lao động, nhưng thống kê qua các năm cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có tiền thưởng Tết, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate