November 08, 2021 | 06:00 GMT+7

“Lao đao” vì giá nguyên liệu đầu vào

Tuệ Mỹ -

Một tháng kể từ khi Việt Nam bắt đầu kế hoạch mở cửa, thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh, các doanh nghiệp trên cả nước đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất...

Khi những bài toán như lưu thông hàng hóa, nguồn nhân công hay sản xuất an toàn… còn chưa giải quyết triệt để, thì hiện nay, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nỗi lo khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu và giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang cố gắng đủ nguyên liệu để không gián đoạn sản xuất, nhưng họ cũng đang đối mặt với rủi ro vì giá nguyên liệu đầu vào tăng và chưa có điểm dừng.

DOANH NGHIỆP “THIỆT ĐƠN THIỆT KÉP”

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nếu như trong thời gian qua chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh do phải thực hiện các phương án đảm bảo kiểm soát dịch bệnh thì giờ đây chi phí này vẫn còn tiếp tục tăng.

Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2021, hầu hết giá cả của nguyên vật liệu sản xuất đều tăng. So với đầu năm, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá xăng dầu tăng 28%, giá nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô tăng 6%, giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 11% và giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 11%...

Bà Kim Ngân, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Nước mắm Thanh Hà, cho biết nguyên liệu bao bì từ quý 4/2020 đến nay đã tăng tổng cộng 40% - 50% và chi phí vận chuyển cũng tăng cao. “Công ty phải chịu thiệt đơn thiệt kép vì không thể tăng giá bán trong khi nguyên vật liệu tăng giá, chi phí chống dịch phát sinh. Ngoài ra, để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, công ty phải tăng ca, chi trả lương tăng 30% - 50% nên có những đơn hàng dù lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm,” bà Ngân thông tin.

Cũng tương tự, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn gia súc ở TP.Biên Hòa cho biết, nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu và giá ở mức cao khiến cho giá sản phẩm đầu ra tăng theo tùy vào loại thức ăn của từng vật nuôi. Ngoài ra, nguồn cung vẫn chưa dồi dào nên nhiều công ty sản xuất cám đang phải “ăn đong”, ký hợp đồng cung ứng với đối tác theo tháng chứ không ký hợp đồng dài hạn theo quý như trước đây.

“Lao đao” vì giá nguyên liệu đầu vào - Ảnh 1

Tổng giám đốc một doanh nghiệp thủy sản tại TP.HCM cũng cho biết đang tạm ngưng cung cấp sản phẩm đồ hộp cho một số siêu thị vì không thương lượng được việc điều chỉnh tăng giá 10%. "Công ty đã nỗ lực gồng gánh để giữ giá trong nhiều tháng liền, đến nay không thể cầm cự thêm nữa vì chi phí sản xuất đã tăng gấp 5 lần, nguyên liệu chính và phụ liệu, bao bì tăng 24%, xăng dầu tăng trên 20% so với đầu tháng 4," vị tổng giám đốc này giải thích.

 
Ngay từ những tháng đầu năm, khi chưa bùng dịch lần thứ 4, doanh nghiệp đã phải cân não giải bài toán chi phí vì giá nguyên liệu, vận tải tăng vọt. Tuy nhiên, cơn "bão" giá lần này có nguy cơ gây tổn thương cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Một trong những lĩnh vực đang đối mặt với bài toán giá cả gia tăng chóng mặt gần đây là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Điển hình như sản xuất xi măng, do tình hình giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất như: điện, than, dầu, thạch cao… trên thị trường thế giới tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất cũng đội lên. Những yếu tố này dẫn đến giá xi măng trên thị trường tăng theo, những ngày cuối tháng 10, giá xi măng đã tăng rất mạnh, trung bình từ 80 - 100 ngàn đồng/tấn. 

Không chỉ lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu mà các ngành dịch vụ - thương mại cũng đang gặp khó khăn. Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân (Lào Cai) chia sẻ: “Ở giai đoạn bình thường, chi phí nhiên liệu của công ty khoảng hơn 4 tỉ đồng/tháng. Đến nay, khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 400 triệu đồng”. Theo ông Dũng, hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại của các doanh nghiệp chỉ chiếm 15% - 20% vì lượng khách giảm sút. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì càng chạy càng lỗ nặng.

RẤT CẦN NHỮNG HỖ TRỢ CỤ THỂ

Thực tế, giá nguyên liệu tăng phi mã không phải là vấn đề mới xuất hiện, ngay từ những tháng đầu năm, khi chưa bùng dịch lần thứ 4, doanh nghiệp đã phải cân não giải bài toán chi phí vì giá nguyên liệu, vận tải tăng vọt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của VEPR, khác với đầu năm, cơn "bão" giá lần này có nguy cơ gây tổn thương cho doanh nghiệp nhiều hơn bởi doanh nghiệp đã bị bào mòn khá nhiều qua đợt bùng dịch nghiêm trọng vừa qua.

Mặt khác, khi giá nguyên liệu tăng sẽ dẫn tới các doanh nghiệp buộc phải đưa ra quyết định tăng giá sản phẩm, đảm bảo biên lợi nhuận. Đây là điều mà họ không hề mong muốn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang khó khăn, thu nhập và tiêu dùng nhiều người giảm sút.

Thời gian qua, Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương đã có nhiều quyết sách, biện pháp để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết trong bối cảnh hiện tại họ vẫn gặp nhiều khó khăn nên cần được tháo gỡ bằng những hỗ trợ cụ thể, sát sườn hơn nữa.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (sản xuất nước giải khát Bidrico) cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp, điều quan trọng là các địa phương cần độ phủ vaccine đồng đều. Việc này sẽ tạo ra sự ổn định về cấp độ dịch bệnh ở các địa phương, từ đó việc lưu thông hàng hóa cũng như việc đi lại của người lao động được thuận lợi.

“Lao đao” vì giá nguyên liệu đầu vào - Ảnh 2

Đồng thời, để kích thích cho sản xuất, ông Hiến kiến nghị Nhà nước giảm 50% thuế VAT cho tất cả doanh nghiệp từ tháng 6 đến hết 31/12, sang tháng 2/2022 giảm 30%, sau đó mới thu lại bình thường. Ông Hiến dẫn chứng: “Ví dụ một sản phẩm 10.000 đồng, cộng VAT, người tiêu dùng mua với giá 11.000 đồng. Nếu VAT giảm 50%, người dân chỉ mua sản phẩm với giá 10.500 đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc, giá cả được giảm cũng phần nào kích cầu tiêu dùng”.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thì cho rằng hiện nay không khí phục hồi sản xuất đang rất khẩn trương và tích cực. Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp phục hồi sớm trong thời gian tới, hiệp hội kiến nghị TP.HCM cần tháo gỡ thủ tục hành chính; thành lập tổ công tác đặc biệt để có sự phối hợp với hiệp hội tháo gỡ ngay những khó khăn của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần ban hành một số chính sách hỗ trợ giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp như tạm thời chưa thu phí cảng, hạ tầng cảng biển, giảm tiền điện, nước. Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị Chính phủ ban hành gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như vay vốn không cần thế chấp tài sản, kéo dài hơn thời gian nộp thuế…

 
Các chuyên gia kinh tế dự báo áp lực tăng giá trong 2 tháng cuối năm 2021 là rất lớn. Nguyên nhân chính là chi phí nguyên liệu đầu vào tất cả lĩnh vực, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu… trong nước đều tăng mạnh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate